Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh thủy đậu có bị lại lần 2 không là chủ đề được khá nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang có con nhỏ và nhóm phụ nữ mang thai.
1. Tổng quan về bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu, hay dân gian còn gọi là trái rạ, do loại vi rút có tên Varicella zoster gây ra. Mùa cao điểm của bệnh thủy đậu bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến hết tháng 6, khi thời tiết nắng nóng và có độ ẩm cao.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh thủy đậu nhất, nhưng người lớn vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu chưa được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ liều và bị nhiễm từ người đang mắc thủy đậu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm vì sức đề kháng của bé chưa đủ mạnh. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan cho những người xung quanh, đặc biệt trong vòng 2 ngày đầu tiên phát bệnh. Do đó, nên cách ly người mắc bệnh thủy đậu ngay từ giai đoạn nghi ngờ nhằm hạn chế tối đa bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Triệu chứng ban đầu của thủy đậu là sốt, sau đó khoảng 2 ngày sẽ bị nổi bóng nước khắp toàn thân. Tình trạng mắc bệnh nặng hay nhẹ dựa trên số lượng mụn nước nổi dày đặc hay thưa thớt. Nếu các bóng nước của bệnh nhân xuất hiện quá nhiều kèm theo dấu hiệu viêm tấy, người bệnh bị sốt cao, cơ thể yếu mệt thì phải nhanh chóng được đưa đến bệnh viện theo dõi. Thủy đậu cũng được xem là một căn bệnh lành tính, không gây tử vong hoặc quá nhiều triệu chứng nguy hiểm nếu được điều trị đúng đắn, kịp thời và tích cực.
Những biến chứng bệnh thủy đậu bao gồm: Viêm phổi, nhiễm trùng da và huyết, hay thậm chí là ảnh hưởng đến não. Đối với những bệnh nhân ung thư hoặc có bệnh thận, đang phải dùng thuốc ức chế miễn dịch thì bệnh rất dễ gây tử vong. Bệnh thủy đậu cũng được xem là nguy hiểm nếu như phụ nữ đang mang thai mắc phải vì có thể khiến sảy thai hoặc dẫn đến các dị tật cho thai nhi.
2. Nếu đã từng mắc thuỷ đậu có bị lại không?
Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm nhưng lại có tính miễn nhiễm rất cao. Điều này đồng nghĩa với việc kể cả trẻ em hay người lớn sau khi khỏi bệnh thủy đậu thì sẽ có miễn dịch suốt đời. Nguyên nhân là bởi vì hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra được lượng kháng thể tự nhiên đầy đủ và tồn tại rất bền vững sau thời gian chiến đấu với virus gây bệnh. Nếu trước kia người bệnh đã từng nhiễm thủy đậu thì cũng không cần phải tiêm phòng nữa. Trả lời cho câu hỏi bệnh thủy đậu có bị tái lại không, nhiều chuyên gia khẳng định hầu như rất hiếm gặp trường hợp bệnh nhân bị mắc thủy đậu lần thứ 2.
Mặc dù vậy, một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 10% người bệnh đã từng nhiễm thủy đậu trước đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh Zona sau này, hay còn gọi là bệnh giời leo. Bệnh Zona xảy ra phổ biến ở người già khoảng trên 60 tuổi. Nguyên do là tuổi càng cao kéo theo hệ miễn dịch suy giảm dần một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, những người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị một số loại bệnh cũng là đối tượng dễ mắc bệnh giời leo sau khi bị thủy đậu.
3. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu
Có nhiều phụ huynh vẫn còn thắc mắc khi con mình bị bệnh thuỷ đậu có được tắm không hay đang bị thủy đậu có được ra ngoài không. Trên thực tế, người bệnh thủy đậu, kể cả trẻ em, vẫn có thể ăn uống, tắm rửa, đi ra gió như bình thường chứ không nhất định phải kiêng khem quá mức cần thiết. Tuy nhiên, giai đoạn đầu mắc bệnh cần nên cách ly để hạn chế bệnh lây lan trong cộng đồng.
Hiện nay, tiêm chủng ngăn ngừa thủy đậu vẫn là biện pháp phòng tránh căn bệnh này đơn giản và hữu hiệu nhất, đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ mang thai và cho cả xã hội. Ở trẻ em, độ tuổi tối thiểu để tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu là từ 12-18 tháng tuổi. Đối với người lớn, đặc biệt là nữ giới tuổi sinh sản, thì nên được tiêm nhắc sau đó để phát huy tối đa hiệu quả miễn nhiễm. Phụ nữ đang cho con bú cũng có thể tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu mà không cần lo ngại sẽ có tác động xấu đến đứa bé, song vẫn cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế trước khi tiến hành tiêm.
Tóm lại, xung quanh vấn đề bệnh thủy đậu có bị tái lại không, các bác sĩ đã khẳng định rất hiếm có trường hợp nhiễm thủy đậu lần 2. Ngoài ra, thay vì lo lắng có nên tắm khi đang bệnh hoặc bị thủy đậu có được ra ngoài không, mọi người cần nâng cao ý thức phòng ngừa thủy đậu lây lan bằng việc hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh
- Bị bệnh thủy đậu khoảng bao lâu thì khỏi?
- Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ khi nào là an toàn, hiệu quả cao?