Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh SARS là một hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng ở dạng viêm phổi nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh SARS có thể gây tử vong. Đặc biệt, bệnh lây truyền nhanh qua đường hô hấp, có thể hình thành dịch SARS nếu không được kiểm soát tốt.
1. Bệnh SARS là gì?
SARS (viết tắt của từ Severe acute respiratory syndrome) - Hội chứng suy hô hấp cấp nặng là một dạng viêm phổi nặng. Bệnh xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 11/2002 và nhanh chóng lan rộng ra 29 quốc gia trên toàn thế giới chỉ trong vòng vài tháng. Dịch SARS có đặc điểm là lây lan nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cao. Đợt dịch năm 2003 có 8.422 người mắc bệnh và tử vong 916 người (tỷ lệ tử vong 11%).
Ước tính, có 90% người nhiễm bệnh SARS có thể hồi phục nhưng nếu không chữa trị, người bệnh sẽ tử vong. Vì vậy, các quốc gia đã đẩy mạnh tuyên truyền cách phòng ngừa, dấu hiệu nhận biết dịch SARS, phương pháp chẩn đoán và khuyến cáo cách ly bệnh nhân để kiểm soát dịch bệnh. Đến tháng 7/2003, sự bùng nổ của dịch SARS chấm dứt và kể từ năm 2004 không có trường hợp nào mắc bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh SARS
Nguyên nhân gây bệnh là virus corona. Đây là loại virus có đường kính từ 60 - 130nm, bề mặt của virus có các gai glycoprotein giống hình vương miện. Virus corona có thể sống ở bên ngoài cơ thể trong nhiều giờ, tồn tại trong phân và nước tiểu ở nhiệt độ phòng trong tối thiểu 1 - 2 ngày, thậm chí tới 4 ngày. Ở nhiệt độ 0°C, virus này có thể tồn tại tới 3 tuần. Đặc tính này khiến virus corona có khả năng lây lan mạnh từ người này sang người khác và dễ phát triển thành dịch. Tuy nhiên, chúng bị bất hoạt bởi các hoạt chất ức chế của clo trong 5 phút, mất hoạt tính gây nhiễm nếu tiếp xúc với các chất diệt khuẩn thông thường và có thể bị chết ở nhiệt độ 56°C.
Nhóm coronavirus là những virus RNA có vỏ gây ra các bệnh đường hô hấp với mức độ nặng khác nhau từ cảm lạnh thông thường đến viêm phổi gây tử vong.
Vô số các coronavirus, được phát hiện lần đầu tiên ở gia cầm vào những năm 1930, gây ra các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, gan và thần kinh ở động vật. Chỉ có 7 coronavirus được biết là gây bệnh ở người.
Bốn trong số 7 coronavirus thường xuyên gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường nhất. Coronaviruses 229E, OC43, NL63 và HKU1 gây ra khoảng 15 đến 30% các trường hợp cảm lạnh thông thường. Hiếm khi nhiễm trùng đường hô hấp dưới nặng, bao gồm viêm phổi, có thể xảy ra, chủ yếu là trên trẻ sơ sinh, người cao tuổi và suy giảm miễn dịch.
Ba trong số 7 coronavirus gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở người nặng hơn nhiều và đôi khi gây tử vong so với các coronavirus khác và đã gây ra những đợt bùng phát dịch viêm phổi chết người trong thế kỷ 21:
- SARS-CoV2 là một loại coronavirus mới được xác định là nguyên nhân gây ra bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) bắt đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và lan rộng trên toàn thế giới.
- MERS-CoV được xác định vào năm 2012 là nguyên nhân của hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
- SARS-CoV được xác định vào năm 2002 là nguyên nhân của đợt bùng phát dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
3. Tính chất lây truyền
Nhóm coronavirus này gây nhiễm trùng đường hô hấp nặng là các tác nhân gây bệnh từ động vật, bắt đầu ở những động vật bị nhiễm bệnh và lan truyền từ động vật sang người. SARS-CoV2 có mức độ lây truyền đáng kể từ người sang người.
