Mục lục
Sự tăng cân nặng theo tuổi được xem là một trong những yếu tố đánh giá tình trạng phát triển của trẻ. “Bé trai 9 tháng nặng bao nhiêu kg” thì đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm để có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng và phát triển tốt nhất cho trẻ. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về cân nặng tiêu chuẩn của bé trai 9 tháng tuổi.
1. Sự phát triển của trẻ em ở giai đoạn 9 tháng tuổi
Trẻ em ở độ tuổi 9 tháng tuổi đang bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Quá trình phát triển thể chất bao gồm sự tăng cân nặng của bé trai 9 tháng tuổi và bé gái 9 tháng tuổi, cùng với đó là sự tăng trưởng về chiều cao của trẻ. Theo đó, trẻ ở giai đoạn này đã bắt đầu bò, trườn và có thể tự kéo mình đứng lên rồi đi lần quanh bàn ghế. Quá trình phát triển thể chất của trẻ còn được thể hiện qua việc trẻ có thể cầm ném đồ vật, biết cho các ngón tay vào miệng, nắm chặt tay và có thể uống bằng cốc. Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu biết chỉ tay vào đồ vật và đã bắt đầu mọc răng.
Bên cạnh quá trình phát triển về thể chất, sự phát triển về cảm xúc của trẻ 9 tháng tuổi cũng được thể hiện rõ ràng. Ở giai đoạn này, bé đã biết thích thú với mọi thứ xung quanh, tỏ ra lo lắng, căng thẳng hay bật khóc khi cha mẹ rời đi chỗ khác. Trẻ ở độ tuổi này đã có thể ngủ qua đêm, tuy nhiên trẻ cũng thường hay thức dậy vào ban đêm và khóc đặc biệt là khi không có cha mẹ bên cạnh.
Quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ em 9 tháng tuổi được thể hiện thông qua việc trẻ đã có thể nhận biết tên mình, hiểu được một vài từ, có thể bập bẹ và bắt chước các âm thanh của người lớn. Trẻ đã có thể vẫy tay chào tạm biệt hay chơi các trò chơi như ú òa...
Xem ngay: Bé 9 tháng tuổi vẫn chưa mọc răng
2. Sự phát triển cân nặng của bé trai 9 tháng
Mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, tùy thuộc vào các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống bao gồm cả yếu tố di truyền và môi trường. Để xác định xem trẻ có đang phát triển với tốc độ khỏe mạnh về cân nặng hay không thì cha mẹ có thể tham khảo bảng cân nặng theo Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, bởi đây là con số chính xác nhất. Vậy theo bảng cân nặng tiêu chuẩn, bé trai 9 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đủ? Theo đó, bé trai 9 tháng tuổi có cân nặng tiêu chuẩn khoảng 8,9 kg và chiều cao đạt chuẩn khoảng 69,6 cm.
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, sự tăng trưởng của trẻ là khác nhau theo từng giai đoạn, vì vậy nếu chỉ nhìn vào cân nặng của trẻ ở một thời điểm duy nhất sẽ rất khó để nhận định rằng liệu trẻ có đang phát triển theo tiêu chuẩn bình thường hay không. Muốn xác định chính xác, cha mẹ nên theo dõi cân nặng của trẻ định kỳ, ví dụ như đo cân nặng cho trẻ mỗi tháng một lần... Trong trường hợp có sự bất thường về cân nặng của bé, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có những lời khuyên hợp lý giúp trẻ phát triển tốt hơn.
3. Làm thế nào để bé trai 9 tháng tuổi có cân nặng đạt chuẩn?
Các bậc cha mẹ thường đặt câu hỏi về cân nặng bé trai 9 tháng tuổi là bao nhiêu thì đạt chuẩn, để từ đó cha mẹ có thể xây dựng cho bé chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp. Theo đó, trẻ ở giai đoạn này đã có thể tự cầm nắm thức ăn, bắt đầu thích nghi với chế độ ăn dặm và đặc biệt những chiếc răng sữa đã có thể giúp trẻ tập nhai. Vì vậy, xây dựng một chế độ chăm sóc hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cân nặng, chiều cao và trí tuệ.
3.1. Chế độ dinh dưỡng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để giúp trẻ 9 tháng tuổi phát triển chiều cao và cân nặng trong giai đoạn này, cha mẹ cần hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh sữa mẹ, bé cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng qua các bữa ăn dặm. Khẩu phần ăn cho trẻ 9 tháng tuổi gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ với đầy đủ các chất dinh dưỡng như sau:
- Sữa mẹ cho bé trung bình khoảng 500 – 600 ml trong một ngày.
- Thức ăn trong 3 bữa chính có thể luân phiên thay nhau như bột, cháo ăn dặm, cơm nhão, thịt/cá, dầu ăn, rau xanh và trái cây. Trong đó, lượng dinh dưỡng chứa trong mỗi bữa ăn bao gồm 60 – 90g gạo tẻ trắng, 60 – 90g thịt (tôm, cá..), 15g dầu (mỡ), rau xanh, trái cây...
