Mục lục
Chỉ số cân nặng và chiều cao là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh đang có con nhỏ. Các chỉ số này sẽ thay đổi theo từng độ tuổi và phản ánh chân thực nhất tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của bé. Rất nhiều cha mẹ băn khoăn về cân nặng của bé như bé 7 tháng 7kg có suy dinh dưỡng không, bé 7 tháng nặng bao nhiêu kg là chuẩn, bé 7 tháng nặng 6kg có sao không?
1. Suy dinh dưỡng trẻ em là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và do đó ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và phát trưởng của cơ thể. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm trẻ có độ tuổi từ 6 - 24 tháng. Đặc biệt hơn giai đoạn này là thời điểm trẻ có nhu cầu dinh dưỡng rất cao để phát triển, đang trong quá trình thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với các loại bệnh tật.
Trẻ suy dinh dưỡng là nhóm có nguy cơ rất cao mắc các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột. Nếu vừa suy dinh dưỡng vừa mắc phải các bệnh lý trên sẽ dẫn đến hậu quả trẻ chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần so với những trẻ cùng độ tuổi.
Suy dinh dưỡng là yếu tố thúc đẩy, khiến tất cả các cơ quan phát triển chậm lại, trong đó quan trọng nhất là hệ cơ xương vì điều này trực tiếp ảnh hưởng đến chiều cao và tầm vóc của trẻ. Bên cạnh đó, thiếu các dưỡng chất thiết yếu làm não bộ chậm phát triển, trẻ tỏ ra chậm chạp, khả năng học hỏi, tiếp thu, giao tiếp xã hội kém và hệ quả khi trẻ trưởng thành có khả năng làm việc thấp hơn những bé bình thường.
Việc điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bé. Từ đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp tại nhà hoặc tại bệnh viện.
Ở điều kiện bình thường, thay đổi chế độ dinh dưỡng là biện pháp điều trị cơ bản, phổ biến nhất cho tình trạng suy dinh dưỡng trẻ nhỏ. Trong đó bữa ăn của trẻ có thể cần gia tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu hoặc có thể bổ sung thêm thông qua các loại thuốc hoặc sản phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xem ngay: Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ
2. Bé 7 tháng 7kg có suy dinh dưỡng không?
Để biết được bé 7 tháng 7kg có suy dinh dưỡng không, các bậc phụ huynh cần nắm được bé 7 tháng nặng bao nhiêu kg là chuẩn nhất. Dựa vào bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của bé theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bé 7 tháng nặng bao nhiêu kg sẽ khác nhau ở từng giới tính:
- Cân nặng chuẩn của bé trai 7 tháng tuổi là 8,3kg. Trong khi đó nếu ở độ tuổi này, bé trai có cân nặng dưới 6,7kg được gọi là suy dinh dưỡng và bé được xếp vào nhóm có nguy cơ suy dinh dưỡng khi cân nặng của bé nhỏ hơn 7,4kg.
- Đối với bé gái, cân nặng bé 7 tháng chuẩn nhất là 7,6kg. Nếu ở độ tuổi này mà bé gái có cân nặng dưới 6,1kg được gọi là suy dinh dưỡng và bé có nguy cơ suy dinh dưỡng khi cân nặng nhỏ hơn 6,7kg.
Thông qua những số liệu trên chúng ta có thể giải đáp thắc mắc bé 7 tháng 7kg có suy dinh dưỡng không:
- Đối với bé trai 7 tháng nặng 7kg được xếp vào nhóm có nguy cơ suy dinh dưỡng;
- Đối với bé gái 7 tháng nặng 7kg khi so với tiêu chuẩn cân nặng theo tuổi của WHO được xếp vào nhóm bình thường, không có tình trạng suy dinh dưỡng;
- Trường hợp bé 7 tháng nặng 6kg dù là bé trai hay bé gái đều thuộc nhóm suy dinh dưỡng.
3. Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng
Bên cạnh tiêu chuẩn cân nặng theo tuổi, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ còn có thể có những biểu hiện như sau:
- Cân nặng của trẻ không tăng lên như dự kiến trong 3 tháng liên tiếp;
- Trẻ suy dinh dưỡng thường có những thay đổi trong hành vi như quấy khóc thường xuyên, không hoặc ít vui chơi, kém linh hoạt, cơ thể tỏ ra chậm chạp hơn hẳn trẻ cùng độ tuổi;
- Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần;
- Đặc biệt, dấu hiệu suy dinh dưỡng rõ ràng nhất là trẻ chậm đạt đến các cột mốc phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng;
- Một biểu hiện rất phổ biến hiện nay là tình trạng biếng ăn, ăn ít và thời gian ăn kéo dài của trẻ.
Do đó, nếu cha mẹ nhận thấy cân nặng bé không đạt chuẩn, trẻ không tăng cân 3 tháng liên tiếp hoặc có các biểu hiện trên thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn.
4. Biện pháp ngăn ngừa suy dinh dưỡng trẻ em
Để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến ở trẻ nhỏ, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ngay sau sinh và nên kéo dài đến khi trẻ 18 – 24 tháng. Trường hợp mẹ không có đủ lượng sữa thì cần thay thế bằng các loại sữa phù hợp khác;
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ tăng cân và khỏe mạnh: Cho trẻ ăn dặm bổ sung khi được 6 tháng tuổi, bữa ăn cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Lưu ý cha mẹ nên lựa chọn những thực phẩm tươi mới, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, nấu thức ăn chín kỹ để phòng tránh các bệnh đường ruột do giun, sán gây ra;
- Theo dõi biểu đồ tăng trưởng theo độ tuổi hàng tháng để phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ;
- Không lạm dụng kháng sinh cho trẻ, chỉ dùng kháng sinh đủ liều và thời gian theo hướng dẫn đồng thời chăm sóc dinh dưỡng đúng cách khi trẻ bệnh bệnh. Tiêm ngừa đầy đủ vắc xin và tẩy giun sán định kỳ cho trẻ theo lịch.
Dựa vào bảng bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của bé theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các bậc cha mẹ có thể biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không. Từ cơ sở sở đó, cha mẹ có thể đánh giá và xây dựng chế độ chăm sóc cho trẻ phù hợp để trẻ có thể phát triển toàn diện và luôn khỏe mạnh. Đặc biệt đây cũng là khoảng thời gian trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, nếu trẻ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thì cha mẹ có thể bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để cơ trẻ dễ hấp thu hơn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ cần được bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và hạn chế mắc các bệnh lý đường tiêu hóa.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
- Điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng: Không vội vã
- Trẻ 8 tháng nặng 7kg có phải suy dinh dưỡng không?