- Nguồn bệnh trong tự nhiên được biết đến phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau, bao gồm lạc đà, gia súc, mèo và dơi và lây truyền cho người.
- Đường lây bệnh là đường hô hấp (từ các giọt chất tiết qua hắt hơi, nói, thở), đường tiếp xúc trực tiếp (điện thoại, tay nắm cửa), các dụng cụ khí dung, nội soi phế quản và từ chất thải, rác thải của bệnh nhân nhiễm SARS.
- Cơ thể cảm thụ: Tất cả các cơ thể đều có khả năng bị bệnh.
4. Triệu chứng của bệnh nhân SARS
Thời gian ủ bệnh SARS từ 2 - 7 ngày, có thể kéo dài tới 12 ngày. Bệnh diễn tiến qua 2 giai đoạn (2 pha):
Pha đầu: Người bệnh thường sốt trên 38°C, rét run, mặt đỏ, mạch nhanh, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân, có thể đau quanh hốc mắt và nổi hạch ngoại vi,... Một số bệnh nhân bị tiêu chảy và viêm hô hấp trên
Pha sau (pha hô hấp): Triệu chứng suy hô hấp xuất hiện từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 5 phát bệnh, chủ yếu là ho khan (đôi khi ho có đờm), khó thở. Suy hô hấp tiến triển nặng trong thời gian rất ngắn.
Bệnh có thể gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, viêm ruột hoại tử, viêm não, suy hô hấp cấp và suy thận cấp,... Người bệnh SARS dễ tử vong nếu là người cao tuổi, có bệnh lý mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh gan mạn, bệnh tim mạch, đái tháo đường), triệu chứng bệnh không điển hình, tăng nồng độ LDH máu và bị suy thận cấp. Tiên lượng bệnh tốt hơn ở người trẻ tuổi.
5. Chẩn đoán bệnh SARS
5.1. Chẩn đoán dựa trên dịch tễ
Đi đến những khu vực có các ca bệnh SARS trong vòng 10 ngày trước khi có biểu hiện bệnh, hoặc tiếp xúc trực tiếp trong vòng 10 ngày gần đó với những người đã có những triệu chứng trên và đã đi đến khu vực bị ảnh hưởng.
5.2. Triệu chứng lâm sàng
- Khởi phát đột ngột, thời gian trung bình 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây
- Sốt cao liên tục trên 380C. Đôi khi rét run, mặt đỏ, mạch nhanh, đau đầu, đau mỏi toàn thân, có thể đau quanh hốc mắt và nổi hạch ngoại vi.
- Triệu chứng hô hấp với một hoặc nhiều triệu chứng sau: Ho (thường ho khan, một số trường hợp có đờm khi bội nhiễm), khó thở, suy hô hấp, nghe phổi có thể có nhiều tiếng ran.
5.3. Cận lâm sàng
- X-quang lồng ngực: Cho thấy hình ảnh thận nhiễm tổ chức kẽ lan tỏa, là dấu hiệu đặc trưng của trụy hô hấp cấp tính; có thể gặp tổn thương đông đặc phổi cục bộ;
- CT-scan lồng ngực: Giúp phát hiện sớm tổn thương phổi khi X-quang chưa phát hiện được. Trong trường hợp bệnh nặng, CT-scan có thể phát hiện được hình ảnh kén đường kính dưới 1cm, tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất;
- Xét nghiệm công thức máu: Số lượng bạch cầu máu ngoại vi bình thường, có thể giảm nhẹ; giảm bạch cầu hạt và tiểu cầu ở pha sau.
- Thử nghiệm ELISA và Phân tích miễn dịch huỳnh quang (IFA) giúp phát hiện các kháng thể trong máu người bệnh, đánh giá tình trạng đã bị nhiễm virus SARS.
