Mục lục
Người mắc bệnh mạn tính nói chung và viêm gan B, C nói riêng có thể có nguy cơ cao gặp các triệu chứng nghiêm trọng do Covid-19. Vậy nếu bị nhiễm viêm gan B, có thể tiêm vắc-xin Covid-19 được không?
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
1. Người bệnh viêm gan B có được tiêm vắc-xin Covid-19?
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City:
- Người mắc viêm gan B mạn tính đang được điều trị ổn định nên được tiêm vắc-xin Covid-19.
- Người mắc viêm gan B cấp tính hoặc Viêm gan B mạn tính bùng phát thì cần trì hoãn tiêm đến khi được điều trị ổn định.
Sau khi tiêm vắc-xin, người được tiêm cần nghỉ ngơi, theo dõi sát các phản ứng phụ sau tiêm và báo cho nhân viên y tế nếu cơ thể có phản ứng bất thường để được xử trí kịp thời.
Trường hợp người mắc viêm gan B mạn tính đang sử dụng các thuốc kháng virus viêm gan B theo đơn của bác sĩ thì cần tiếp tục duy trì thuốc. Trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 không được dừng uống các thuốc kháng virus này.
2. Người mắc các bệnh gan khác thì tiêm vắc-xin Covid-19 thế nào?
Đối với bệnh nhân đang bị viêm gan cấp tính, suy gan cấp hoặc xơ gan tiến triển, có biểu hiện mắt vàng, tăng men gan, suy gan, tiểu cầu giảm thì nên trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19, đợi đến khi điều trị bệnh ổn định.
Người bệnh xơ gan, ung thư gan: Không có chống chỉ định tiêm vắc-xin.
Đối với người bệnh sau ghép gan, nếu chức năng gan ổn định vẫn có chỉ định nên tiêm vắc-xin Covid-19, chỉ trì hoãn tiêm khi người bệnh đang trong giai đoạn thải ghép cấp.
3. Ai cần trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19?
Theo hướng dẫn mới nhất (3802/QĐ-BYT) được cập nhật ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế, những đối tượng sau đây cần trì hoãn tiêm chủng vắc-xin Covid-19:
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng.
- Đang mắc bệnh cấp tính.
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Những đối tượng chống chỉ định:
- Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin Covid-19 cùng loại (lần tiêm trước).
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Tại các hướng dẫn trước đây của Bộ Y tế, những người thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng khi tiêm vắc-xin Covid-19 cần được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, theo công văn mới nhất của Bộ Y tế (ngày 10/8/2021), người thuộc nhóm này cần chuyển tiếp đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh mở rộng diện bao phủ của vắc-xin, thực hiện các biện pháp giãn cách, truy vết, sàng lọc, phát hiện, điều trị, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K để chủ động phòng chống (ngay cả khi người dân đã được tiêm vắc-xin).
- Tin Covid ngày 05/6: Trẻ em dưới 15 tuổi thực hiện cách ly tại nhà
- Khó thở kèm đau tức ngực sau khi tiêm vacxin Covi-19 có sao không?
- Tiêm vắc-xin Covid-19 cách tiêm vắc-xin HPV bao lâu?