Mục lục
Khả năng ăn và tiêu hóa thức ăn của trẻ khi bước vào tuổi ăn dặm là rất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Hầu hết các bé đều có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và đi tiêu bình thường sau khi chuyển sang ăn dặm một cách hợp lý, khoa học. Tuy vậy, không ít bé khó tiêu khi cho ăn thức ăn đặc khiến cha mẹ rất lo lắng.
1. Đầy bụng, khó tiêu ở trẻ là gì?
Trẻ bị đầy bụng khó tiêu là thuộc vấn đề rối loạn tiêu hóa. Đây là một vấn đề sức khỏe của hệ tiêu hóa có thể cản trở hoạt động hàng ngày cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Các dấu hiệu và triệu chứng ở bé khó tiêu, gây rối loạn tiêu hóa có thể bao gồm:
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Đầy hơi trong bụng
- Chảy máu
- Biếng ăn
Khi các vấn đề rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ khó điều chỉnh và không cải thiện trong thời gian dài, khiến trẻ chậm tăng trưởng, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại bác sĩ nhi khoa hay các chuyên gia dinh dưỡng.
Tại đây, các bác sĩ nhi khoa có thể giúp chẩn đoán và điều trị các vấn đề về tiêu hóa. Đồng thời, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để giúp chẩn đoán nguyên nhân thật sự của chứng rối loạn tiêu hóa, có thể bao gồm:
- Nội soi đại tràng
- Nội soi ống tiêu hóa trên
- Nội soi đường tiêu hóa bằng viên nang
- Siêu âm bụng
- Nội soi đại tràng sigma linh hoạt
- Sinh thiết niêm mạc ruột
- Xét nghiệm máu
- Chụp cắt lớp (CT scanner) ổ bụng.
2. Bé khó tiêu khi ăn dặm phải làm sao?
“Bé khó tiêu phải làm sao” là thắc mắc chung của nhiều bậc phụ huynh khi có con gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, việc điều trị các vấn đề rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ tập ăn dặm còn tùy thuộc vào chẩn đoán.
Về chuyên môn, các biện pháp gồm có: tư vấn dinh dưỡng và thay đổi chế độ ăn uống cho bé; dùng thuốc hay cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật và các phương pháp vật lý trị liệu như liệu pháp nuốt.
Tuy nhiên, trước khi vấn đề thật sự nghiêm trọng cần đưa trẻ đến bác sĩ, cha mẹ có thể áp dụng các mẹo giúp cải thiện vấn đề trẻ ăn khó tiêu bằng cách:
- Duy trì bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi trẻ ít nhất sáu tháng tuổi.
- Cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần ăn.
- Duy trì thời gian nằm sấp, ngồi dậy mỗi ngày khi trẻ còn thức.
- Nếu mẹ còn đang cho con bú, tránh hút thuốc, uống rượu và các loại thuốc kích thích vì có thể làm tăng nguy cơ gây đau bụng ở trẻ.
- Thường xuyên mát-xa bụng nhẹ nhàng cho em bé.
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hãy bắt đầu chỉ với một loại thức ăn tại một thời điểm. Giới thiệu món mới sau một vài ngày khi trẻ đã ổn định với những thức ăn đã làm quen. Điều này sẽ giúp xác định bất kỳ trường hợp dị ứng thực phẩm nào và cho trẻ ăn dặm đủ thời gian để làm quen với thức ăn mới.
- Cung cấp một chế độ ăn uống cân bằng cho trẻ khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc có thể giúp ngăn ngừa các tình trạng như trẻ táo bón khi ăn dặm.
3. Cách xử trí các vấn đề tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ khi ăn dặm
3.1. Nôn ói
Việc nôn ói ra một ít thức ăn là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ tập ăn dặm. Điều này là do cơ vòng giữa dạ dày và thực quản chưa hoàn chỉnh về mặt cấu trúc và chức năng. Tuy nhiên, khi trẻ nôn ói dữ dội, nôn vọt hoặc trào ra một lượng lớn thức ăn mỗi cữ ăn dặm, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý thực thể.