- Phản ứng chuỗi polymerase (PCR) giúp phát hiện vật liệu di truyền của virus SARS có thể áp dụng trong chẩn đoán sớm bệnh.
- Chẩn đoán phân biệt SARS với cúm mùa thông thường, Cúm A-H1N1 và một số bệnh đường hô hấp khác như áp xe phổi, viêm phổi thùy, viêm phổi kẽ, phế quản phế viêm, viêm mũi họng do vi khuẩn, viêm não do các loại virus,...
6. Điều trị bệnh SARS
6.1 Nguyên tắc điều trị
Mọi trường hợp được phát hiện mắc bệnh SARS đều cần phải nhập viện và được cách ly hoàn toàn. Bệnh nhân cần được điều trị hồi sức tích cực càng sớm càng tốt. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh SARS nên chủ yếu điều trị giảm nhẹ triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp.
6.2. Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Nếu được điều trị sớm bằng các thuốc kháng virus và Steroid phần lớn bệnh nhân có thể hồi phục.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt nam:
- Thuốc kháng virus: Có thể dùng Ribavirin 800mg/ngày, tối đa 1200 mg/ngày (theo cân nặng), chia làm 3- 4 lần/ngày,7-10 ngày
- Điều trị bội nhiễm phế quản, phổi: Dùng kháng sinh phổ rộng nhóm Cephalosporine thế hệ 3 hoặc Quinolone thế hệ mới, kết hợp với một thuốc nhóm aminoside.
6.3. Điều trị triệu chứng
Dùng các thuốc giảm ho nếu có ho khan nhiều; nhỏ mũi bằng các thuốc nhỏ mũi thông thường. Nếu sốt trên 38,5oC thì cho dùng thuốc hạ sốt Paracetamol ngày 4 lần. Liều dùng: người lớn 2 g/ngày, trẻ em 50-60 mg/kg cân nặng/ngày.
6.4. Dinh dưỡng, điều chỉnh rối loại nước và điện giải
Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người bệnh; uống nhiều nước hoa quả. Truyền tĩnh mạch các dung dịch Natri Chlorua 0,9%, Glucose 5%, Ringerlactat. Lượng dịch truyền tùy theo diễn biến lâm sàng và điện giải đồ. Ngoài ra, có thể truyền tĩnh mạch các dung dịch axit amin.
6.5. Điều trị hỗ trợ
Dùng Methylprednisolone tiêm tĩnh mạch với liều
1 mg/kg/ngày khi có suy hô hấp, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Sử dụng cho đến khi dấu hiệu suy hô hấp thuyên giảm, nhưng không nên quá 5 ngày.
Có thể dùng Gammaglobulin truyền tĩnh mạch với liều 200- 400 mg/kg (chỉ dùng một lần), hoặc dùng albumin.
6.6. Điều trị suy hô hấp
Hỗ trợ thở ôxy qua ống thông mũi, mặt nạ, đặt nội khí quản hoặc máy thở.
6.7 Tiêu chuẩn ra viện
* Người bệnh được chuyển sang khu đệm khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Hết sốt ít nhất 5 ngày mà không dùng thuốc hạ sốt.
- Hết ho.
- Toàn trạng tốt, ăn ngủ bình thường.
- Mạch, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường; Xquang phổi cải thiện.
* Sau 7 ngày điều trị tại khu đệm, nếu tình trạng sức khỏe vẫn ổn định, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Sau đó, họ phải khám lại tại nơi đã điều trị và chụp Xquang phổi kiểm tra hằng tuần cho đến khi phổi trở về bình thường. Trong thời gian này, người bệnh cần nghỉ tại nhà, không đến nơi công cộng.
Ngoài ra, sau khi xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.
- Người viêm mũi xoang thì phòng nhiễm COVID-19 như thế nào?
- Hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng
- Hướng dẫn bé tự rửa tay sạch để phòng dịch