Mục lục
- 1. 1. Kiểm tra chấn động là gì?
- 2. 2. Tại sao cần kiểm tra chấn động sau va chạm?
- 3. 3. Bài kiểm tra chấn động sau va chạm gồm những gì?
- 4. 4. Cần chuẩn bị gì cho bài kiểm tra chấn động?
- 5. 5. Có rủi ro gì khi kiểm tra chấn động?
- 6. 6. Ý nghĩa của bài kiểm tra chấn động là gì?
- 7. 7. Ngăn ngừa chấn động bằng cách nào?
- 8. Đánh giá
Các bài kiểm tra chấn động sau va chạm là rất cần thiết để đánh giá tổn thương não, từ đó đưa ra các biện pháp chữa trị phù hợp, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và công việc. Bài kiểm tra này đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương đầu do va chạm hoặc sau ngã.
1. Kiểm tra chấn động là gì?
Các bài kiểm tra chấn động có thể giúp tìm hiểu nguy cơ bị chấn động não, có thể là chấn động sau va chạm và chấn động sau ngã.
Chấn động là một loại chấn thương sọ não do va đập hoặc bị đánh mạnh vào đầu. Chấn động sau va chạm hoặc chấn động sau ngã thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn vì chúng hoạt động nhiều hơn và não bộ vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Chấn động thường được mô tả là chấn thương sọ não nhẹ. Khi chấn động xảy ra, khối não bên trong hộp sọ sẽ bị rung chuyển gây ra các thay đổi hóa học trong não và ảnh hưởng đến chức năng của não. Sau một cơn chấn động, bạn có thể bị đau đầu, thay đổi tâm trạng, các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung.
Các tác động do chấn động não thường là tạm thời và hầu hết mọi người phục hồi hoàn toàn sau khi điều trị. Phương pháp điều trị chính do chấn động là nghỉ ngơi, cả thể chất và tinh thần. Nếu không được điều trị, chấn động có thể gây tổn thương não lâu dài.
2. Tại sao cần kiểm tra chấn động sau va chạm?
Kiểm tra chấn động sau va chạm cần được thực hiện ngay cả khi nghĩ rằng chấn thương không nghiêm trọng. Hầu hết mọi người không bất tỉnh vì chấn động não. Một số người thậm chí không biết bản thân bị chấn động. Điều quan trọng là phải theo dõi các triệu chứng chấn động để điều trị kịp thời. Điều trị sớm có thể giúp bạn phục hồi nhanh hơn và ngăn ngừa tổn thương thêm.
Các triệu chứng chấn động não sau va chạm bao gồm:
- Đau đầu
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi
- Mơ hồ
- Chóng mặt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Thay đổi giấc ngủ
- Thay đổi tâm trạng
- Khó tập trung
- Các vấn đề về trí nhớ
Một số người có các triệu chứng của chấn động não ngay lập tức sau va chạm, trong khi những người khác có thể không xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi bị thương.
Một số triệu chứng có thể là biểu hiện của chấn thương não nghiêm trọng hơn là chấn động não. Gọi cấp cứu hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Không có khả năng tỉnh lại sau chấn thương
- Nhức đầu dữ dội
- Co giật
- Nói lắp
- Nôn nhiều.
3. Bài kiểm tra chấn động sau va chạm gồm những gì?
Bài kiểm tra chấn động sau va chạm thường bao gồm các câu hỏi về các triệu chứng chấn động và khám sức khỏe. Bạn cũng có thể được kiểm tra về những thay đổi trong:
- Tầm nhìn
- Thính giác
- Thăng bằng
- Sự phối hợp
- Phản xạ
- Ký ức
- Sự tập trung
Các vận động viên có thể được kiểm tra cơ bản về chấn động trước khi bắt đầu một mùa giải. Trong một bài kiểm tra chấn động cơ bản thường bao gồm việc thực hiện một bảng câu hỏi đo lường sự chú ý, trí nhớ, tốc độ trả lời và các khả năng khác.
Đôi khi, các xét nghiệm hình ảnh cũng có thể được đưa vào kiểm tra, ví dụ như:
- Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính)
- MRI (chụp cộng hưởng từ)
Trong tương lai gần, xét nghiệm máu cũng có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán chấn động não. FDA gần đây đã phê duyệt một thử nghiệm, được gọi là chỉ số chấn động não, dành cho người lớn bị chấn động. Xét nghiệm đo một số protein được giải phóng vào máu trong vòng 12 giờ sau khi bị chấn thương đầu nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của chấn thương và xem xét việc thực hiện chụp CT.
4. Cần chuẩn bị gì cho bài kiểm tra chấn động?
Bạn không cần bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào để kiểm tra chấn động.
5. Có rủi ro gì khi kiểm tra chấn động?
Có rất ít rủi ro khi thực hiện các bài kiểm tra chấn động. Chụp CT và MRI không gây đau, nhưng có thể hơi khó chịu. Một số người cảm thấy ngột ngạt trong máy quét MRI.
6. Ý nghĩa của bài kiểm tra chấn động là gì?
Nếu bị chấn động, nghỉ ngơi sẽ là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình hồi phục. Điều này bao gồm ngủ nhiều và không thực hiện bất kỳ hoạt động gắng sức nào.Thư giãn đầu óc bao gồm các việc như hạn chế bài tập ở trường hoặc các hoạt động sử dụng trí não khác, xem TV, sử dụng máy tính và đọc sách. Khi triệu chứng cải thiện, bạn có thể tăng dần mức độ hoạt động thể chất và tinh thần. Bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.Đối với vận động viên, ngoài các bước được liệt kê ở trên, còn có một số khuyến nghị sau:
- Không trở lại tập luyện trong 07 ngày trở lên
- Làm việc với huấn luyện viên và chuyên gia y tế để đánh giá tình trạng của vận động viên
- So sánh kết quả chấn động cơ bản và sau chấn thương
7. Ngăn ngừa chấn động bằng cách nào?
Chấn động não có thể được ngăn ngừa bằng các cách sau:
- Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, trượt tuyết và chơi các môn thể thao khác
- Thường xuyên kiểm tra thiết bị thể thao
- Thắt dây an toàn
- Giữ an toàn cho ngôi nhà bằng cung cấp đủ ánh sáng và loại bỏ các chướng ngại vật trên sàn. Ngã trong nhà là nguyên nhân gây chấn thương đầu.
Ngăn ngừa chấn động là quan trọng đối với tất cả mọi người, nhưng nó đặc biệt quan trọng đối với những người đã từng bị chấn động trong quá khứ. Chấn động liên tiếp có thể gây ra thêm các vấn đề về sức khỏe và kéo dài thời gian hồi phục.
Nguồn tham khảo: healthline.com
- Hội chứng tăng áp lực trong sọ nguy hiểm thế nào?
- Quy trình chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ
- Bị tụ máu quanh màng nhện và phình mạch máu não do ngã xe có làm nút mạch được không?