Theo đó, để tránh nôn ói, khuyến khích cho trẻ bắt đầu chế độ ăn dặm tự chỉ huy. Kết cấu thức ăn nên chuyển tiếp từ từ, tránh cho trẻ ăn quá đặc hay lợn cợn từ đầu. Luôn cho trẻ ngồi khi ăn và duy trì tư thế này ít nhất 30 phút sau đó. Nếu trẻ nôn nhiều hoặc thường xuyên, nôn ra mật xanh hoặc máu, trẻ lờ đờ hay chậm chạp thì cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
3.2. Trào ngược
Một số trẻ có thể liên tục ọc ra thức ăn hay cũng có thể bị sặc ngay trong khi đang đút ăn. Điều này thường do cơ chế trào ngược, tức là khi thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản (ống nối miệng với dạ dày). Thực quản có thể trở nên nhạy cảm và bị kích thích bởi chất chứa trong dạ dày. Khi thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản, trẻ có thể nôn ra hay hít vào phổi, vì vậy khi nghe thấy tiếng rít ở ngực và lưng của bé là dấu hiệu nguy hiểm.
Những lời khuyên này có thể giúp trẻ hạn chế bị trào ngược:
- Tránh quấn tã của bé quá chật.
- Cho trẻ ăn với lượng nhỏ hơn nhưng thường xuyên hơn. Các bữa ăn nhỏ hơn có thể hỗ trợ tiêu hóa và ngăn chặn các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Cho ăn từ từ, nhất là các bữa ăn dặm đầu tiên.
- Luôn giữ trẻ thẳng đứng trong suốt bữa ăn và sau đó ít nhất 30 phút.
- Thường xuyên vỗ lưng cho bé ợ hơi trong khi ăn.
- Xoa bụng nhẹ nhàng cho trẻ sau bữa ăn.
3.3. Tiêu chảy
So với trẻ bú sữa hoàn toàn, bao gồm sữa mẹ hay sữa công thức, trẻ ăn dặm có khuynh hướng đi tiêu đặc hơn và giảm số lần trong ngày. Tuy nhiên, khi trẻ tiêu phân lỏng, tiêu phân nước, tiêu rất thường xuyên, em bé có thể bị tiêu chảy. Tiêu chảy nặng có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, nên được điều trị ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu mức độ nhẹ, cha mẹ cần cho trẻ bú thêm sữa, uống thêm nước. Việc bổ sung các loại dung dịch điện giải cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên thay tã cho trẻ thường thuyên nhằm tránh hăm tã. Luôn rửa tay bằng xà phòng sau khi làm vệ sinh cho trẻ và trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn nhằm tránh lây truyền vi khuẩn. Thức ăn cho trẻ đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi, bảo quản kỹ lưỡng, tránh thức ăn không an toàn cho trẻ ăn dặm và bỏ thức ăn thừa nếu trẻ không ăn hết.
3.4. Đầy hơi, khó tiêu
Khí trong đường ruột là do quá trình tiêu hóa thức ăn sinh ra. Lượng khí này có thể là nguyên nhân bé khó tiêu, đau bụng, đầy hơi.
Theo đó, nên hạn chế các sản phẩm chế biến từ sữa, cà phê và thực phẩm sinh khí khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm. Bên cạnh đó, thao tác cho trẻ ăn cũng cẩn thận, cần đặt trẻ ngồi khi ăn để tránh trẻ nuốt nhiều không khí. Sau bữa ăn, cha mẹ có thể mát-xa nhẹ nhàng vùng bụng cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi vừa dung nạp thêm một lượng thể tích trong dạ dày, góp phần cải thiện tình trạng trẻ ăn dặm khó tiêu.
Tóm lại, bé khó tiêu khi ăn dặm là một trong các vấn đề rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ khá thường gặp. Các bậc cha mẹ nếu có con gặp phải tình trạng này thì nên điều chỉnh lại chế độ ăn dặm, cho bé ợ hơi sau khi ăn cũng như mat-xa bụng hoặc cho trẻ hoạt động hợp lý để kích thích hệ tiêu hóa... Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Trẻ 18 tháng ăn gì để tăng cân, cao lớn, khỏe mạnh?
- Trẻ 10 tháng chậm tăng cân, phải làm sao?
- Trẻ tăng trưởng chậm: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán