Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh quai bị là một bệnh lây nhiễm thường gặp, nhất là ở trẻ em. Bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống và sức khỏe bệnh nhân.
1. Bệnh quai bị mấy ngày sẽ khỏi?
Bệnh quai bị gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, virus gây bệnh hướng gây bệnh tới các tuyến ngoại tiết và thần kinh, ngoài ra cũng gây tổn thương đến cơ quan sinh dục ở người mắc bệnh.
Nhìn chung, quai bị là bệnh lành tính và có thể tự khỏi trong khoảng 10 ngày sau khi mắc bệnh nếu không có biến chứng. Bệnh cần trải qua các giai đoạn sau, sau đó cơ thể hình thành kháng thể chống bệnh vĩnh viễn và bệnh sẽ khỏi.
1.1 Giai đoạn khởi phát
Sau thời gian ủ bệnh từ 18-21 ngày, bệnh khởi phát khiến trẻ bị sốt 38-39 độ C, đau mỏi toàn thân, đau đầu, ăn ngủ kém.
1.2 Giai đoạn toàn phát
Viêm tuyến nước bọt mang tai là triệu chứng điển hình hay gặp nhất ở trẻ mắc quai bị, chiếm 70% các thể khu trú rõ.
Sang giai đoạn toàn phát từ sau 24-48 giờ sau khi sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện viêm sưng tuyến mang tai. Lúc đầu thường sưng một bên bạnh cằm dưới mang tai, sau 1-2 ngày sưng tiếp sang bên kia. Hầu hết trẻ thường sưng cả hai bên, ít gặp chỉ sưng một bên.
Hai bên sưng viêm thường không đối xứng, vùng da má bị sưng căng, bóng, ấn không lõm, sờ nóng, không đỏ, đau, nước bọt ít và quánh.
3 vị trí đau điển hình của triệu chứng viêm tuyến nước bọt do bệnh quai bị là góc thái dương - hàm, góc xương hàm dưới và điểm mỏm xương chũm.
1.3 Giai đoạn lui bệnh
Bệnh nhân thường hết sốt sau 3-4 ngày phát bệnh, tuyến nước bọt mang tai cũng hết sưng sau 8-10 ngày, hạch sưng sẽ kéo dài hơn tuyến một chút. Đa số trẻ mắc bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày nếu điều trị, kiêng cữ tốt và không có biến chứng. Tuyến nước bọt dù sưng nhưng không bị hóa mủ, trừ khi kết hợp bội nhiễm vi khuẩn, cũng không bao giờ bị teo.
Nếu bệnh nhân mắc quai bị bị các biến chứng như: viêm não, viêm tụy cấp tính, viêm màng não, viêm cơ tim, giảm bạch cầu... thì sẽ lâu hơn, cũng nguy hiểm hơn.
2. Dùng thuốc có thể rút ngắn thời gian trị bệnh quai bị không?
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân mắc quai bị, việc sử dụng thuốc điều trị chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng bệnh, tăng cường sức đề kháng cơ thể tự chống lại bệnh.
Do đó, bệnh nhân cần đến cơ quan y tế để kiểm tra tình trạng bệnh cũng như phòng ngừa biến chứng, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động nhiều, ăn uống đầy đủ với thức ăn mềm, nhiều chất dinh dưỡng, dễ nuốt để tăng sức đề kháng.
Nếu bệnh nhân sốt cao hoặc quá đau thì có thể sử dụng thuốc giảm sốt; thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Nếu nam giới bị mắc quai bị thì nên để bé nằm thẳng, mặc quần lót để bìu được nâng lên. Có thể dùng túi lạnh chườm vào vùng bìu để giảm cơn đau nhức.
Quai bị thường do 2 nguyên nhân là siêu vi và vi khuẩn. Với các trường hợp quai bị do siêu vi thì không cần thiết phải đến bệnh viện điều trị nếu không có triệu chứng nặng, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày.
Với những trường hợp quai bị có biến chứng, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, ói mửa, nhức đầu, bộ phận sinh dục sưng to thì phải đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không có thể dẫn đến biến chứng vô sinh do teo tinh hoàn.
Bệnh nhân mắc quai bị cần uống nhiều nước vì những cơn sốt cao làm mất nước, mất chất điện giải trong cơ thể, tốt nhất là nên uống dung dịch oresol. Ngoài ra cần nghỉ ngơi tại giường, tránh tiếp xúc với mọi người tránh nguy cơ lây nhiễm.
Dân gian có lưu truyền một số cách điều trị bệnh quai bị không đúng cách nên tránh, không làm theo như:
- Dùng mực tàu hay nhọ nồi vẽ lên vùng sưng vì bệnh không phải do “tà ma" mà do siêu vi trùng gây ra
- Đắp lá cây, đắp vôi hoặc dán cao vào vùng sưng rất nguy hiểm. Cách làm này không những không hiệu quả mà còn gây nóng, phỏng vùng sưng và gây nhiễm trùng vào tuyến mang tai gây viêm nhiễm nặng hơn.
3. Có thể dễ dàng phòng ngừa bệnh quai bị
Mỗi người đều có thể tự phòng ngừa bệnh quai bị dễ dàng bằng tiêm vaccine phòng quai bị. Với trẻ em, nên chích ngừa phòng quai bị khi trẻ 12 tháng tuổi hay khi trẻ chuẩn bị đi nhà trẻ, mẫu giáo hay tiểu học. Thường liều tiêm ngừa bệnh quai bị gồm 2 liều, liều đầu lúc 12 tháng và liều lặp lại lúc 4-6 tuổi. Người trưởng thành hay bà bầu chuẩn bị mang thai cũng có thể phòng ngừa quai bị.
Tuy nhiên thực tế, việc tiêm phòng chỉ có thể giúp bạn phòng bệnh được khoảng 80% trường hợp lây nhiễm virus gây bệnh. Chính vì vậy, phòng bệnh tránh lây lan là việc làm rất cần thiết ở cả người đã tiêm vaccine phòng bệnh.
Nên cách ly người mắc bệnh ở nhà, không tiếp xúc với mọi người xung quanh, khi tiếp xúc thì phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh khoảng 10 ngày kể từ khi sưng tuyến mang tai.
Đồng thời thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày.
Vệ sinh sạch đường hô hấp bằng cách súc miệng với dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hay nghi mắc bệnh.
Hạn chế tới nơi tập trung đông người, nhất là khi đang có dịch.
Tăng cường sức đề kháng cơ thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể thao và nghỉ ngơi hợp lý.
- Sỏi tụy có nguy hiểm không?
- Các rối loạn tuyến tụy thông thường
- Thuốc Zenpep: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng