Mục lục
Chiều cao và cân nặng luôn là thước đo giúp cha mẹ theo dõi con phát triển theo từng tháng. Tuy nhiên, giữa bé gái và bé trai sẽ có sự khác biệt giữa hai số đo này. Hơn nữa, 21 tháng tuổi là giai đoạn phát triển nhiều kỹ năng khác, do vậy chiều cao và cân nặng của trẻ không phát triển nhiều như một năm trước. Vậy bé gái 21 tháng tuổi cao bao nhiêu?
1. Bé gái 21 tháng tuổi cao và nặng bao nhiêu?
Để đảm bảo rằng con bạn đang phát triển bình thường và đang tăng cân, bạn có thể sử dụng biểu đồ tăng trưởng chiều cao và cân nặng. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một số đo trung bình về trọng lượng và chiều cao của một đứa trẻ mới biết đi. Bé gái 21 tháng tuổi cao bao nhiêu? Trong đó, chiều cao chuẩn của bé gái 21 tháng tuổi trung bình là 83,7cm và cân nặng là 10,9kg. Việc ghi lại chiều cao và cân nặng của con hàng tháng để theo dõi sẽ là cơ sở để bác sĩ nhi khoa biết được mô hình phát triển của trẻ.
Giai đoạn 21 tháng tuổi là giai đoạn trẻ phát triển toàn diện về kỹ năng vận động, lời nói, mọc răng,... Hầu hết trẻ 21 tháng tuổi có thể chạy, ngồi xổm và ném bóng dưới tay. Con bạn có thể biết 50 từ trở lên và có thể ghép hai từ lại với nhau để tạo thành một cụm từ. Đồng thời, chiếc răng hàm thứ hai dưới của con bạn có thể đang nhú lên gây ra một số khó chịu khi mọc răng. Những điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và cân nặng bé gái 21 tháng tuổi.
Xem ngay: Bé 21 tháng tuổi nên tiêm vắc-xin phế cầu vào thời điểm nào?
2. Chăm sóc cho trẻ 21 tháng tuổi
Sức khỏe luôn là mối quan tâm của các bậc cha mẹ. Ở giai đoạn trẻ 21 tháng tuổi, cha mẹ không chỉ chăm sóc con về chế độ dinh dưỡng mà nhu cầu về giấc ngủ và hoạt động thể chất cũng rất quan trọng, giúp con phát triển tốt hơn và cứng cáp hơn.
2.1 Giấc ngủ cho trẻ 21 tháng tuổi
Trẻ mới biết đi cần ngủ nhiều để phát triển, hầu hết trẻ 21 tháng tuổi cần ngủ khoảng 11 đến 12 giờ vào ban đêm, cộng với giấc ngủ ngắn khoảng 1,5 đến 3 giờ. Do vậy, tổng thời gian ngủ của trẻ trong khoảng 13 đến 14 giờ mỗi ngày. Nếu trẻ đột nhiên thức giấc vào ban đêm nhiều hơn, cha mẹ cũng không nên lo lắng, bởi vì một đợt mọc răng, ốm hoặc một chuyến du lịch cũng có thể khiến cho thói quen ngủ của trẻ bị thay đổi. Vì vậy, cha mẹ cần bình tĩnh tìm ra nguyên nhân để có thể giúp con trở về trạng thái thói quen ngủ ban đầu.
Trẻ 21 tháng tuổi không chịu đi ngủ là chuyện bình thường. Mọi hoạt động vui chơi sẽ làm cho trẻ hứng thú hơn nhiều so với việc đi ngủ. Do vậy, bạn hãy tập cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tạo không gian yên tĩnh, đồng thời hãy đảm bảo rằng con bạn được chơi nhiều hoạt động trong ngày và không sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 20 phút trước khi đi ngủ.
2.2 Thực đơn cho bé gái 21 tháng tuổi
Ăn uống là một phần thực sự quan trọng trong cuộc sống của những đứa trẻ 21 tháng tuổi. Trẻ cần được ăn 3 bữa mỗi ngày và cộng thêm hai bữa phụ. Thực đơn cho bé gái 21 tháng tuổi nói riêng và trẻ 21 tháng tuổi nói chung cần phải đầy đủ các nhóm thực phẩm bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein và sữa. Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau trong mỗi bữa ăn và trong giờ ăn dặm. Hầu hết trẻ mới biết đi nên ăn khoảng 3⁄4 đến 1 chén trái cây và rau, 1⁄4 chén ngũ cốc và ba muỗng canh protein mỗi ngày.
