Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trẻ bị co giật là dấu hiệu cấp cứu cần được xử trí nhanh chóng và kịp thời để tránh nguy cơ tử vong. Bơm diazepam đường hậu môn là phương pháp điều trị co giật ở trẻ khi cấp cứu. Ngoài ra, diazepam cũng được dùng tại nhà với hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
1. Điều trị co giật ở trẻ
Trẻ bị rối loạn tri giác, động kinh hay co giật là một trong những dấu hiệu cấp cứu cần được xử trí nhanh chóng. Trong điều trị co giật ở trẻ, diazepam là thuốc điều trị đầu tay, được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Thuốc được dùng dưới dạng bơm đường hậu môn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi không thể tiêm tĩnh mạch.
Có thể sử dụng diazepam dạng tiêm tĩnh mạch để bơm hậu môn hoặc dạng bơm hậu môn vì có tính hiệu quả và đảm bảo an toàn tương đương nhau.
2. Hướng dẫn bơm diazepam đường hậu môn cho trẻ
Bơm diazepam đường hậu môn được chỉ định khi trẻ bị co giật, động kinh kéo dài trong 5 - 10 phút, cách thực hiện như sau:
- Dùng ống chích 1ml, tháo bỏ kim, rút 1 liều diazepam từ ống chích vào lọ.
- Đưa ống chích vào sâu trong hậu môn khoảng 4 - 5 cm và bơm diazepam vào.
- Kẹp chặt hai bên mông của trẻ trong khoảng vài phút.
Liều dùng diazepam đường hậu môn 10mg/2ml/ống là 0,1ml/kg, dựa theo cân nặng của trẻ, liều dùng cụ thể là:
- Trẻ từ 2 tuần – 2 tháng tuổi, cân nặng < 4kg: 0,3 ml.
- Trẻ từ 2 – dưới 4 tháng tuổi, cân nặng từ 4 – dưới 6kg: 0,5 ml.
- Trẻ từ 4 – dưới 12 tháng tuổi, cân nặng từ 6 – dưới 10kg: 1,0 ml.
- Trẻ từ 1 – dưới 3 tuổi, cân nặng từ 10 – dưới 14kg: 1,25 ml.
- Trẻ từ 3 – dưới 5 tuổi, cân nặng từ 14 – 19kg: 1,5 ml.
Với trẻ sơ sinh dưới 2 tuần tuổi, dùng phenobarbital 200mg/ml/lọ với liều dùng là 20mg/kg tùy theo cân nặng của trẻ. Nếu cân nặng 2kg, liều khởi đầu là 0,2ml và sau 30 phút dùng liều lặp lại là 0,1ml. Nếu cân nặng 3kg, liều khởi đầu là 0,3ml và sau 30 phút dùng liều lặp lại là 0,15ml.
Theo dõi tình trạng co giật của trẻ sau khi bơm diazepam đường hậu môn:
- Nếu sau 10 phút trẻ còn co giật: Dùng liều thứ hai diazepam hoặc tiêm chậm tĩnh mạch diazepam với liều 0,05ml/kg tương đương 0,25mg/kg (nếu có đường truyền tĩnh mạch). Lưu ý, không sử dụng quá 2 liều diazepam.
- Nếu sau 10 phút tiếp theo trẻ còn co giật và nghi ngờ tình trạng động kinh: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp phenobarbital với liều 15mg/kg trong 15 phút hoặc tiêm tĩnh mạch Phenytoin với liều 15 – 18mg/kg trong 60 phút (lưu ý, tiêm khác đường truyền với diazepam).
Trong khi dùng diazepam đường hậu môn, nếu trẻ có biểu hiện sốt cao cần:
- Cởi, nới lỏng quần áo cho trẻ, tạo không gian thông thoáng.
- Không sử dụng bất kỳ loại thuốc đường uống khác đến khi trẻ hết co giật.
- Khi trẻ hết co giật và có thể uống được, cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen.
- Đề phòng trường hợp trẻ ngưng thở, cần có dụng cụ trợ thở sẵn có.
3. Lưu ý khi bơm diazepam đường hậu môn cho trẻ tại nhà
Bơm diazepam đường hậu môn cho trẻ tại nhà được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Trẻ bị co giật, động kinh kéo dài trên 10 phút. Trẻ đã đáp ứng với diazepam tiêm tĩnh mạch hoặc bơm trực tràng trước đây. Trường hợp đã dùng thuốc nhưng trẻ không đáp ứng với thuốc trong 10 phút thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
- Trẻ có xu hướng động kinh chuỗi (cụm) và không đáp ứng với diazepam đường uống.
- Trẻ có tiền sử động kinh tự phát và đáp ứng với diazepam. Trước khi được đưa đến bệnh viện, trẻ có thể được bơm diazepam đường hậu môn.
- Trẻ có tiền sử động kinh nghiêm trọng và ở cách xa cơ sở y tế.
Tuy nhiên, cần lưu ý, không dùng diazepam liều lặp lại gần nhau vì có khả năng làm tăng nguy cơ ức chế hô hấp, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Ngoài ra, diazepam đường hậu môn cũng không được sử dụng đối với trẻ bị động kinh nhưng kiểm soát bệnh tốt.
4. Ưu điểm của diazepam đường hậu môn
- Thuốc có tác dụng kéo dài và phòng ngừa tình trạng tái co giật, giúp người nhà có thêm thời gian để đưa trẻ đến cơ sở y tế.
- Khả năng ức chế hô hấp thấp hơn.
- Khả năng ảnh hưởng đến huyết áp, gây ra tình trạng lơ mơ thấp hơn.
Diazepam đường hậu môn là thuốc điều trị co giật ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thuốc cũng được dùng tại nhà với trẻ bị bệnh động kinh, tuy nhiên người nhà cần được tập huấn sử dụng và dùng theo chỉ định, chỉ dẫn của bác sĩ. Tốt nhất là nên gọi cấp cứu, sau đó cho trẻ dùng thuốc trong thời gian chờ vận chuyển đến bệnh viện.
- Thuốc Epidiolex: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Chẩn đoán nguyên nhân co giật ở trẻ em
- Điều trị cấp cứu trẻ bị co giật