Mục lục
Tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng và chiều cao. Tuỳ theo độ tuổi và giới tình của trẻ mà có mức tiêu chuẩn khác nhau. Cân nặng bé gái 12 tháng tuổi theo tiêu chuẩn thường nhỏ hơn so với bé trai. Các bậc cha mẹ cần biết bé 12 tháng ăn được gì để tăng cường dinh dưỡng và phát triển khoẻ mạnh.
1. Đặc điểm về sự phát triển của bé gái 12 tháng
Cân nặng và chiều cao chuẩn của bé gái 12 tháng
Năm đầu đời của trẻ là khoảng thời gian mà trẻ tăng trưởng nhiều nhất. Sau đó quá trình phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ sẽ bắt đầu chậm lại dần bởi vì mức độ hoạt động tăng lên. Cân nặng và chiều cao của trẻ là điều mà các cha mẹ thường quan tâm đến. Nhiều phụ huynh có con nhỏ thường băn khoăn không biết bé gái 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đúng chuẩn. Tuỳ theo độ tuổi và giới tính của trẻ mà có mức tiêu chuẩn khác nhau. Cân nặng của trẻ 12 tháng tuổi thường là sẽ tăng gấp ba lần so với khi sinh. Khi được 12 tháng tuổi, trẻ cũng sẽ tăng 50% về chiều cao và kích thước não bộ sẽ đạt 60% so với bộ não của người trưởng thành.
Nhìn chung, cân nặng bé gái 12 tháng tuổi theo tiêu chuẩn của thường nhỏ hơn so với bé trai. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cân nặng bé gái 12 tháng tuổi bình thường là 8,9 kg. Bé gái 12 tháng tuổi có cân nặng dưới 7,9 kg được coi là có nguy cơ suy dinh dưỡng và dưới 7,1 kg gọi là suy dinh dưỡng. Ngược lại, cân nặng bé gái 12 tháng tuổi trên 10,2 kg là có nguy cơ béo phì và lớn hơn 11,3 kg được coi là béo phì. Chiều cao của bé gái 12 tháng tuổi bình thường là 74 cm, trong đó giới hạn dưới là 68,9 cm và giới hạn trên là 79,2 cm.
Giấc ngủ của bé 12 tháng tuổi
Bé 12 tháng tuổi thường ngủ vào ban ngày ít hơn và ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Hầu hết các trẻ em ở độ tuổi này vẫn cần có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa, sau khi đã được ăn hoặc bú no.
Khả năng vận động của bé 12 tháng tuổi
Sau 8 tháng, trẻ có thể biết bò và từ ngồi. Sau khi đã bò và ngồi khá vững vàng, trẻ sẽ tập bám vào vật gì đó để đứng dậy. Khi đến giai đoạn 12 tháng tuổi, bé có thể biết tự đứng vững, thậm chí một số bé còn chập chững bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Ngoài ra, bé khi được 1 tuổi còn có thể làm một số việc khá thành thục như cầm nắm, bóc thức ăn, lật các trang của cuốn truyện, bấm nút để cho món đồ chơi chuyển động hay phát ra tiếng nhạc.
Khả năng nói của bé 12 tháng tuổi
Bé 12 tháng tuổi đã nhận biết rõ ràng về người quen và người lạ. Bé ở giai đoạn có thể bập bẹ những tiếng nói đầu tiên như “ba”, “mẹ” mặc dù phát âm không tròn vành rõ chữ lắm. Đồng thời, bé 12 tháng tuổi đã có thể diễn đạt được phần nào ý nghĩ và nhu cầu của mình thông qua các cử chỉ lắc đầu, rùng mình, vươn tay hoặc tỏ ra căng thẳng, thậm chí khóc khi không có cha mẹ hoặc người thường chăm nom trẻ ở gần bên.
2. Cách chăm sóc bé 12 tháng tuổi
Tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ. Các bậc cha mẹ cần biết bé 12 tháng ăn được gì và cách chăm sóc trẻ phù hợp với độ tuổi để tăng cường dinh dưỡng và phát triển khoẻ mạnh.
Dinh dưỡng cho bé 12 tháng tuổi
Dinh dưỡng là điều rất quan trọng và luôn giữ vị trí ưu tiên hàng đầu đối với sự phát triển của bé. Bé 12 tháng tuổi đã biết bò và bước vào giai đoạn tập bước đi chập chững nên bé sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với lúc trước, khoảng từ 800 đến 1000 calo/ngày. Do đó, nếu bé còn đang bú sữa mẹ, nên cho bé bú ít nhất 3 lần trong ngày xen kẽ vào 3 bữa ăn chính.
- Trong mỗi bữa ăn của trẻ cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm sau: Chất đường bột như cháo, bột; 2 đến 3 muỗng canh chất đạm băm nhuyễn như trứng, thịt, cá, tôm, cua (nếu nấu cháo bằng nước hầm xương, hãy cho bé ăn cả phần thịt hầm vì chứa nhiều chất đạm); 2 muỗng rau lá hoặc củ đã băm nhuyễn như bí đỏ, cà rốt, rau muống, rau dền; 1 đến 2 muỗng dầu ăn trẻ em.
- Ngoài cháo và bột, các phụ huynh có thể cho bé nếm thử các loại thức ăn mềm như bún, nui, phở, mì,... sau khi đã được cắt thành sợi nhỏ. Tuỳ vào khả năng nhai nuốt của bé và mức độ hứng thú, cha mẹ có thể cho bé tập làm quen với các thức ăn dạng đặc.
- Nên cho trẻ ăn sữa chua, trái cây, váng sữa, phô mai vào các bữa phụ để bổ sung vitamin và khoáng chất cũng như bổ sung lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hoá của bé.
- Các món ăn cần thường xuyên đổi mới, chế biến đa dạng, nhiều màu sắc và trình bày đẹp mắt để thu hút sự chú ý của trẻ.
- Khuyến khích bé tự ăn, giúp bé có thể cầm nắm và kiểm soát đồ vật. Như vậy bé có thể phát triển kỹ năng vận động chính xác và kỹ năng phối hợp động tác.
- Hạn chế cho trẻ ăn vặt, ăn thức ăn nhanh nhất là vào các thời điểm gần bữa ăn chính.
- Không nên kéo dài thời gian của bữa ăn quá lâu
- Tạo không khí thoải mái, vui vẻ và khen ngợi động viên trẻ ăn.
- Không thúc ép hay doạ nạt trẻ ăn vì như vậy sẽ tạo tâm lý căng thẳng và chán nản khi tới bữa ăn.
Sữa mẹ và sữa bột là hai nguồn chính cung cấp dinh dưỡng phong phú cho bé trong năm đầu đời. Khi đến 1 tuổi, kỹ năng tự ăn của bé sẽ cải thiện dần và sự gắn bó giữa bé với bình sữa hay vú mẹ cũng thay đổi.
- Nếu bé uống sữa bột, cha mẹ có thể chuyển sang loại sữa dành cho trẻ 1 tuổi vì loại sữa này có chứa nhiều thành phần chất béo cân bằng lành mạnh – bao gồm ARA (axit arachidonic) và DHA (axit docosahexaenoic) – vốn không có trong sữa bò.
- Cần biết bé đã sẵn sàng để cai bú bình hay chưa. Phần lớn bé 12 tháng tuổi sẽ cai bú bình. Cai bú bình cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tai giữa và giảm khả năng bị sâu răng (đặc biệt với những trẻ bú bình khi ngủ).
- Kết hợp cai bú bình và cho bé làm quen việc uống sữa bằng ly, cốc.
