Mục lục
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu gần gấp đôi. Nguyên nhân chính là do các tế bào mỡ làm tăng những tín hiệu hóa học và hormone, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dẫn đến gia tăng tình trạng viêm nhiễm trong miệng.
1. Bệnh nướu răng là gì?
Nướu răng khỏe mạnh là yếu tố cơ bản để có một hàm răng khỏe mạnh. Nếu không có một nền tảng vững chắc thì không có gì có thể đứng vững mãi mãi. Trong khi nướu khỏe mạnh có màu hồng và ôm khít quanh răng, hiếm khi chảy máu hoặc gây đau, bệnh nướu răng có thể gây tổn thương mô mềm và cuối cùng lây nhiễm trùng vào xương hàm răng. Một số nghiên cứu cho thấy nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, nhiễm trùng răng có thể dẫn đến nhiễm trùng hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh mạch vành hoặc đột quỵ.
Một số dấu hiệu cho thấy mắc phải bệnh nướu răng bao gồm:
- Hôi miệng kéo dài và không biến mất khi đánh răng hoặc dùng nước súc miệng;
- Nướu đỏ tươi hoặc sưng tấy;
- Nướu bị mềm ra, đau hoặc chảy máu khi vệ sinh hàng ngày;
- Đau khi nhai hoặc đánh răng;
- Răng lung lay hoặc nhạy cảm;
- Nướu hoặc răng bị tụt đột ngột xuất hiện lâu hơn bình thường.
Mặc dù có nhiều loại bệnh nướu răng khác nhau, ba thể phổ biến nhất là:
- Viêm nha chu mãn tính: Dạng viêm nướu răng phổ biến nhất ở người lớn và trẻ em, có tích tụ dịch viêm trên răng và có thể dễ dàng ngăn ngừa, điều trị nếu phát hiện sớm.
- Viêm nha chu nghiêm trọng: Một dạng viêm nướu răng hiếm gặp hơn, thường thấy ảnh hưởng cả cụm răng và nhanh chóng gây tổn thương xương, thậm chí cả mất răng.
- Viêm nha chu hoại tử: Dạng bệnh nướu răng này thường gặp nhất ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV, ung thư hoặc những người bị suy dinh dưỡng, dẫn đến chết mô nướu và có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, lan toàn thân.
2. Tình trạng béo phì là gì?
Béo phì là một tình trạng bất thường hình thành theo thời gian. Béo phì khác với thừa cân. Trong khi những người thừa cân có thể đã tăng cân do mỡ, cơ, trọng lượng nước hoặc mật độ xương, người bị béo phì chỉ có thể xảy ra khi có quá nhiều chất béo trong cơ thể so với mức được xem là lành mạnh đối với chiều cao và sức khỏe, từ đó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, đột quỵ và viêm khớp.
3. Mối liên hệ giữa tình trạng béo phì và bệnh nướu răng
Bệnh nướu răng hay viêm nha chu là một tình trạng viêm nhiễm và những người bị béo phì từ lâu đã được xem là có nguy cơ cao mắc các bệnh như vậy. Tóm lại, cả bệnh béo phì và bệnh nướu răng dường như đều có chung một tình trạng giống nhau, đó là chứng viêm mạn tính trong cơ thể.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu gần gấp đôi, trong khi những người bị béo phì nặng có gấp ba lần so với người có hình thể cân đối. Chính các tế bào mỡ làm tăng những tín hiệu hóa học và hormone, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dẫn đến gia tăng tình trạng viêm nhiễm. Tình trạng viêm làm giảm lưu lượng máu đến nướu và có thể đẩy nhanh sự tiến triển của bệnh.
Ngoài ra, tình trạng béo phì, cùng với hút thuốc và vệ sinh răng miệng kém, là một trong nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến bệnh nướu răng và cần được xem xét khi tìm cách ngăn ngừa và giải quyết bệnh viêm nha chu ở các đối tượng bệnh nhân này.
Bên cạnh đó, một cơ sở khác được cho là có thể chứng minh mối liên hệ giữa tình trạng béo phì và bệnh nướu răng là người bệnh thường xuyên tiêu thụ chế độ ăn giàu chất béo và calo. Các loại thực phẩm thường dùng là từ nguồn chế biến sẵn, nhiều đường và thiếu chất để hoạt động, nên dễ dẫn đến béo phì. Chính những thực phẩm tương tự như vậy có thể gây ra các vấn đề sức khỏe răng miệng bao gồm bệnh nướu răng và hôi miệng.
Vì vậy, nếu những người có cơ địa béo phì nghĩ rằng bản thân có thể đang xuất hiện các triệu chứng của bệnh nướu răng, điều quan trọng cần làm là đặt lịch hẹn càng sớm càng tốt với nha sĩ để được thăm khám. Theo đó, bệnh nướu răng là bệnh phổ biến ở người béo phì cũng như người bình thường nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Hơn nữa, các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng bằng những thay đổi lối sống đơn giản cũng như vệ sinh răng miệng đúng cách.
4. Các biện pháp vừa giữ cân nặng lý tưởng, vừa đem lại sức khỏe răng miệng
Dưới đây là các biện pháp vừa giữ cân nặng lý tưởng, vừa đem lại sức khỏe răng miệng:
- Kiểm soát khẩu phần theo từng bữa ăn và tiêu thụ ít calo hơn;
- Giảm lượng đường ăn vào;
- Tăng tiêu thụ hoa quả, rau xanh, họ đậu và các loại ngũ cốc trong bữa ăn hằng ngày;
- Uống nước lọc thay vì nước ngọt, nước ép trái cây;
- Tránh ăn kẹo, bánh quy, bánh ngọt và khoai tây chiên;
- Hạn chế lựa chọn đồ ăn vặt và thức ăn nhanh;
- Không dùng thức ăn làm phần thưởng, mục tiêu phấn đấu;
- Thường xuyên tham gia các môn thể thao, hoạt động thể chất mỗi ngày;
- Bỏ hút thuốc lá;
- Chải răng đúng cách hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi đêm sau khi đánh răng;
- Thăm khám nha sĩ định kỳ mỗi 6 tháng một lần.
Tóm lại, béo phì có thể được xem là một căn bệnh phức tạp. Mối quan hệ của béo phì với bệnh nướu răng đã được chứng minh. Theo đó, các bác sĩ nha khoa cần nhận thức được số lượng người béo phì ngày càng tăng và tầm quan trọng của béo phì như một hội chứng nhiều yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tổng thể và răng miệng nói chung.
Nguồn tham khảo: lanap.com, furumotodentistry.com, webmd.com, colgate.com, ncbi.nlm.nih.gov
- Khói thuốc thụ động có liên quan đến sâu răng ở trẻ em
- Lưu ý trong điều trị và phòng tránh viêm lợi
- Má phải xuất hiện hạch kèm theo sưng đau là triệu chứng bệnh gì?