Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nếu trẻ chỉ bị ho gà nhẹ, người thân có thể tự chăm sóc cho bé tại nhà theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Nhưng khi bệnh có dấu hiệu trở nặng, cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị.
1. Trẻ bị bệnh ho gà có thể tự theo dõi tại nhà được không?
Tác nhân chính gây bệnh ho gà là do vi khuẩn Bordetella pertussis. Vi khuẩn này xâm nhập vào đường hô hấp trên, khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô của đường thanh quản, khí quản, sau đó vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố Pertussis toxin.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Bệnh có khả năng lây lan cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học...
Nếu trẻ được chẩn đoán ho gà dạng nhẹ: Số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt thì có thể điều trị và cách ly tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Phụ huynh cũng cần theo dõi chặt chẽ trẻ và đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh trở nặng như số lượng cơn ho nhiều hơn, cơn ho dài, có dấu hiệu suy hô hấp...Cách chăm sóc trẻ ho gà tại nhà như sau:
- Cho trẻ nghỉ ngơi trong khu vực yên tĩnh, tránh kích thích.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh các chất kích thích như: khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất.
- Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú mẹ bình thường. Nếu trẻ đã ăn dặm hoặc trẻ lớn, nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, cho trẻ ăn từng ít một, chia làm nhiều bữa.
- Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng cho trẻ, dùng khăn mềm nhúng nước muối ấm lau sạch miệng. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Trong trường hợp trẻ lớn, cần cho trẻ vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối.
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan
- Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có.
Đối với những trường hợp trẻ bị ho gà nặng cần phải được nhập viện ngay. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ được ra các chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng trẻ, bao gồm điều trị suy hô hấp (nếu có), dùng kháng sinh điều trị đặc hiệu, điều trị biến chứng và các chăm sóc, điều trị hỗ trợ khác. Do đó, ba mẹ cần lưu ý khi trẻ ho có 1 trong các dấu hiệu sau cần lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị:
- Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho trẻ có dấu hiệu đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài
- Ăn kém,
- Nôn nhiều
- Trẻ ngủ ít
- Thở nhanh, khó thở
2. Phòng bệnh ho gà cho trẻ bằng cách nào?
- Biện pháp phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất là cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà có thể mang lại hiệu quả cao, lên tới 90%.Hiện nay trên thị trường có loại vắc xin ho gà đơn hoặc vắc xin hỗn hợp (DPT) được dùng cho trẻ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng
- Cách ly người bệnh: phải cách ly trẻ, cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị bệnh ho gà. Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
- Công dụng thuốc Atussin siro
- Trẻ bị ho kéo dài: Khi nào cần đi khám?
- Vắc-xin bạch hầu: Vì sao cần tiêm nhắc lại?