- Thức ăn trong 3 bữa phụ như yaourt, phô mai, trái cây, bánh quy...
Thực đơn ăn dặm cho trẻ 9 tháng tuổi cần có 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản gồm đạm, chất béo, đường, vitamin và khoáng chất. Các bậc cha mẹ có thể lựa chọn các loại thực phẩm chứa nhiều bột đường như gạo, yến mạch, lúa, mì, các loại đậu.. Thực phẩm chứa nhiều chất đạm như tôm, thịt, cá, lòng đỏ trứng... Các loại rau xanh, sữa như yaourt, phô mai, bơ là những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, để cân nặng của bé trai 9 tháng tuổi và bé gái 9 tháng tuổi đạt tiêu chuẩn, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề trong chế độ ăn dặm cho trẻ. Trẻ ở giai đoạn này đã mọc răng và bắt đầu quá trình tập nhai, nên có thể cho bé ăn cháo nguyên hạt, bột ăn dặm và các loại rau củ băm nhuyễn mà không cần xay hay nghiền nát như giai đoạn trước. Cùng với đó, cha mẹ nên tập cho trẻ ăn bốc với các loại thức ăn như trái cây, các loại rau củ.. điều này sẽ giúp trẻ khám phá mùi vị thức ăn và khuyến khích trẻ tập nhai, từ đó giúp kích thích hệ tiêu hóa và trẻ sẽ hào hứng với bữa ăn và ăn ngon miệng hơn.
Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ nên được thay đổi phong phú, cung cấp đủ chất dinh dưỡng và cần tăng cường cung cấp sắt trong thực đơn của trẻ như thịt đỏ, gan gà, gan lợn... Cha mẹ cũng cần lưu ý trẻ ở 9 tháng tuổi chưa được sử dụng các sản phẩm như sữa tươi, lòng trắng trứng, các loại hải sản có vỏ cứng như sò, ốc, trai... vì có nguy cơ dị ứng thực phẩm cao. Trẻ cũng cần được uống nước đầy đủ để tránh táo bón.
3.2. Giấc ngủ và chế độ phát triển
Để bé gái và bé trai 9 tháng tuổi có cân nặng đạt chuẩn, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ nên cho bé ngủ trưa và ngủ tối theo đúng giờ nhất định và khuyến khích bé ngủ trong nôi của mình. Cùng với đó, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ xem tivi bằng cách cho trẻ ra ngoài chơi các trò chơi,...
Cùng với sự phát triển về thể chất, cha mẹ nên có chế độ phát triển về trí tuệ cho trẻ như đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày, cho phép trẻ sờ, nói theo và chỉ đồ vật. Cha mẹ cũng nên chọn các sách có nhiều hình vẽ, màu sắc và chất liệu thú vị, đọc các bài thơ theo vần điệu và hát cùng với bé hay gọi tên các đồ vật một cách nhất quán, cho trẻ làm quen với ngôn ngữ thứ hai nếu có sử dụng ngôn ngữ đó trong gia đình.
Xem ngay: Bé 9 tháng nặng 8,2 kg có phải thiếu sắt không?
3.3. Một số lưu ý của cha mẹ khi chăm sóc trẻ ở giai đoạn 9 tháng tuổi
Để con có thể phát triển tốt nhất về thể chất và trí tuệ, cha mẹ nên có một số lưu ý như sau trong quá trình chăm sóc con trẻ:
- Cha mẹ không nên để nôi trẻ nằm quá cao vì ở giai đoạn này trẻ đã có thể níu để đứng dậy.
- Cha mẹ không được để dây điện thoại, dây điện hoặc dây kéo cửa chớp treo lủng lẳng, dùng cổng chắn ở cầu thang để tránh té ngã, dùng rào chắn quanh hồ bơi, đảm bảo nhà là môi trường phát triển an toàn cho bé.
- Cha mẹ phải để thuốc, các chất độc đậy kín nắp, cất giữ dao, các đồ vật nặng và các đồ chùi dọn xa tầm tay của trẻ.
- Bảo đảm bàn ghế, giá sách, đồ gỗ được giữ cố định an toàn và không thể rơi vào người bé.
- Cha mẹ nên cho bé mang giày để bảo vệ chân khi ra ngoài. Giày nên có đế mềm mại, đàn hồi và mũi giày đủ rộng và đủ dài để không bó chặt chân bé.
Như vậy, cân nặng đạt chuẩn của bé trai 9 tháng tuổi là sự kết hợp của chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và vận động phù hợp. Bên cạnh đó sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ sẽ là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Ngoài ra, trẻ 9 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Bé trai 9 tháng nặng 8kg có phải là thiếu cân, suy dinh dưỡng?
- Bé 6 tháng nặng 6kg, có phải là suy dinh dưỡng?
- Bật mí cách tăng cường miễn dịch của trẻ cho bố mẹ bận rộn