Mục lục
Bé 15 tháng tuổi đã có thể biết ăn thức ăn đặc một cách hoàn chỉnh và hoàn thiện các kỹ năng vận động tối thiểu. Hơn nữa, đứa con nhỏ bây giờ còn là một phụ tá tuyệt vời với những việc đơn giản trong gia đình. Song song đó, việc theo dõi tăng trưởng của bé vẫn là điều cần thiết. Vì vậy, cha mẹ cần biết trẻ 15 tháng cao bao nhiêu để đánh giá sự phát triển cho con có phù hợp hay không.
1. Bé 15 tháng cao bao nhiêu?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cân nặng trung bình của trẻ 15 tháng tuổi là 10.4 kg (23 pounds) đối với bé gái và 11.1 kg (24.5 pounds) đối với bé trai. Tuy nhiên, bên cạnh cân nặng, cha mẹ cũng cần biết trẻ 15 tháng tuổi cao bao nhiêu để có được sự đánh giá tăng trưởng cho trẻ toàn diện. Theo đó, chiều cao trung bình của trẻ 15 tháng tuổi là 77.5cm (30,5 inch) đối với trẻ em gái và 79.5cm (31,2 inch) đối với trẻ em trai. Vì vậy, bé 15 tháng cao 75cm có thể được xem là hơi thấp so với mức chỉ số chiều cao cần đạt được tại lứa tuổi này.
Khi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại mốc tuổi này, bác sĩ có thể sẽ hỏi những cột mốc nhất định về sự tăng trưởng của trẻ 15 tháng tuổi đang đạt được, để biết trẻ đang phát triển như thế nào. Ở độ tuổi này, nếu cha mẹ có bất kỳ lo lắng nào về sự phát triển của con mình, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hay các chuyên gia dinh dưỡng về trẻ em để được tư vấn phù hợp.
2. Những phát triển thể chất khác của trẻ 15 tháng
Bên cạnh thắc mắc trẻ 15 tháng cao bao nhiêu thì các vấn đề về sự phát triển thể chất cũng cần được quan tâm. Dưới đây là những sự phát triển thể chất khác của trẻ 15 tháng cần đạt được:
- Đi lại: Trẻ có thể tự mình đi được vững vàng ít nhất một vài bước. Khoảng một nửa số trẻ 15 tháng tuổi có thể đi lại thành thạo. Một số thậm chí đang học chạy nhảy hoặc bắt đầu học cách đi lùi.
- Tập nói: Hầu hết trẻ 15 tháng tuổi đều nói được ít nhất một từ. Một nửa có thể nói ít nhất hai từ. Hơn nữa, vốn từ vựng của trẻ về mọi vật xung quanh đang ngày càng tăng dần. Nếu trẻ chưa nói được, cha mẹ cần nói chuyện với trẻ nhiều hơn và yêu cầu trẻ lặp lại những từ mới nghe được, dần dần sẽ hình thành thói quen ghi nhớ ngôn ngữ cho trẻ.
- Mọc răng: Những chiếc răng hàm đầu tiên có thể đang bắt đầu mọc. Đối với một số trẻ em, việc răng sữa nhú lên có thể gây đau đớn và khó chịu. Trẻ có thể quấy khóc, chảy nước bọt thường xuyên và bỏ ăn. Tuy nhiên, đây là những triệu chứng bình thường của trẻ trong giai đoạn này. Cha mẹ có thể làm dịu cơn đau cho trẻ bằng cách cho ăn thức ăn mềm hay mát lạnh.
Nhận biết chức năng các đồ vật. Trẻ đang bắt đầu hiểu những đồ vật hàng ngày được sử dụng để làm gì chẳng hạn như một cái chổi để quét và một cái thìa dùng để múc ăn. Một số trẻ 15 tháng tuổi có thể nhận biết và chỉ vào một số bộ phận cơ thể khi cha mẹ yêu cầu.
3. Giấc ngủ cho trẻ 15 tháng tuổi
Cha mẹ có thể nhận thấy rằng đứa trẻ 15 tháng tuổi của mình đã khá ổn định với thói quen ngủ hàng ngày, mặc dù việc mọc răng, thỉnh thoảng ốm đau và ham muốn thức để chơi cả ngày của bé đôi khi có thể ảnh hưởng thói quen này.
Trẻ từ 1 - 2 tuổi nên ngủ tổng cộng 11 - 14 giờ trong một ngày. Ngoài ra, trẻ 15 tháng tuổi bắt đầu gặp ác mộng là điều bình thường và ở tuổi này, trẻ không thể phân biệt được đâu là mơ và đâu là thực. Điều đó có thể dẫn đến một số tình trạng thức đêm khá nghiêm trọng. Nếu đứa trẻ 15 tháng tuổi đang ngủ ngon lành và đột nhiên gặp ác mộng, có lẽ cha mẹ sẽ phải làm một số biện pháp trấn an lúc nửa đêm. Nhắc nhở trẻ rằng những giấc mơ của con không có thật nhưng hãy biết rằng sẽ mất một thời gian trước khi con thực sự hiểu được sự khác biệt.
Ngoài những giấc mơ gây ám ảnh, còn có những lý do khác khiến trẻ không muốn đi ngủ, đó là trẻ không muốn bỏ lỡ một điều gì đó. Vì vậy, cha mẹ cần luôn cố gắng giải quyết mọi việc trước khi đi ngủ, như tắt TV, nhạc, các thiết bị điện tử, đọc những câu chuyện êm dịu và giữ mọi thứ nhất quán. Nếu cha mẹ thường đọc 2 cuốn sách trước khi đi ngủ, hãy gắn bó với 2 cuốn. Nếu một đêm cha mẹ đọc 5 cuốn sách, trẻ có thể cố thuyết phục người lớn làm điều đó mỗi đêm, ngay cả khi điều này khiến giờ đi ngủ muộn hơn.
4. Thức ăn cho trẻ 15 tháng tuổi
Dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng và chiều cao của trẻ. Cha mẹ có thể nhận thấy rằng, đứa trẻ 15 tháng tuổi dường như không phải lúc nào cũng hứng thú với việc ăn một bữa ăn lớn hoặc ngày càng kén chọn những loại thức ăn mà chúng ăn. Đó là điều hoàn toàn bình thường ở tuổi này.
Tuy vậy, cha mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ 15 tháng tuổi ăn ba bữa chính và hai bữa phụ mỗi ngày với nhiều loại thực phẩm hàng ngày trong tất cả các nhóm thực phẩm (rau, trái cây, ngũ cốc, protein và sữa).
Các bác sĩ dinh dưỡng cho biết hầu hết trẻ mới biết đi cần khoảng 1.000 calo mỗi ngày hoặc khoảng 40 calo cho mỗi inch chiều cao của chúng. Nhưng điều này áp dụng trong thực tế là chuẩn bị cho trẻ một khẩu phần ăn bằng 1/4 khẩu phần người lớn. Sau đó, để trẻ chọn lượng thức ăn thêm tùy theo sự thèm ăn của mình.
Ngoài ra, hãy biến giờ ăn thành một sự kiện khi có thể, việc dùng bữa thường xuyên cùng nhau trong gia đình có thể giúp khuyến khích trẻ thử các loại thức ăn khác nhau, đồng thời biết cách giao lưu, học cách cư xử trên bàn và thực hành thói quen ăn uống lành mạnh.
5. Các hoạt động cần xây dựng cho trẻ 15 tháng tuổi
Trẻ 15 tháng tuổi đã biết hoạt động một cách linh hoạt. Theo đó, có rất nhiều hoạt động thú vị để cha mẹ có thể làm cùng trẻ nhằm tạo ra thời gian gắn bó chất lượng và giúp ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Các hoạt động vui chơi, trò chơi và đồ chơi cho trẻ 15 tháng tuổi là:
- Chơi bóng: Đây là độ tuổi hoàn hảo để đá, lăn và ném bóng cùng nhau.
- Tô màu bằng bút màu: Một nửa số trẻ 15 tháng tuổi có thể viết nguệch ngoạc bằng bút chì màu. Cha mẹ cần cung cấp cho trẻ hộp bút nhiều màu sắc để trẻ thể hiện những suy nghĩ của mình.
- Kể chuyện: Trẻ có thể đang học cách lật các trang trong những cuốn sách yêu thích của mình và chỉ vào những bức tranh khi cha mẹ yêu cầu con xác định các đồ vật trong đó.
- Chuẩn bị bữa ăn:Đây là hoạt động tuyệt vời để nâng cao chất lượng bữa ăn cũng như cải thiện chứng biếng ăn cho trẻ bị suy dinh dưỡng. Cha mẹ nên cho trẻ tham gia vào toàn bộ quá trình chuẩn bị bữa ăn, từ lựa chọn thực phẩm yêu thích cho đến lúc trình bày trên bàn, sẽ giúp trẻ thưởng thức thành quả của mình một cách thích thú hơn.
Tóm lại, bé 15 tháng tuổi cao bao nhiêu hay phát triển như thế nào là điều mong chờ của hầu hết cha mẹ qua từng tháng. Biết được biểu đồ tăng trưởng bình thường của trẻ nhỏ theo từng mốc thời gian sẽ giúp việc theo dõi sự phát triển thế chất của con tại nhà tốt hơn. Cha mẹ cũng cần chú ý vào chế độ dinh dưỡng và các hoạt động thể chất để xây dựng nền tảng phát triển tốt cho con trong năm thứ hai của cuộc đời.
Để bé phát triển tốt hơn, bé cũng nên được bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Biểu đồ tăng trưởng và cân nặng trung bình cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi
- Cơ thể thiếu protein gây bệnh gì?
- Mật độ năng lượng là gì?