17-01-2024 14:45

Bổ sung sắt cho bé khi bị thiếu máu

Bổ sung sắt cho bé khi bị thiếu máu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Chung Thị Mộng Thuý -Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Thiếu máu thiếu sắt là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, bệnh chiếm tỉ lệ khá cao. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu viện huyết học truyền máu trung ương , tỉ lệ thiếu máu trẻ em dưới 5 tuổi là 19.6%. Bệnh gây mệt mỏi và giảm khả năng tập trung học tập, ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc nhiều biến chứng liên quan đến chức năng các cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, thận não, tâm thần.... Việc bổ sung sắt cho bé khi bị thiếu máu đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự hình thành và phát triển của trẻ.

1. Nguyên nhân trẻ bị thiếu máu thiếu sắt

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi nếu huyết sắc tố < 110g/lít thì được gọi là thiếu máu. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thiếu máu do thiếu sắt chủ yếu do các nguyên nhân sau:

1.1 Giảm dự trữ sắt trong gan , tủy xương ,lách, hồng cầu

Lượng dự trữ sắt trong cơ thể thai nhi không đủ: Trước khi bé ra đời, ở trong tử cung của mẹ, thai nhi đã có quá trình tích lũy sắt, lượng tích trữ sắt của trẻ sơ sinh bình thường, đủ tháng là từ 250 – 3.000mg, đủ cho nhu cầu tạo máu 3 – 4 tháng sau sinh. Lượng sắt tích trữ sẽ không đủ do bé đẻ non, bé sinh đôi, mẹ dinh dưỡng kém, mẹ nôn ói nhiều không uống được thuốc sắt trong thời kỳ mang thai hoặc do mẹ thiếu máu trong thai kỳ, đều là nguyên nhân trẻ bị thiếu máu thiếu sắt.

1.2 Giảm cung cấp, giảm hấp thu.

Tốc độ tăng trưởng của bé nhanh: Trẻ sơ sinh thiếu tháng thì tốc độ tăng trưởng càng nhanh, lượng sắt hấp thu không đủ, mà lúc này thức ăn chủ yếu của trẻ là sữa, nhưng dù là sữa mẹ hay sữa bò thì hàm lượng sắt cũng thấp, không thể đáp ứng nhu cầu tạo máu của bé. Vì vậy nên cho trẻ ăn dặm bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Đối với trẻ bị thiếu máu thiếu sắt cần bổ sung thêm thực phẩm giàu sắt giúp tránh nguy cơ thiếu sắt..

Chế độ ăn trẻ nghèo nàn, trẻ không ăn thịt, cá không cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng hằng ngày

Trong 1 số trường hợp bệnh lý cắt dạ dày,bệnh celiac, viêm dạ dày ruột thiểu sản...giảm sự hấp thụ sắt

1.3 Tăng tiêu thụ, tăng phá hủy sắt

Trẻ mắc các bệnh lý như nhiễm khuẩn, bệnh lý đường tiêu hóa, nhiễm giun sán... đều có thể là nguyên nhân góp phần gây thiếu máu thiếu sắt cho trẻ.

Trong nhiều trường hợp trẻ bị thiếu máu thiếu sắt nhẹ , trẻ không có triệu chứng gì rõ ràng, đôi khi trẻ đổ mồ hôi mỗi khi bú hoặc tháng này trẻ chậm tăng cân làm cha mẹ không để ý, cho đến giai đoạn xuất hiện thiếu máu thiếu sắt rõ ràng thì bố mẹ sẽ thấy con trẻ da xanh tái, cáu gắt, thường xuyên quấy khóc, dễ bị kich thích, trẻ lớn thì kém tập trung, hay quên, học không nhớ...

Các trường hợp trẻ bị thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng sưng phù như ở bàn tay và bàn chân, tim nhanh, suy tim, ứ dịch ngoại bào, khó thở... Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt cũng có một tình trạng rối loạn hành vi được gọi là “pica”, trong đó trẻ ăn các chất kỳ lạ, chẳng hạn như chất bẩn.

Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như trên, bạn nên đưa bé đến những cơ sở y tế uy tín để khám dinh dưỡng tổng thể, tìm nguyên nhân chính xác. Khi xét nghiệm máu và phân tích các thành phần trong máu sẽ cho ra những kết luận đúng đắn nhất. Nếu kết quả là trẻ bị thiếu máu thiếu sắt thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với bệnh trạng của bé.

Trẻ quấy khóc
Tình trạng trẻ nhỏ quấy khóc do thiếu máu thiếu sắt

2. Bổ sung sắt cho bé bao nhiêu là đủ?

  • Với trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh, lượng sắt trẻ tích lũy được từ mẹ trong thời kỳ mang thai đủ cho nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu sau sinh. Vì vậy, trẻ không cần phải bổ sung sắt cho trẻ. Cho trẻ bú sữa mẹ trong giai đoạn này rất quan trọng, vì sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu.
  • Đối với trẻ sinh non cần được bổ sung sắt thêm 2mg/kg mỗi ngày, tối đa 15 mg/ngày, bắt đầu từ 2 tuần tuổi, thời gian kéo dài từ 12-18 tháng tùy vào đánh giá lâm sàng. Lượng sắt này được cung cấp qua sữa công thức nhiều hơn trong sữa mẹ. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, có thể cho trẻ bổ sung sắt dạng lỏng, siro đồng thời cho trẻ ăn dặm bắt đầu từ tháng thứ 6.
  • Khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi, cần cho bé tập ăn dặm, tốt nhất là bắt đầu từ các thực phẩm giàu sắt. Bạn cũng có thể bổ sung sắt dạng thuốc lỏng mỗi ngày tùy theo đánh giá của bác sĩ, đặc biệt đối vói trẻ chưa thể ăn thức ăn đặc.
  • Trẻ từ 1 tuổi trở lên nên cho trẻ ăn chế độ giàu sắt kèm cho trẻ uống sữa bò vừa đủ vì sữa bò không phải là thực phẩm giàu sắt cho trẻ.

