Mục lục
Khó thở về đêm được định nghĩa là tình trạng khó thở đột ngột, dữ dội vào ban đêm khiến một người thức giấc khi ngủ, thường kèm theo ho và thở khò khè. Các biểu hiện khó thở nửa đêm như vậy thường có liên quan chặt chẽ nhất với chứng suy tim sung huyết. Lúc này, người bệnh hay có cảm giác khó thở về đêm hay khó thở lúc gần sáng hoặc chỉ xảy ra vài giờ sau khi đã ngủ. Tuy vậy, còn nhiều nguyên nhân khác cũng gây khó thở tương tự cần được phát hiện và điều chỉnh.
1. Khó thở về đêm là gì?
Khó thở về đêm là chứng khó thở đột ngột vào ban đêm vài giờ sau khi ngủ. Bất cứ khi nào có một đợt khó thở về đêm, người bệnh sẽ thức dậy và thở hổn hển. Cảm giác khó chịu này sẽ chỉ thuyên giảm khi người đó ngồi dậy và đặt chân xuống đất.
Những người có nguy cơ mắc chứng khó thở về đêm với thời điểm xảy ra khó thở nửa đêm hay khó thở lúc gần sáng thường được khuyên ngủ với tư thế ngẩng cao đầu để tạo điều kiện cho chức năng đường thở thích hợp.
Trong phần lớn các trường hợp này, nguyên nhân khó thở về đêm thường là do tình trạng suy tim sung huyết gây ra.
2. Vì sao bị khó thở về đêm?
Khó thở là một tình trạng chủ yếu liên quan đến các bệnh lý trên đường hô hấp và là một loại khó thở thường được phân loại có liên quan đến các bệnh tim là chủ yếu.
2.1 Suy tim
Suy tim hay còn gọi là suy tim sung huyết là tình trạng tim không thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng trong phổi (phù phổi), gây khó thở, đặc biệt là khi nằm hoặc khi hoạt động thể chất.
Các tình trạng tim khác có thể gây ra khó thở về đêm bao gồm:
- Suy tim mất bù cấp tính: Xuất hiện đột ngột của tất cả các triệu chứng suy tim
- Thiếu máu cục bộ cơ tim: Tế bào tim bị hoại tử, mất chức năng co bóp do giảm lưu lượng máu đến tim
2.2 Bệnh đường hô hấp
Khó thở về đêm thường ít khi là biểu hiện của các bệnh phổi, tuy nhiên, có một số tình trạng hô hấp có thể dẫn đến khó thở về đêm, bao gồm:
- Hen suyễn - nguyên nhân đường hô hấp phổ biến nhất của khó thở về đêm, đặc trưng là người bệnh có cơn khó thở lúc gần sáng, kèm theo khò khè, ho đàm.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Viêm phổi
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Thuyên tắc động mạch phổi
- Rối loạn chức năng cơ hô hấp
- Bệnh phổi hạn chế
2.3 Các bệnh lý khác
Các tình trạng bệnh lý khác có thể góp phần làm nguyên nhân gây ra khó thở về đêm, bao gồm:
- Trào ngược axit dạ dày
- Huyết áp cao
- Suy thận
- Lo lắng hoặc hoảng sợ
- Tăng sản xuất carbon dioxide
3. Các triệu chứng của khó thở về đêm như thế nào?
Biểu hiện của người mắc phải chứng khó thở về đêm như sau:
- Đột nhiên thức dậy khi đang say ngủ với cơn ho hoặc thở khò khè
- Đánh trống ngực
- Cần thêm không khí
- Lo lắng khi ngủ
- Mất ngủ hay khó vào giấc ngủ
Bác sĩ có thể quan sát nhịp thở của người bệnh để xác định sự hiện diện của chứng khó thở về đêm hay không với các đặc điểm lâm sàng có thể bao gồm:
- Tăng nhịp thở
- Tăng công các cơ hô hấp chính
- Có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ hô hấp phụ
- Cần gắng sức để thở
- Giảm nồng độ oxy trong máu mao mạch
4. Khó thở về đêm được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, quan sát các đặc điểm lâm sàng và thực hiện khám sức khỏe để chẩn đoán. Một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán có thể được thực hiện như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu ấn sinh học, công thức máu toàn bộ, chức năng gan và chức năng thận
- Điện tâm đồ
- Chụp ảnh phóng xạ, chẳng hạn như X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, chụp cộng hưởng từ
- Siêu âm tim
5. Làm sao để điều trị chứng khó thở về đêm?
Việc điều trị chứng khó thở về đêm tùy thuộc vào mức độ cơn khó thở xảy ra, các triệu chứng liên quan và tình trạng cơ bản.
5.1 Suy tim
Bước đầu tiên để giải quyết tình trạng suy tim phải là giảm tình trạng quá tải chất lỏng lên tim, do đó bác sĩ có thể cho dùng thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu sẽ giúp loại bỏ nước và muối dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua thận và giảm chất lỏng trong hệ tuần hoàn. Hơn nữa, thuốc còn có tác dụng giảm mức huyết áp cao trong cơ thể, làm giảm nhịp tim.
Các loại thuốc kiểm soát huyết áp và digitalis nhằm tăng sức bóp cơ tim cũng có thể được chỉ định theo từng trường hợp cụ thể.
Với các bệnh tim thực thể như tim bẩm sinh, hẹp động mạch vành, hẹp van tim, can thiệp phẫu thuật có thể được xem xét giúp cải thiện chức năng tim, giảm triệu chứng cũng như kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Trong quá trình điều trị, để hạn chế các cơn khó thở về đêm, người bệnh được khuyến cáo cần nâng cao cổ bằng cách đặt nhiều gối dưới cổ khi ngủ.
5.2 Bệnh lý đường hô hấp
Nếu một bệnh lý trên đường hô hấp tiềm ẩn là nguyên nhân gây ra các cơn khó thở về đêm, việc điều trị bệnh có thể làm giảm nhanh chóng các triệu chứng:
Sử dụng thuốc kiểm soát hen suyễn với thuốc giãn phế quản tác dụng dài sẽ giúp ngăn ngừa khó thở vào ban đêm.
Việc sử dụng máy thở áp lực dương liên tục, đôi khi có thêm oxy bổ sung, có thể giúp cải thiện hô hấp trong các trường hợp ngưng thở khi ngủ.
5.3 Quản lý căng thẳng
Các phương pháp điều trị giúp giảm căng thẳng và tăng chất lượng giấc ngủ nói chung có thể hữu ích với chứng khó thở về đêm:
Tránh uống cà phê và rượu trước khi đi ngủ và tuân theo một lịch trình ngủ đều đặn có thể nâng cao chất lượng tổng thể của giấc ngủ. Các tình trạng khác như trào ngược dạ dày có thể được giảm bớt khi sử dụng thuốc kháng axit và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Tóm lại, suy tim là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất của chứng khó thở về đêm. Tiên lượng của suy tim phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản, cũng như các yếu tố nguy cơ, lối sống và phương pháp điều trị. Trong các trường hợp khác, nếu khó thở về đêm gây ra bởi chứng hen suyễn, trào ngược axit dạ dày hoặc ngưng thở khi ngủ, người bệnh sẽ nhanh chóng cải thiện khi điều trị đúng cách. Do đó, nếu gặp phải chứng khó thở nửa đêm hay khó thở lúc gần sáng, cần hẹn gặp bác sĩ để xác định, tìm nguyên nhân và khắc phục.
- Thuốc Pulmicort Ampul: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Công dụng thuốc Mucinex DM
- Các vấn đề về phổi ở trẻ sinh non