Mục lục
Bên cạnh bữa chính, bữa phụ cho trẻ ăn dặm rất cần thiết để giúp bé phát triển toàn diện, phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi hàng ngày. Dưới đây là những loại thực phẩm có thể bổ sung vào chế độ dinh dưỡng nếu mẹ chưa biết bữa phụ nên cho bé ăn gì.
1. Bổ sung sữa chua vào bữa phụ cho trẻ ăn dặm
Sữa chua là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ ăn và cũng là món ăn ưa thích của nhiều trẻ. Sữa chua là chế phẩm từ sữa nên có khả năng cung cấp năng lượng, protein và canxi dồi dào, giúp cho trẻ cao khỏe và năng động hơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, sữa chua còn là nguồn thức ăn duy trì cho lợi khuẩn probiotic tốt cho đường ruột của trẻ, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và bảo vệ trẻ khỏi những vấn đề tiêu hóa thường gặp.
Ngoài ra, sữa chua rất tiện lợi cho mẹ, bởi vì không làm mất thời gian chế biến và có thể kết hợp với nhiều món ăn khác nhau cho trẻ. Hiện nay, sữa chua có nhiều vị khác nhau cho mẹ lựa chọn loại ưa thích của trẻ.
2. Bổ sung trái cây cho trẻ
Trái cây là một trong những thực phẩm nên bổ sung vào bữa phụ cho trẻ ăn dặm. Các loại trái cây có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ tự nhiên có lợi cho quá trình tiêu hóa và tăng cường khả năng hấp thu cũng như hỗ trợ phát triển cơ thể trẻ. Hầu hết các loại trái cây đều có vị ngọt thanh mát dễ ăn và cũng là những món ăn ưa thích của nhiều trẻ. Các loại trái cây mà mẹ có thể bổ sung vào bữa phụ cho trẻ ăn dặm như chuối, bơ, táo, đu đủ,... Đặc biệt, trong trái cây có chứa rất giàu đạm và chất béo được nhiều chuyên gia khuyên trẻ sử dụng. Bởi vì chúng cung cấp một lượng calo giúp cho trẻ tăng trưởng khỏe mạnh, cung cấp đầy đủ các loại vi chất thiết yếu như magie, kali, omega-3,... có lợi cho quá trình phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Để cho trẻ ăn đúng cách các mẹ có thể chế biến các loại trái cây sao cho phù hợp khẩu vị của trẻ như:
- Quả bơ: Xay nhuyễn hỗn hợp bơ trộn với cháo hoặc cắt lát thành miếng nhỏ dầm với sữa hoặc đường làm món ăn nhẹ tưới mát cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng bơ có rất nhiều năng lượng và hàm lượng chất béo, protein rất cao. Vì vậy, mỗi ngày các mẹ chỉ nên cho con ăn 1⁄2 quả bơ.
- Táo: Mẹ có thể gọt vỏ táo và cho vào nồi đun nhỏ lửa trong khoảng thời gian từ 15-20 phút để táo mềm ra. Sau đó, xay mịn và cho trẻ ăn kèm với sữa chua hoặc sữa.
- Đu đủ và chuối: Đây đều là những loại quả chín mềm có vị ngọt nên rất dễ ăn và không cần chế biến nhiều. Các mẹ chỉ cần cắt lát nhỏ hoặc cắt hạt lựu hay xay nhuyễn cho trẻ ăn. Thỉnh thoảng mẹ cũng có thể đổi khẩu vị cho trẻ bằng cách ăn kèm với sữa tươi hoặc sữa chua. Đối với trẻ từ 6-8 tháng tuổi, các mẹ nên nhớ rằng chỉ cần ăn 1 quả chuối nhỏ hoặc 1⁄2 miếng đu đủ chín cho một bữa ăn phụ và sau đó có thể tăng dần từ từ.
3. Ngũ cốc giàu chất dinh dưỡng
Ngũ cốc bao gồm các loại hạt và đậu được xem là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, bởi vì chúng có chứa nhiều protein dồi dào giúp cho trẻ phát triển cơ, giàu chất chống oxy hóa nhằm phòng chống viêm nhiễm. Bên cạnh đó, các vitamin và chất khoáng, chất xơ thiết yếu như canxi, kẽm, sắt tham gia vào quá trình hoàn thiện cơ quan và giác quan của trẻ. Một số loại đậu còn cung cấp vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột giúp trẻ ngăn ngừa các bệnh có liên quan tới hệ tiêu hóa.
Các loại ngũ cốc phổ biến thường được sử dụng làm bữa ăn dặm cho trẻ bao gồm đậu xanh, gạo lứt, đậu đen, đậu đỏ, mè trắng,... Các mẹ có thể kết hợp với nhiều loại hạt trong một bữa ăn dặm nhằm đa dạng hóa nguồn dinh dưỡng cho trẻ. Một cách chế biến đơn giản cho các mẹ đó là vo sạch và đem phơi với những loại hạt và đậu cho ráo nước, sau đó xay nhuyễn và cất vào hũ thủy tinh sạch, đóng nắp kỹ để nơi khô ráo. Khi đến bữa ăn phụ, mẹ chỉ cần lấy ra khoảng 2-3 muỗng bột rồi pha với nước và khuấy đều đến khi bột sánh lại sau đó tắt lửa, các mẹ có thể thêm một ít sữa khuấy vào cho trẻ sử dụng.
4. Khoai lang làm bữa ăn phụ cho trẻ
Khoai lang là một trong những loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam và rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài hàm lượng tinh bột và chất đạm giúp cho trẻ tăng cân và phát triển cơ, chất xơ dồi dào còn hỗ trợ hệ tiêu hóa. Ngoài ra, khoai lang còn cung cấp nhiều vitamin A dưới dạng beta-caroten, rất tốt cho mắt của trẻ. Bên cạnh đó, khoai lang còn giàu vitamin C, manga, vitamin B6, sắt và kali tốt cho sức khỏe tim mạch cũng như trí não của trẻ. Khoai lang có vị ngọt tự nhiên cùng với kết cấu dẻo khi nấu chín rất phù hợp làm bữa phụ cho trẻ ăn dặm.
Cách chế biến khoai lang là mẹ có thể rửa sạch khoai sau đó gọt vỏ, thái khoai thành miếng nhỏ rồi hầm từ 10-12 phút. Đợi cho khoai nguội bớt mẹ cho thêm từ 4-5 thìa sữa và cho vào máy xay hoặc nghiền nát bằng tay để tạo thành hỗn hợp nhuyễn mịn cho trẻ dễ ăn. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể kết hợp khoai lang với đậu xanh, bí đỏ, trứng gà hoặc nấu cháo để làm bữa ăn phụ.
5. Bổ sung khoai tây vào bữa phụ cho trẻ ăn dặm
Khoai tây là một loại củ giàu tinh bột, kali và vitamin A, vitamin C, đồng thời rất giàu năng lượng. Một củ khoai tây hấp chín có chứa khoảng 252 calo và có thể cung cấp đầy đủ năng lượng tương ứng với 1 bữa chính cho trẻ. Vì vậy, khi chế biến bữa ăn phụ cho trẻ ăn khoai tây, các mẹ cần lưu ý giảm một ít cháo hoặc bột trong khẩu phần ăn hàng ngày để cân bằng chất dinh dưỡng.
Cách đơn giản nhất mà các mẹ có thể chế biến bữa ăn phụ cho trẻ đó là gọt vỏ khoai tây, thái lát hoặc cắt hạt lựu rồi cho vào nồi hấp. Đợi đến lúc khoai tây chín mẹ lấy ra và dầm nhuyễn, có thể trộn hỗn hợp với sữa cho trẻ ăn. Khi trẻ lớn hơn và mọc được nhiều răng, mẹ cũng có thể tập trẻ học nhai bằng cách ăn hấp khoai tây cắt hạt lựu.
Tóm lại, bữa ăn phụ cho trẻ ăn dặm trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh có con bước vào độ tuổi ăn dặm. Ở độ tuổi này, cơ thể trẻ phát triển nhanh chóng và cần nhiều năng lượng cho những hoạt động học tập, khám phá và vui chơi mà sữa mẹ lại không còn đủ chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện. Vì vậy, cha mẹ có thể bổ sung các loại thực phẩm như sữa chua, các loại trái cây, khoai tây, ngũ cốc và khoai lang làm bữa ăn phụ bổ sung cho trẻ.
Bên cạnh đó, bé cũng cần được bổ sung thêm các vi chất cần thiết như kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Cách làm ruốc cá hồi
- 12 loại thực phẩm không dễ hỏng nhất
- Tháng thứ 7 sau khi bé chào đời