Mục lục
Trẻ 19 tháng tuổi thường đã có ít nhất 16 răng sữa. Lúc này, nhiều phụ huynh thắc mắc liệu bé 19 tháng ăn cơm được chưa? Chế độ ăn cho trẻ 19 tháng tuổi như thế nào? Dưới đây là một số thông tin hữu ích giúp cha mẹ chăm sóc dinh dưỡng cho bé 19 tháng tuổi đúng cách nhất.
1. Bé 19 tháng ăn cơm được chưa?
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn thô, việc tập cho trẻ ăn cơm chưa bao giờ dễ dàng với cả mẹ và bé. Nếu gia đình chọn sai thời điểm dạy trẻ tập ăn, cho ăn quá sớm hay quá muộn đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Cụ thể, khi bé chưa mọc đủ răng để nhai và nghiền thức ăn, nếu ăn cơm ngay sẽ gây tổn thương hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Ngược lại nếu tập ăn cơm quá muộn, trẻ sẽ khó thích nghi với việc dùng hàm nhai thức ăn, thậm chí biếng ăn khiến cha mẹ vất vả hơn trong quá trình tập nết ăn cho bé.
Theo các chuyên gia Nhi khoa, trẻ 19 tháng tuổi thường đã có ít nhất 16 răng sữa nên đã có thể làm quen với cơm nát tán nhuyễn. Sau 24 tháng tuổi, trẻ đã có khoảng 20 răng và bước vào giai đoạn ăn cháo, lúc này con đã có thể nhai cắn và nghiền nát thức ăn mềm. Sau 30 tháng tuổi, bé đã có thể ăn cơm bình thường nhưng cha mẹ nên ưu tiên các loại thức ăn mềm, dễ nhai nuốt hoặc băm nhỏ giúp bé dễ hấp thu hơn.
Khi cha mẹ chọn đúng thời điểm để tập ăn cho trẻ, trẻ sẽ hào hứng với việc ăn uống và thỏa sức khám phá các mùi vị khác nhau. Nhìn chung, trong độ tuổi 18 đến 24 tháng, bé đã có thể ăn 3 bữa chính mỗi ngày với cơm nhão và cháo đặc.
2. Tập chế độ ăn cho trẻ 19 tháng tuổi
Thông thường trẻ sẽ trải qua các giai đoạn tập ăn gồm: ăn bột, ăn cháo nhuyễn, ăn cháo đặc, ăn cơm nhão (cơm nát), ăn cơm hạt bình thường. Như vậy, cũng như giai đoạn ăn dặm cần bắt đầu từ cháo loãng, mẹ nên cho bé làm quen với cơm nát trước khi ăn cơm thường để bé thích nghi dần dần.
Khi mới tập ăn, cha mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều, thay vào đó nên cho bé ăn từng chút một và tăng dần tần suất ăn. Để tạo thói quen ăn uống tốt, mỗi bữa chỉ nên kéo dài trong 30 phút. Nếu bé ngậm thức ăn hoặc không hứng thú với đồ ăn thì cũng không nên ép buộc bé phải ăn để đạt số cân nặng như ý.
Các bậc cha mẹ nên ghi nhớ, quan trọng nhất là tạo niềm vui để bé thích ăn, hào hứng khi ăn. Khi con thích thú với việc ăn, con sẽ hợp tác và vấn đề ăn uống từ đó trở lên dễ dàng hơn.
3. Những lưu ý khi cho trẻ 19 tháng tuổi ăn cơm
Dưới đây là một số lưu ý hỗ trợ cha mẹ tập cho trẻ 19 tháng tuổi ăn cơm:
- Trước các bữa ăn, không cho trẻ ăn vặt (bánh kẹo, uống sữa, đồ ăn ngọt...). Các món này thường tạo cảm giác no giả khiến trẻ không muốn ăn cơm hay các thức ăn khác.
- Cần chú ý dinh dưỡng cho bé 19 tháng tuổi khi chuẩn bị thức ăn. Cụ thể, mỗi bữa ăn nên có đủ tinh bột (cơm, bún, miến), chất đạm (cá, thịt, trứng, tôm, cua, đậu phụ...) và chất xơ (hoa quả, rau xanh...). Giai đoạn này bé cũng rất hứng thú với các món ăn mới, vì vậy mẹ cũng nên thường xuyên thay đổi thực phẩm, cách chế biến để tạo cảm giác mới lạ, ngon miệng.
- Để trẻ nhai dễ dàng hơn, nên hầm hoặc băm nhỏ, nấu mềm đồ ăn của trẻ. Hạn chế dùng máy xay vì sẽ khiến thức ăn bị nát, vụn, trẻ sẽ không được thưởng thức đúng hương vị món ăn và mất phản xạ nhai mà gia đình đang cố luyện tập.
- Hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn không lành mạnh như: nước ngọt, bánh ngọt, gà rán....thay vào đó nên tăng cường các thực phẩm tốt cho sức khỏe, đa dạng và đầy đủ dưỡng chất.
Ngoài ra, thời điểm này bé cũng cần được bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Để có thêm kiến thức về dinh dưỡng cho bé 19 tháng tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website (vinmec.com) và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu khi cần tư vấn về chế độ ăn, cách chăm sóc trẻ nhé.
- Có nhất thiết phải dùng bột ăn dặm cho trẻ?
- Cách kiểm tra phân của trẻ sơ sinh để chẩn đoán bệnh
- Lưu ý khi dùng sữa cho trẻ sinh non nhẹ cân