Mục lục
Thống kê ở Việt Nam cho thấy có khoảng 40% trẻ nhỏ thiếu kẽm (trẻ dưới 1 tuổi). Do đó, bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh là vấn đề vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Bổ sung đủ kẽm vừa giúp trẻ ăn ngon, ngủ yên vừa hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, phát triển trí tuệ một cách toàn diện nhất.
1. Vai trò của kẽm
Kẽm là một khoáng chất vi lượng vô cùng cần thiết. Trong cơ thể con người, kẽm là thành phần tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất các enzyme và từ đó thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp protein. Chính quá trình này sẽ giúp trẻ phát triển về chiều cao, cơ bắp, hệ miễn dịch...
Theo đó, hệ thống miễn dịch hoạt động tốt sẽ giúp trẻ hạn chế sự tấn công của các tác nhân gây hại như vi rút, vi khuẩn, nấm, tránh được các bệnh lý ốm vặt, tăng cảm giác của các giác quan như vị giác, khứu giác... và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Trẻ nhỏ thiếu kẽm là tính trạng rất hay gặp, đặc biệt là nhóm trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên vì nhu cầu của cơ thể về loại khoáng chất này tỉ lệ thuận với độ tuổi của trẻ. Cơ thể tăng trưởng, phát triển hiệu quả khi quá trình sinh tổng hợp protein được diễn ra thuận lợi và dĩ nhiên không thể thiếu thành phần kẽm. Đa số các enzym xúc tác của những phản ứng chuyển hóa, tổng hợp cho quá trình tăng trưởng cơ thể đều phải cần sự hiện diện của kẽm.
Tuy nhiên, khác với các dưỡng chất cần thiết khác, việc bổ sung kẽm được xem là con dao hai lưỡi. Nếu bổ sung không đủ hoặc quá liều đều có thể làm trẻ sinh ra cảm giác đau bụng, buồn nôn, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa và nặng hơn có thể làm chậm quá trình tăng trưởng của cơ thể...
XEM THÊM: Cách bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn
2. Liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ
Nhu cầu bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ thay đổi theo từng độ tuổi khác nhau. Ngoài ra, việc bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ chỉ nên được áp dụng khi trẻ nhỏ thiếu kẽm có các biểu hiện lâm sàng và thông qua các chỉ số xét nghiệm sinh hóa hoặc khi trẻ có những tổn thương niêm mạc tiêu hóa dẫn đến nguy cơ giảm hấp thu kẽm.
Các bậc phụ huynh nên nhớ việc bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phải tuân theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Cụ thể, liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ là từ 0.5-1.5mg kẽm nguyên tố/kg cân nặng/ngày.
Ngoài ra, cha mẹ trẻ có thể tham khảo liều lượng bổ sung kẽm theo hướng dẫn của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) sau đây:
- Trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi: 2mg/ngày;
- Trẻ từ 7 - 11 tháng tuổi: 3mg/ngày;
- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 3mg/ngày;
- Trẻ từ 4 - 8 tuổi: 5mg/ngày;
- Trẻ từ 9 - 13 tuổi: 8mg/ngày;
- Trẻ từ 14 tuổi trở lên: Bé trai cần 11mg/ngày; Bé gái cần 9mg/ngày.
3. Bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ trong bao lâu?
Khi trẻ nhỏ thiếu kẽm có biểu hiện triệu chứng, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc trung tâm dinh dưỡng để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá tình trạng, xác định nguyên nhân và hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị. Khi đó, bác sĩ là người quyết định có hay không, liều lượng, thời gian bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ. Thời gian bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ thường kéo dài khoảng 2-3 tháng hoặc tùy thuộc vào tình trạng thực tế của từng trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp, bổ sung kẽm trong quá trình điều trị là phương pháp hỗ trợ vô cùng cần thiết. Theo đó, phác đồ điều trị tiêu chảy cấp ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi khuyến cáo cần bổ sung 10mg kẽm/ngày và trẻ từ 6-60 tháng tuổi cần được bổ sung 20mg kẽm/ngày. Bên cạnh đó, phác đồ này cũng quy định thời gian bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị tiêu chảy cấp là 14 ngày liên tiếp.
4. Bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày
Để tình trạng trẻ nhỏ thiếu kẽm không xảy ra, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên chú ý chế độ dinh dưỡng cần đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là các món ăn có nguồn gốc động vật (các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa hàm lượng kẽm thấp với giá trị sinh học không cao, khả năng cơ thể hấp thu được kẽm cũng không cao). Những loại thực phẩm giàu kẽm nên bổ sung cho trẻ mỗi ngày (hàm lượng kẽm tính trong 100g thực phẩm):
- Sò: 13.4mg;
- Củ cải: 11mg;
- Cùi dừa già: 5mg;
- Đậu Hà Lan: 4mg
- Đậu nành: 3.8mg;
- Lòng đỏ trứng gà: 3.7mg;
- Thịt cừu: 2.9mg;
- Bột mì: 2.5mg;
- Thịt nạc heo: 2.5mg;
- Ổi: 2.4mg
- Nếp: 2.2mg;
- Thịt bò: 2.2mg;
- Khoai lang: 2mg;
- Đậu phộng: 1.9mg;
- Gạo: 1.5mg;
- Hạt kê: 1.5mg;
- Thịt gà ta: 1.5mg.
4.1. Trẻ dưới 6 tháng tuổi
Nguồn bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở độ tuổi này nhanh và tốt nhất chính là sữa mẹ. Sữa mẹ là một nguồn kẽm khổng lồ và nhiều kháng thể cũng các chất dinh dưỡng khác. Trong giai đoạn này các mẹ nên hạn chế cho trẻ bú sữa ngoài và hãy cố gắng tận dụng nguồn sữa mẹ dồi dào để giúp trẻ phát triển tốt nhất. Do đó, các mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ kẽm cũng như chất dinh dưỡng khác trong bữa ăn để nâng cao khả năng bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Một số lưu ý mà các mẹ đang mang thai cần nắm để bổ sung kẽm vào khẩu phần ăn hàng ngày:
- Nhóm thực phẩm giàu kẽm: tôm, cua, thịt, trứng, cá...
- Nhóm thức ăn giàu vitamin C: cam, chanh, quýt, bưởi... Vitamin C và kẽm có khả năng hỗ trợ khả năng hấp thu lẫn nhau;
- Bổ sung thêm các loại hạt, đậu, đặc biệt là đậu nành...
Thiết lập khẩu phần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng là biện pháp gián tiếp bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ.
4.2. Trẻ từ 6 tháng trở lên
Giai đoạn này trẻ bắt đầu có những cảm nhận và nhận thức về thức ăn, do đó mẹ cần phải thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày để tránh gây cảm giác nhàm chán cho trẻ, nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
4.3. Trẻ bị suy dinh dưỡng
Cha mẹ các bé suy dinh dưỡng nên chú ý chế biến món ăn từ các loại thực phẩm giàu các dưỡng chất như cá, tôm, lươn, cua, hàu, thịt hoặc các loại đậu, hạt và đầy đủ rau xanh (như bông cải xanh, cải bó xanh, thậm chí là tỏi).
4.4. Trẻ biếng ăn
Việc ép trẻ biếng ăn tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng của cha mẹ là vô cùng khó khăn. Do đó, để vừa giúp trẻ ăn ngon miệng hơn vừa bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ đầy đủ, cha mẹ nên cố gắng đáp ứng theo ý muốn, sở thích của bé.
Một số thực phẩm giàu kẽm mà hầu hết các trẻ đều thích thú và tăng cảm giác ngon miệng bao gồm: Socola đen, bơ sữa, sữa chua, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt...
Bên cạnh khẩu phần ăn hàng ngày, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ thông qua các sản phẩm bổ sung, kéo dài từ 2 - 3 tháng sau đó ngưng. Ngoài ra nên chú ý bổ sung thêm các loại vitamin A, B6, C để tăng hấp thu kẽm cho trẻ.
5. Lưu ý gì khi bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ?
- Uống bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ nên thực hiện sau khi ăn 30 phút;
- Không uống bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ và bổ sung sắt cùng một lúc, nên dùng cách nhau ít nhất 2 giờ;
- Không uống viên kẽm và canxi cùng lúc, nên bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ trước canxi ít nhất 2 giờ;
- Để tối ưu hóa khả năng hấp thu kẽm, thực đơn cho trẻ nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C, giảm chất xơ, chất sắt và đồng.
Kẽm là một khoáng chất vi lượng vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Trên thị trường, kẽm được dùng như một loại vi chất, sử dụng cung cấp cho cơ thể hiện nay có 2 loại chế phẩm: kẽm tổng hợp và kẽm sinh học. Trong khi kẽm tổng hợp được sản xuất công nghiệp từ các phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm nhà máy dược phẩm, kẽm sinh học lại có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên. Theo đó, để sản xuất ra kẽm sinh học, các nhà khoa học tách chiết từ các nguồn thực phẩm hữu cơ, tương tự như các cơ thể hấp thu kẽm từ thức ăn. Điều này giúp cho khả năng hấp thụ kẽm vào trong máu của kẽm sinh học tăng lên đến 3,7 lần so với kẽm tổng hợp. Vì thế, cha mẹ cần chú ý bổ sung nguồn kẽm sinh học từ tự nhiên để trẻ có thể hấp thu tốt.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
- Trẻ nào có nguy cơ thiếu kẽm?
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ
- Công dụng thuốc Nutrohadi F