Mục lục
1. Kẽm có tác dụng gì?
Kẽm là một nguyên tố vi lượng không thể thiếu trong cơ thể con người. Kẽm chủ yếu được đưa vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa và hấp thu ở ruột non.
Kẽm có nhiều chức năng sinh học quan trọng. Nó là thành phần thiết yếu của nhiều loại protein, giúp tăng trưởng và phân chia tế bào cũng như tham gia hình thành các tổ chức, phát triển cơ thể. Đặc biệt, kẽm còn là thành phần không thể thiếu để sản xuất insulin nhằm điều tiết lượng đường máu.
Ngoài ra, việc bổ sung thường quy kẽm còn làm giảm tần suất mắc bệnh tiêu chảy và tỷ lệ tử vong do tiêu chảy cũng như viêm phổi gây ra. Chính vì vậy việc bổ sung kẽm ở trẻ viêm phổi và tiêu chảy là biện pháp rất cần thiết.
2. Thuốc kẽm cho trẻ tiêu chảy
Sử dụng thuốc kẽm cho trẻ tiêu chảy như sau:
- Trong một thử nghiệm thực hiện trên 937 trẻ em bị tiêu chảy cấp tại Ấn Độ, đã cho thấy việc bổ sung 20 mg kẽm mỗi ngày giúp giảm thời gian tiêu chảy là 23% và giảm lượng nước trong phân là 39%.
- Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo 10 mg kẽm nguyên tố/ngày cho trẻ em dưới 6 tháng và 20mg/ngày cho trẻ em trên 6 tháng ở các nước đang phát triển bị tiêu chảy cấp, trong thời gian 10 – 14 ngày.
Sử dụng kẽm trong điều trị tiêu chảy kéo dài ở trẻ em:
- Theo Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa tiêu chảy kéo dài là các triệu chứng xảy ra hơn 14 ngày, tình trạng này có tỷ lệ tử vong cao và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng nhiều hơn tiêu chảy cấp.
- Những thử nghiệm ngẫu nhiên ở trẻ em bị tiêu chảy kéo dài đều chỉ ra rằng, việc bổ sung kẽm giúp làm giảm được độ nặng của bệnh và giảm thời gian bị tiêu chảy kéo dài và tiêu chảy cấp. Chính vì vậy WHO đã có khuyến nghị bổ sung kẽm cho trẻ em bị tiêu chảy như trên.
3. Bổ sung kẽm ở trẻ viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng
Sử dụng kẽm trong điều trị hỗ trợ các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn:
- Bổ sung kẽm đem lại lợi ích cộng thêm cùng với liệu pháp kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng ở trẻ nhỏ.
Điều này đã được chỉ ra trong một thử nghiệm ngẫu nhiên lớn thực hiện trên 700 trẻ em từ 7 – 120 ngày tuổi tại Ấn Độ với các bệnh nhiễm trùng nặng như là: Viêm phổi, nhiễm trùng huyết và tiêu chảy. Tất cả những đứa trẻ này đều được điều trị bằng kháng sinh theo Protocol chuẩn. Những đứa trẻ được cho sử dụng kẽm với liều 5mg x 2 lần/ ngày đã giảm tỷ lệ thất bại trong điều trị so với nhóm dùng giả dược. Do đó bổ sung kẽm ở trẻ viêm phổi hay các bệnh nhiễm trùng khác cũng rất quan trọng.
4. Bổ sung kẽm phòng ngừa tiêu chảy và viêm phổi ở trẻ em
Trong một phân tích tổng hợp, cho thấy việc bổ sung kẽm trong vòng 3 tháng hoặc hơn cho trẻ em từ 2 tuổi giúp giảm được số đợt tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp và mạn, viêm phổi, tiêu chảy nặng hoặc lỵ, tiêu chảy kéo dài.
Hai phân tích tổng hợp bao gồm nhiều thử nghiệm giống nhau cũng cho thấy, bổ sung kẽm cho trẻ từ 2 - 5 tuổi ở các nước đang phát triển đã giúp làm giảm được tần suất viêm phổi khoảng 20% và tiêu chảy 13%. Liều kẽm được sử dụng trong nghiên cứu này dao động từ 15- 140 mg kẽm nguyên tố/tuần.
- Bổ sung kẽm phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em: Nhiều nghiên cứu được thực hiện ở các nước bị hạn chế về tài nguyên đã chỉ ra rằng việc bổ sung kẽm đường uống thường xuyên giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và tỷ lệ tử vong do tiêu chảy ở những đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm cao. Một nghiên cứu có kiểm soát cho thấy bổ sung kẽm trong hai tuần cho trẻ em từ 6 đến 11 tháng ở Ấn Độ đã giúp làm giảm 39% tần suất các đợt tiêu chảy và 36% thời gian của các đợt tiêu chảy.
Không chỉ vậy, việc bổ sung kẽm cho phụ nữ có thai còn giúp làm giảm tần suất tiêu chảy trong thời kỳ sơ sinh ở trẻ sinh ra. Trong một thử nghiệm được kiểm soát ở Peru, những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ được bổ sung kẽm trước khi sinh sẽ có nguy cơ bị tiêu chảy kéo dài thấp hơn 34% so với nhóm không sử dụng kẽm. Trong một thử nghiệm tương tự thực hiện ở Bangladesh, việc bổ sung kẽm trước khi sinh giúp làm giảm 16% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp và lỵ ở trẻ sơ sinh.
- Bổ sung kẽm ở trẻ viêm phổi: Bên cạnh vai trò của kẽm trong phòng ngừa tiêu chảy, thì kẽm còn có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đặc biệt là viêm phổi.
Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cũng như biến chứng so với trẻ không bị thiếu kẽm. Và khi bổ sung kẽm giúp giảm được 38% trẻ bị viêm phổi.
Đối với trẻ thấp còi khi được bổ sung kẽm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi 2,5 lần so với nhóm trẻ không được bổ sung. Kẽm còn làm giảm các triệu chứng cũng như phòng ngừa được cảm cúm. Một phân tích tổng hợp đã cho thấy bổ sung kẽm cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi khoảng 20%.
Ít xảy ra ngộ độc khi bổ sung kẽm, thậm chí ngay cả khi sử dụng gấp 10 lần lượng kẽm khuyến nghị hàng ngày cũng không gây ra triệu chứng. Nhưng việc bổ sung kẽm với liều cao kéo dài có thể liên quan đến tình trạng thiếu đồng vì kẽm ức chế sự hấp thu đồng ở ruột. Việc uống từ 1 đến 2g kẽm sulfat một lúc có thể gây buồn nôn và nôn liên quan đến kích ứng và tình trạng ăn mòn đường tiêu hóa. Khi sử dụng liều lượng cao các hợp chất kẽm cũng có thể gây ra suy thận cấp do hoại tử ống thận hoặc viêm thận kẽ.
Bổ sung kẽm giống như là một liệu pháp đi kèm trong điều trị bệnh tiêu chảy đã và đang được chứng minh có hiệu quả với tiềm năng giảm được tử vong và thời gian bị bệnh. Do đó cần chú trọng tình trạng thiếu hụt kẽm trong những chương trình sức khỏe và dinh dưỡng để đảm bảo tất cả các trẻ em đều được đáp ứng nhu cầu dưỡng chất thiết yếu của trẻ. Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Sai lầm trong dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy
- Các cách cầm tiêu chảy nhanh nhất
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tiêu chảy