Dành thời gian cho bé
Việc chăm sóc nuôi dạy bé ở giai đoạn 12 tháng tuổi trở đi là cả một nghệ thuật. Thay vì bồng bế bé thường xuyên, cha mẹ cần tạo môi trường an toàn để bé tự do vận động, chạy nhảy dưới sự theo dõi sát. Để giúp bé phát triển toàn diện, cha mẹ nên quan tâm, dành nhiều thời gian bên cạnh bé để trò chuyện và vui chơi cùng bé. Khi được 12 tháng tuổi là khoảng thời gian cho bé học hỏi và làm theo. Bé ở giai đoạn này sẽ học từ khẩu hình miệng, giọng nói và cử chỉ của người lớn. Do đó, các phụ huynh cần dạy bé những điều tốt để hình thành thói quen tốt cho bé sau này.
Chích ngừa cho bé 12 tháng tuổi
Một số mũi tiêm ngừa mà bé 1 tuổi cần có bao gồm:
- Tiêm ngừa cúm
- Tiêm ngừa viêm gan siêu vi B
- Tiêm ngừa bệnh thủy đậu
- Tiêm ngừa viêm não Nhật Bản
- Tiêm nhắc lại vacxin DTaP (phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván)
- Tiêm ngừa vacxin Synflorix để phòng ngừa bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não do phế cầu.
Những nguy cơ bé 12 tháng tuổi có thể gặp
Khi bé 12 tháng tuổi đã có khả năng đi đứng, cầm nắm. Bé trở nên hiếu động hơn đồng nghĩa với việc bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Những nguy cơ mà cha mẹ cần lưu ý như :
- Nguy cơ mắc bệnh: Do hệ thống miễn dịch của bé chưa hoàn chỉnh, bé 1 tuổi khi đi nhà trẻ và tiếp xúc môi trường mới, khiến bé dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, sốt, viêm họng, viêm phổi; nhiễm trùng đường tiêu hóa như tiêu chảy,... Do vậy, bé cần được chích ngừa đúng lịch, tắm nước ấm mỗi ngày một lần, vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng khăn ướt và thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho bé.
- Nguy cơ chấn thương: Bé chạy nhảy dễ bị té ngã, đụng vào điện; nước nóng, hoặc cho vật lạ vào miệng,... Cha mẹ nên theo dõi sát bé, dọn dẹp xung quanh khu vực trẻ chơi để tránh nguy cơ chấn thương.
- Nguy cơ suy dinh dưỡng: Đa số bé ở giai đoạn 1 tuổi bị suy dinh dưỡng do ăn cơm trước khi răng hàm mọc đủ để nhai cơm. Ngoài ra, bé hay mắc bệnh nên cũng dễ bỏ ăn, biếng ăn. Nếu mẹ không cho bé bú sữa đêm lúc này, bé cũng có thể bị suy dinh dưỡng.
- Nguy cơ béo phì: Bé dễ ăn, biết tự kiếm đồ ăn và chủ động đòi mẹ cho ăn thêm hoặc chế độ dinh dưỡng quá dư thừa khiến bé tăng cân quá mức, đối mặt với nguy cơ béo phì.
Những vấn đề cần lưu ý đối với bé 12 tháng tuổi
Mỗi bé đều phát triển theo một tốc độ riêng. Tuy nhiên, một số dấu hiệu bất thường mà cha mẹ cần lưu ý như:
- Bé không bập bẹ
- Bé thờ ơ không quan tâm tới mọi thứ xung quanh
- Bé không thể dùng ngón tay để chỉ vào đồ vật
- Bé tập đi nhưng bước đi khập khiễng, chân không đều
- Bé không biết bắt chước các hành động đơn giản, hạn như vỗ tay, vẫy tay tạm biệt
- Khi bé té luôn ngã về phía trước thay vì bé có hành động ngồi lùi
- Bé không thể tự bốc ăn hoặc không thể nhặt một vật nhỏ.
Nếu bé hơn 12 tháng tuổi có những dấu hiệu này, cha mẹ nên cho bé đi khám ngay để phát hiện và xử trí kịp thời.
Trường hợp trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
- Chóng mặt liên tục là triệu chứng của bệnh gì?
- Hậu quả của tình trạng táo bón ở trẻ
- Nguy cơ nhiễm trùng ở người cao tuổi bị bệnh viêm ruột