Mục lục
Một số nghiên cứu mới cho thấy những người trưởng thành bị viêm nha chu, bệnh nướu răng nghiêm trọng, có thể có nguy cơ huyết áp cao hơn gấp đôi so với những người có nướu răng khỏe mạnh. Vậy mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và các vấn đề huyết áp là gì?
1. Bệnh nướu răng là gì?
Bệnh nướu răng là một tình trạng phổ biến khi nướu của bạn bị sưng, đau hoặc nhiễm trùng. Bệnh nướu răng có thể gây hôi miệng và tình trạng nướu bị chảy máu khi bạn đánh răng. Giai đoạn đầu của bệnh được gọi là viêm nướu. Nếu không được điều trị, một tình trạng gọi là viêm nha chu có thể phát triển. Nếu bệnh viêm nha chu không được điều trị, xương hàm có thể bị tổn thương và tạo ra các khoảng trống nhỏ giữa nướu và răng. Răng của bạn có thể bị lung lay và cuối cùng có thể rụng.
Bệnh nướu răng là do sự tích tụ của mảng bám trên răng, đây là một chất dính có chứa vi khuẩn. Một số vi khuẩn trong mảng bám là vô hại, nhưng một số lại có hại cho sức khỏe của nướu răng. Vì thế, nếu bạn không loại bỏ mảng bám trên răng bằng cách đánh răng, nó sẽ tích tụ và gây kích ứng nướu răng của bạn. Điều này có thể dẫn đến mẩn đỏ kèm theo chảy máu, sưng tấy và đau nhức.
2. Mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và tăng huyết áp
Tiến sĩ Sally Cram, DDS, một nha sĩ ở Washington, D.C. và là người phát ngôn của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết, có mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và tăng huyết áp.
Tăng huyết áp được ước tính ảnh hưởng đến 40% những người trên 25 tuổi trên toàn thế giới. Tăng huyết áp không được điều trị hoặc kiểm soát kém có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và suy tim, cũng như bệnh thận. Tăng huyết áp ước tính cướp đi 7,5 triệu sinh mạng trên toàn thế giới.
Viêm nha chu là tình trạng mô nướu bị nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến viêm mãn tính và phá hủy xương nâng đỡ răng, dẫn đến mất răng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hypertension cho thấy 14% số người bị viêm nha chu đạt ngưỡng lâm sàng về tăng huyết áp ở Anh, trái ngược với 7% ở nhóm đối chứng không bị viêm nha chu. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng viêm nha chu có liên quan đến huyết áp cao hơn ở những người khỏe mạnh.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng bệnh nướu răng nghiêm trọng có thể khiến một người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn đáng kể. Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Francesco D'Aiuto, ttrưởng khoa nha chu tại Viện nha khoa Eastman University College London cho biết: “Bằng chứng của chúng tôi chỉ ra rằng vi khuẩn nha chu gây tổn thương nướu và cũng gây ra các phản ứng viêm có thể tác động đến sự phát triển của các bệnh toàn thân bao gồm cả huyết áp cao.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng chẩn đoán bệnh nướu răng có liên quan đến tỷ lệ cao huyết áp hơn, không phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ tim mạch phổ biến. Bên cạnh đó, những người tham gia bị viêm nha chu có biểu hiện tăng nồng độ glucose, LDL (cholesterol “xấu”), hsCRP và bạch cầu và mức HDL (cholesterol “tốt”) thấp hơn so với những người trong nhóm đối chứng.
Giáo sư Francesco D’Aiuto, (Viện Nha khoa UCL Eastman), cho biết: “Bằng chứng này chỉ ra rằng vi khuẩn nha chu gây tổn thương nướu và cũng kích hoạt các phản ứng viêm có thể tác động đến sự phát triển của các bệnh hệ thống, bao gồm tăng huyết áp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những người bị viêm và nhiễm trùng bệnh nha chu không được kiểm soát sẽ có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tim mạch hơn. Vì khi tình trạng viêm nhiễm bên trong các mạch máu, điều đó sẽ làm cho lớp niêm mạc bên trong mạch máu dày lên, nó sẽ làm giảm lưu lượng máu, khiến bạn có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh nướu răng. Tuy nhiên, nghiên cứu xác nhận các chi tiết về nguồn gốc mối liên hệ này là rất hiếm. Nghiên cứu này không tính đến các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp, chẳng hạn như béo bụng, ăn nhiều muối, sử dụng thuốc chống viêm, điều trị hormone, căng thẳng, hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe răng miệng nào khác.
3. Chiến lược điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh nướu răng
Phòng ngừa và điều trị bệnh nướu răng có hiệu quả về chi phí và có thể làm giảm các dấu hiệu viêm toàn thân cũng như cải thiện chức năng của nội mô (màng mỏng lót bên trong tim và mạch máu).
Nếu các chuyên gia nha khoa có thể tầm soát bệnh tăng huyết áp và chuyển sang cơ sở chăm sóc ban đầu. Ngược lại các chuyên gia tim mạch có thể tầm soát các bệnh nha chu và giới thiệu bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp cho việc phát hiện và điều trị cả hai tình trạng này, vừa giúp cải thiện sức khỏe răng miệng, vừa giảm gánh nặng của bệnh tăng huyết áp và các biến chứng của nó.
Các chiến lược sức khỏe răng miệng như đánh răng hai lần mỗi ngày được chứng minh là rất hiệu quả trong việc quản lý và ngăn ngừa các tình trạng răng miệng phổ biến. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng cũng có thể là một công cụ mạnh mẽ và giá cả phải chăng để giúp ngăn ngừa tăng huyết áp.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com
- Bệnh nướu răng và bệnh tim: Mối liên hệ là gì?
- Làm gì với răng nhạy cảm?
- Rễ cam thảo có thể giảm sâu răng, bệnh nướu răng