Hầu hết trẻ 21 tháng tuổi nên uống sữa nguyên kem, vì trẻ một tuổi cần chất béo để phát triển trí não. Khi hai tuổi, cha mẹ nên chuyển trẻ sang sữa 1 phần trăm hoặc sữa tách béo. Các bác sĩ khuyên trẻ từ một đến ba tuổi nên bổ sung 700 mg canxi mỗi ngày. Vì vậy, nếu trẻ không nhận được canxi từ bất kỳ nguồn nào khác, trẻ sẽ cần khoảng ba cốc sữa 240 ml mỗi ngày. Nếu trẻ tiêu thụ các dạng canxi khác, bạn có thể điều chỉnh lượng sữa của trẻ cho phù hợp.
Nếu bạn cai sữa cho trẻ 21 tháng tuổi, hãy nhớ thực hiện một cách chậm rãi bằng cách bỏ một buổi bú sữa hàng ngày trong ít nhất ba đến bảy ngày trước khi bỏ buổi tiếp theo. Nếu đi quá nhanh, người mẹ có thể có nguy cơ bị tắc ống dẫn sữa và nhiễm trùng. Thêm vào đó, cai sữa là một quá trình chuyển đổi có thể có tác động về mặt tinh thần đối với trẻ, vì vậy trẻ có thể cần thêm một chút an ủi và yên tâm khi cai sữa.
Ngoài ra, bạn cũng không nên quá lo lắng nếu con bạn từ chối những món ăn bổ dưỡng và ăn ít hơn so với trước. Trẻ 21 tháng kén ăn là chuyện bình thường vì chúng không phát triển nhanh như trong năm đầu đời. Điều tốt nhất bạn có thể làm là tiếp tục đưa ra các lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng, chọn và chế biến đa dạng các loại thức ăn ưa thích của trẻ, đồng thời làm mẫu cho trẻ bằng hành vi ăn uống lành mạnh. Nếu bạn lo lắng con mình không nhận đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa về việc bổ sung vitamin cho trẻ. Một số trẻ mới biết đi có thể dùng vitamin tổng hợp hoặc chất bổ sung sắt.
Kẹo dẻo chất xơ thường được dùng để phòng ngừa táo bón cho trẻ, nhưng hiếm khi cần thiết bởi vì trái cây và rau thường có thể giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ 21 tháng tuổi hoạt động tốt.
Xem ngay: Sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ 21 tháng tuổi
2.3 Hoạt động cho trẻ 21 tháng tuổi
Các hoạt động vui chơi, trò chơi và đồ chơi cho trẻ 21 tháng tuổi bao gồm:
- Đất nặn: sử dụng đất nặn để nặn ra những đồ vật xung quanh. Điều này vừa giúp trẻ khám phá và nhận biết hình dạng đồ vật, con vật mà còn tạo cho trẻ kỹ năng khéo léo, dẻo dai.
- Đặt câu đố: Câu đố đơn giản sẽ thu hút trẻ và giúp cho trẻ rèn luyện khả năng tư duy phán đoán.
- Chơi thẻ gắn tên các đồ vật: Trẻ em ở độ tuổi này thích chạy xung quanh và gắn thẻ tên vào các đồ vật.
Tóm lại, chiều cao và cân nặng luôn là thước đo giúp cha mẹ theo dõi con phát triển theo từng tháng. Tuy nhiên, giữa bé gái và bé trai sẽ có sự khác biệt giữa hai số đo này. Hơn nữa 21 tháng tuổi là giai đoạn phát triển nhiều kỹ năng khác, do vậy chiều cao và cân nặng của trẻ không phát triển nhiều như một năm trước. Trong đó, chiều cao chuẩn của bé gái 21 tháng tuổi trung bình là 83,7cm và cân nặng là 10,9kg. Việc ghi lại chiều cao và cân nặng của con hàng tháng giúp bác sĩ nhi khoa biết được mô hình phát triển của con bạn. Nếu trẻ thấp dưới mức trung bình bạn cũng không nên quá lo lắng, nhưng bạn có thể đưa trẻ tới cơ sở y tế để được đánh giá và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Biểu đồ tăng trưởng và cân nặng trung bình cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ
- Ưu, nhược điểm của các chế phẩm kẽm trên thị trường