3. Nguồn thực phẩm bổ sung sắt cho bé

Đây là cách phổ biến và an toàn nhất để dự phòng và bổ sung sắt cho trẻ, khi trẻ bị thiếu sắt mức độ nhẹ. Có hai loại thực phẩm chứa sắt được tìm thấy trong thực phẩm hàng ngày:

  • Sắt trong thực phẩm động vật: thường hay có trong những loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu...), hải sản (cá ngừ, cá hồi, tôm, cua, nghêu, sò...), gia cầm, trứng và nội tạng động vật (gan, thận).
  • Sắt trong thực phẩm thực vật: hiện diện trong các loại rau có màu xanh đậm (rau bó xôi, rau muống, bông cải xanh...), các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt hoặc trái cây khô...

Nguồn sắt từ thực phẩm thực vật sẽ không được cơ thể hấp thu tốt như sắt từ động vật. Vì vậy nếu trẻ ăn chay, trẻ cũng không được bổ sung sắt đầy đủ. Tuy nhiên, nếu dùng chung với các loại thực phẩm giàu vitamin C (như cam quýt, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh...) sẽ góp phần giúp trẻ tăng bổ sung sắt cho bé. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt (có trong bưởi, cam, chanh, ổi, dâu tây, nhãn, quýt, ớt, cà chua...).

4. Lưu ý khi bổ sung sắt cho bé bằng thuốc

  • Chỉ nên được bổ sung sắt cho bé bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Dạng thuốc lỏng, siro thường phù hợp cho đối tượng trẻ nhỏ hơn những dạng thuốc khác.
  • Sắt được hấp thu tối đa khi bụng đói. Vì vậy, nên uống thuốc sắt vào thời điểm trước bữa ăn 1 giờ, hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Nếu có thể, bạn nên cho bé dùng chung với Vitamin C hoặc những thực phẩm giàu Vitamin C để tăng hấp thu và bổ sung sắt.
  • Trong trường hợp, trẻ bị kích ứng dạ dày do uống sắt khi đói (đau bụng, buồn nôn, nôn mửa...), có thể sử dụng thuốc trong hoặc sau bữa ăn, hoặc khởi đầu bằng liều thấp, sau đó tăng dần đến liều điều trị.
  • Một số thức ăn, có thể tương tác làm giảm sự hấp thu sắt như: sữa, trà, café, coca và các loại nước có ga... Vì vậy, nên hạn chế sử dụng những thực phẩm này 1 đến 2 giờ sau khi bổ sung sắt cho bé.
  • Các dạng thuốc lỏng, siro có khả năng làm sậm màu răng của trẻ khi sử dụng thuốc trong một khoảng thời gian dài. Bạn nên hướng dẫn bé súc miệng, đánh răng sau khi uống thuốc để làm giảm tác dụng không mong muốn này.
  • Thuốc có thể làm trẻ đi ngoài phân đen. Tuy nhiên, tác dụng này không gây hại. Một số tác dụng không mong muốn nghiêm trọng hơn như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn...
  • Nếu trong nhà bạn sẵn thuốc sắt, phải để xa tầm tay của trẻ, vì sắt là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thuốc hàng đầu. Biểu hiện cấp tính của ngộ độc sắt thường là nôn mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy, có máu trong phân.... Các triệu chứng trễ hơn gồm môi, móng tay và lòng bàn tay ngả màu xanh, lơ mơ, nhợt nhạt, co giật, thở nhanh và nôn. Nếu không may xảy ra trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trẻ sơ sinh ăn dặm, thèm ăn
Phụ huynh nên bổ sung sắt cho trẻ trước bữa ăn khoảng 1 tiếng đồng hồ

5. Dự phòng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

  • Cho con bú sữa mẹ hoặc sử dụng sữa công thức bổ sung sắt: Chất sắt tốt nhất và dễ hấp thu nhất cho trẻ dưới 1 tuổi là sữa mẹ. Bạn nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú ít nhất một năm.
  • Chế độ ăn uống cân bằng: Khi con bạn có thể tiêu thụ thức ăn rắn, hãy chọn thực phẩm bổ sung giàu sắt cho bé, chẳng hạn như các loại ngũ cốc cho em bé. Khi trẻ lớn lên, các nguồn thực phẩm bổ sung sắt tốt bao gồm rau xanh đậm, cá, gà, thịt đỏ và đậu.
Chế độ ăn giàu protein
Phụ huynh có thể bổ sung sắt cho trẻ bằng cách lựa chọn một số loại thực phẩm
  • Tăng cường bổ sung vitamin C: Vitamin C giúp quá trình hấp thụ sắt tốt hơn. Vitamin C có thể tìm thấy trong thực phẩm như cam, cà chua, dưa, dâu tây, bông cải xanh, khoai tây và kiwi.
  • Dùng chất bổ sung sắt cho bé: Thiếu sắt mức độ nhẹ ở trẻ em thường được điều trị bằng những thực phẩm bổ sung giàu sắt. Nếu con của bạn có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt, ví dụ như sinh non, thì nên bổ sung chất sắt.
  • Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.

Bài viết tham khảo nguồn: Viện dinh dưỡng Quốc Gia

XEM THÊM:
  • Dùng thuốc bổ máu cần chú ý điều gì?
  • Trẻ 7 tháng tuổi bị thiếu máu nhẹ thì phải làm sao?
  • Bổ sung kẽm và sắt cho bé cùng nhau được không?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan