Mục lục
Chiều cao của trẻ được đo từ đỉnh đầu đến cuối gót chân. Chiều cao của trẻ dưới 5 tuổi được đo khi trẻ ở trong tư thế nằm, vì thế nó còn được gọi là chiều dài. Chiều cao trung bình của trẻ trai 11 tháng tuổi là 74,5 cm trong khi bé gái cùng độ tuổi cao khoảng 73 cm. Vì vậy bé 11 tháng cao 70 cm là thấp hơn giá trị tham chiếu chuẩn.
1. Chiều cao trung bình theo tuổi
Chiều cao trung bình của một em bé đủ tháng là khoảng 50 cm, dao động từ 45,7 cm đến 60 cm. Các giá trị này được tham khảo từ Tổ chức Y tế Thế giới.
Vậy bé 11 tháng cao bao nhiêu?
Dựa trên số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, một bé trai 11 tháng tuổi cao khoảng 74,5 cm trong khi bé gái 11 tháng tuổi cao khoảng 73 cm. Giá trị trung bình tương ứng với chiều cao ở đường bách phân vị thứ 50 (giữa), nghĩa là có 50% trẻ cùng nhóm tuổi thấp hơn và 50% trẻ còn lại cao hơn giá trị này.
Tóm lại, bé 11 tháng cao 70 cm, dù bé trai hay gái cũng đều thấp hơn so với mức chiều cao chuẩn.
2. Sự phát triển của chiều cao trong năm đầu tiên
Trung bình, một trẻ sơ sinh tăng từ 1,5 đến 2,5 cm mỗi tháng từ lúc mới sinh đến khi được 6 tháng tuổi. Từ 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ sơ sinh phát triển trung bình thêm 1cm mỗi tháng.
Bác sĩ sẽ đo chiều cao và cân nặng trẻ khi khám định kỳ để đánh dấu sự phát triển của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn. Một đứa bé khỏe mạnh có thể phát triển vượt bậc hoặc phát triển chậm lại trong một số giai đoạn. Bé thường dễ quấy khóc trong giai đoạn tăng trưởng và muốn bú sữa mẹ nhiều hơn. Một đợt tăng trưởng có thể kéo dài đến một tuần tại một thời điểm.
Ví dụ, trẻ sơ sinh có xu hướng trải qua các giai đoạn tăng trưởng vượt bậc ở các độ tuổi sau:
- 10 đến 14 ngày
- 5 đến 6 tuần
- 3 tháng
- 4 tháng
3. Tại sao theo dõi chiều cao của trẻ lại quan trọng?
Bác sĩ nhi khoa của trẻ sẽ đo chiều cao của bé tại mỗi cuộc hẹn. Đây là một phép đo quan trọng, nhưng bác sĩ sẽ còn quan tâm liệu trẻ có tăng cân đều đặn mỗi tháng hay không.
Trẻ sơ sinh nên tăng gấp đôi trọng lượng lúc sinh khi được 5 tháng tuổi và gấp ba trọng lượng lúc sinh sau một tuổi.
Hãy nhớ rằng, trẻ sơ sinh trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc trong năm đầu tiên. Các chỉ số phát triển từng tháng trên biểu đồ tăng trưởng không quan trọng bằng đường cong thể hiện xu hướng tổng thể.
Nếu trẻ không phát triển hoặc chậm lại trong năm đầu tiên, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ nội tiết có thể tiến hành xét nghiệm máu, chụp X-quang, và làm một số các xét nghiệm cận lâm sàng khác để xác định lý do tại sao em bé của bạn ngừng phát triển. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bác sĩ có thể muốn kiểm tra thêm để loại trừ hoặc phát hiện sớm một số bệnh lý như:
- Suy giáp
- Thiếu hụt hóc môn tăng trưởng
- Hội chứng Turner
Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị chỉ định dùng thuốc hoặc tiêm bổ sung hóc môn, nếu cần thiết trong từng trường hợp cụ thể.
4. Các loại thực phẩm giúp tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh
Một chế độ ăn giàu protein là điều cần thiết để đẩy nhanh chiều cao của trẻ, có tác dụng sửa chữa các mô và phát triển cơ bắp. Chất béo lành mạnh và cua cùng với các vi chất dinh dưỡng khác hỗ trợ trong việc quản lý cân nặng và chiều cao. Vì vậy, hãy cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh. Dưới đây là danh sách 5 thực phẩm mà bố mẹ nên đưa vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ:
- Trứng và gà: Protein là một trong những chất dinh dưỡng không thể thay thế bằng bất cứ thứ gì khác. Nó là thành phần cần thiết nhất, hỗ trợ hoạt động tốt với các chất dinh dưỡng khác để đảm bảo sự tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh. Protein có liên quan đến sự phát triển của các mô và sửa chữa các tế bào bị hư hỏng. Ngoài ra, nó đảm bảo sự phát triển của cơ và giúp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ có đủ năng lượng để hoạt động cả ngày. Bổ sung lòng trắng trứng và thịt gà trong bữa ăn hàng ngày có thể giúp con bạn phát triển chiều cao và khỏe mạnh.
- Rau xanh: Rau là lựa chọn lành mạnh nhất đối với sự phát triển của trẻ. Các loại rau xanh chứa nhiều sắt, magiê, vitamin K, vitamin B, vitamin A và các khoáng chất khác, cực kỳ có lợi cho việc tăng chiều cao trẻ sơ sinh. Cố gắng tập cho trẻ ăn các loại cải xanh, rau bina, súp lơ, cải xoăn, đậu, cà rốt, củ dền, cùng với các loại rau khác mà con bạn thích ăn. Đa dạng hóa các loại rau xanh có trong bữa ăn sẽ đảm bảo cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của cơ thể. Bên cạnh đó, vitamin A có trong rau xanh cần thiết cho sự tổng hợp protein và khi vitamin K thúc đẩy mật độ xương. Một bữa ăn đầy màu sắc với nhiều loại rau củ là một lựa chọn hợp lý để đẩy nhanh tốc độ phát triển chiều cao.
- Đậu nành: Đậu nành là thực phẩm thay thế tuyệt vời cho thịt gà và trứng, nếu theo chế độ ăn chay thì bạn hoàn toàn có thể cho trẻ ăn đậu nành, một nguồn protein thay thế. Protein đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của cơ thể, nó thúc đẩy sự phát triển của trẻ em.
- Các loại ngũ cốc: Ngũ cốc nguyên hạt, và đậu là nguồn cung cấp protein, sắt và vitamin B. Tất cả những chất dinh dưỡng này thúc đẩy sự phát triển chiều cao của trẻ và tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể. Nếu bạn muốn tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh, hãy bổ sung các loại hạt ngũ cốc và đậu nghiền nát vào chế độ ăn hàng ngày. Lựa chọn bánh mì nguyên cám, mì ống, ngũ cốc, v.v. để giúp trẻ đạt được chiều cao hoàn hảo.
- Trái cây: Tất cả các loại trái cây đều được coi là siêu thực phẩm vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trái cây theo mùa rất giàu khoáng chất và ít chất béo. Nó là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất cho cơ thể khi muốn tăng cường khả năng miễn dịch và cải thiện sự trao đổi chất.
- Sữa: Sữa thúc đẩy sự phát triển cơ nạc và giữ cho xương chắc khỏe. Nó cũng làm cho hệ thống miễn dịch của trẻ hoạt động tốt hơn. Sữa là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của con bạn, giúp đáp ứng nhu cầu hàng ngày về canxi, vitamin D và protein
Ngoài ra, trẻ 11 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Vì sao cần theo dõi tăng trưởng và phát triển ở trẻ?
- Làm thế nào để vui chơi và giữ trẻ an toàn trong mùa hè COVID-19?
- Cách giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe và ăn ngon