Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa- Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mùa hè là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng do trẻ em bước vào kỳ nghỉ hè vì vậy các gia đình cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ nhỏ.
1. Nguyên nhân trẻ bị đuối nước
Thường vào kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho các bạn học sinh đi nghỉ mát, tắm biển. Ở nhiều vùng quê trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... do đó nguy cơ trẻ chết đuối là rất cao.
Đuối nước là tình trạng xảy ra khi nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy dẫn đến các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
Theo thống kê khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.
Tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Do nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là đuối nước khô.
Vì vậy, khi gặp trường hợp đuối nước cần nắm rõ cách sơ cứu để tiến hành xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
2. Cách sơ cứu trẻ bị đuối nước
Sơ cứu trẻ bị đuối nước đúng cách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp trẻ giữ được tính mạng, mà còn tránh để lại hậu quả nghiêm trọng sau này. Dưới đây là một số biện pháp sơ cứu khi trẻ bị đuối nước mà cha mẹ phụ huynh nên biết:
Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, dìu trẻ lên bờ rồi gọi người giúp đỡ.
Bước 2: Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí và giữ ấm cho trẻ.
Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức.
- Đặt trẻ nằm trên mặt phẳng đầu hơi ngửa ra sau, lấy sạch đàm nhớt, dị vật trong miệng trẻ.
- Dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi trẻ, sau đó hít thở thật sâu rồi thổi hơi trực tiếp qua miệng.
Sau 5 lần hô hấp nhân tạo mà trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim của trẻ đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Cách ấn vào vùng nửa dưới xương ức thực hiện như sau:
- Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
- Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.
- Thực hiện phối hợp hoạt động ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 hoặc 15/2 (tùy theo độ tuổi của trẻ).
- Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
- Trong trường hợp chỉ có một người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần hà hơi thổi ngạt. Còn nếu có 2 người cùng cấp cứu thì 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và trẻ có thể thở trở lại.
- Nếu trẻ còn khả năng tự thở nên cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Bước 4: Trẻ sẽ nôn nhiều nước khi tỉnh lại, do đó cần đặt trẻ ở tư thế nằm kiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh trường hợp trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 5: Kiểm tra cơ thể trẻ xem có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
Bước 6: Nếu sơ cứu có kết quả, trẻ thở lại, cử động giãy giụa, hay vẫn còn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu gần nhất. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho trẻ.
3. Các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ
Mùa hè đến, các bậc phụ huynh cần phải chú trọng các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em như sau:
- Tuyệt đối không cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông suối nơi có chứa nhiều nước khi không có sự giám sát của bố, mẹ;
- Không cho trẻ tắm sông, nhảy cầu;
- Trẻ phải mặc áo phao khi tham gia các loại hình giao thông đường thủy;
- Cho trẻ làm quen với nước và tập bơi để tránh đuối nước có sự giám sát của bố mẹ;
- Gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, hoặc đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Trẻ bị đuối nước là một trong những nguyên nhân lấy đi tính mạng của trẻ vì vậy các bậc phụ huynh cần nắm rõ các nguyên tắc và biện pháp phòng chống đuối nước để con trẻ luôn được an toàn.
- Các bước sơ cứu ban đầu trẻ bị đuối nước
- Những điều cần biết về sơ cứu đuối nước
- Hậu quả của đuối nước và các biện pháp phục hồi chức năng