Mục lục
Nuôi dưỡng trẻ phát triển khỏe mạnh luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuỳ theo độ tuổi và giới tình của trẻ sẽ có mức tiêu chuẩn khác nhau. Cân nặng bé 10 tháng tuổi bao nhiêu là đạt tiêu chuẩn? Bé 10 tháng nặng 7kg có phải suy dinh dưỡng nặng hay không?
1. Bé 10 tháng tuổi nặng bao nhiêu cân?
Bước sang tháng thứ 10, tốc độ tăng cân và phát triển của trẻ đã không còn nhanh như 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên trẻ cũng cần đạt được mức tiêu chuẩn đã được các chuyên gia đưa ra. Theo bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì cân nặng chuẩn của bé 10 tháng như sau:
Tiêu chuẩn cân nặng của bé gái 10 tháng tuổi đó là:
- Suy dinh dưỡng: Nếu cân nặng dưới 6.8kg.
- Nguy cơ suy dinh dưỡng: Nếu cân nặng dưới 7.5kg.
- Bình thường: Cân nặng khoảng 8.5kg.
- Nguy cơ béo phì: Nếu cân nặng trên 9.6kg.
- Béo phì: Nếu cân nặng trên 10.7kg.
Tiêu chuẩn cân nặng của bé trai 10 tháng tuổi đó là:
- Suy dinh dưỡng: Nếu cân nặng dưới 7.5kg.
- Nguy cơ suy dinh dưỡng: Nếu cân nặng dưới 8.2kg.
- Bình thường: Cân nặng khoảng 9.2kg.
- Nguy cơ béo phì: Nếu cân nặng trên 10.3kg.
- Béo phì: Nếu cân nặng trên 11.2kg.
Như vậy nếu bé 10 tháng tuổi nặng 7kg và đó là bé gái thì bé đang có nguy cơ suy dinh dưỡng. Còn nếu đó là bé trai thì bé đang bị suy dinh dưỡng. Với cả hai trường hợp này bạn đều nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Trong quá trình chăm sóc trẻ 10 tháng tuổi, sẽ có những lúc bé bị ốm và có thể bị sụt cân, điều này là khá phổ biến và bạn không nên lo lắng quá mức. Nếu sau một thời gian, trẻ khỏi bệnh và tăng cân trở lại thì đây là điều hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ vẫn sụt cân không phanh thì bạn hãy cho bé đi khám ngay nhé.
2. Bé 10 tháng tuổi biết làm gì?
Sự phát triển vận động của bé 10 tháng tuổi:
- Bé 10 tháng tuổi có thể từ từ hạ mình xuống từ tư thế đứng và chuyển sang tư thế ngồi xổm.
- Trẻ 10 tháng có thể bò một cách thuần thục.
- Trẻ có thể đứng lên khi có sự giúp đỡ từ người lớn hay có chỗ vịn.
- Bé có thể chập chững bước những bước đi đầu tiên.
- Một số bé đã có thể lấy thức ăn và tự đút cho bản thân.
- Trẻ biết vẫy tay tạm biệt.
- Bé biết chỉ tay vào đồ vật mà bé cảm thấy hứng thú.
- Trẻ bắt đầu bập bẹ và bắt chước những từ mà người lớn nói.
- Trẻ có thể xếp đồ chơi, cốc hoặc bát.
Sự phát triển nhận thức của bé 10 tháng tuổi:
- Ở giai đoạn này, trẻ có hứng thú với âm nhạc, nhất là những giai điệu vui tươi, sôi động.
- Bé có thể nhìn thấy các màu sắc rất rõ ràng.
- Trẻ có thể hiểu các cụm từ hoặc từ ngữ đơn giản.
- Bé có thể phát âm các từ đơn giản như “ma” hoặc “ba”.
- Trẻ đã biết thu thập dữ liệu.
- Trẻ có những sở thích cụ thể về các món ăn.
- Trẻ 10 tháng tuổi bắt đầu thể hiện những đặc điểm, tính cách mới.
- Trẻ thể hiện sự tò mò và khám phá cách mọi thứ hoạt động.
- Trẻ dần biết liên kết ý nghĩa của hành động, ví dụ như nếu thấy bạn thay quần áo mới, mang giày, bé dần hiểu được rằng bạn sẽ ra ngoài.
Nếu một đứa trẻ 10 tháng tuổi vẫn chưa biết bò hoặc thậm chí không lật lẫy, và tỏ ra thờ ơ khi bạn trò chuyện hoặc không phản ứng trước âm thanh xảy ra đột ngột, bạn cần đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra. Các bác sĩ đánh giá xem bé có đang gặp phải tình trạng rối loạn phát triển nào không, nếu có thì bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp.
3. Trẻ 10 tháng tuổi nên ăn gì?
Điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ đó là mỗi trẻ sẽ có 1 sức ăn khác nhau. Mỗi ngày, bạn nên cho trẻ ăn 2 bữa ăn dặm bao gồm cháo cùng với từ 2 – 3 bữa ăn vặt với trái cây và sữa chua. Song song với đó là cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức bắt buộc 1 ngày khoảng 2 – 3 lần. Lượng sữa và lượng sức ăn cần cung cấp tùy theo thể trạng và mỗi bé.
Theo các chuyên gia nhi khoa, trước khi trẻ được 12 tháng tuổi thì sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé. Bên cạnh đó, bạn vẫn cần cho bé ăn dặm thêm bằng bột, cháo hoặc các loại thức ăn đã được hầm nhừ, tán mịn hay xay nhuyễn.
Khi được 10 tháng tuổi, hầu hết các bé đều có thể ăn được một số loại thực phẩm thô cứng như là: Bánh mì, trứng, cá, thịt băm, rau củ, trái cây, ngũ cốc,...
Tuy nhiên, bạn cần tránh hai loại thực phẩm đó là sữa bò và mật ong vì chúng có thể gây dị ứng cho trẻ hoặc có nguy cơ bị ngộ độc, trẻ có thể sử dụng 2 loại thực phẩm này khi lớn hơn 1 tuổi.
Khi được 10 tháng tuổi, bé có thể ăn các loại thực phẩm gồm có:
- Các loại trái cây như là: Bơ, lê, táo, chuối, dâu tây, dưa hấu, cam vàng, thanh long.
- Các loại rau củ như: Rau mồng tơi, rau lang, rau dền, rau cải, cải bó xôi... nấu nhừ. Đậu Hà Lan, khoai lang, khoai tây, bí đỏ... hấp chín nhừ; bông cải, súp lơ luộc hoặc hấp chín; hay cà rốt, củ cải hầm nhừ.
- Thịt: Bạn có thể cho bé 10 tháng tuổi ăn các loại thịt như thịt nạc heo, thịt bò, thịt gà, cá, tôm,... khi chúng đã được nấu chín mền, xay hoặc giã nhuyễn.
Ngoài ra, bạn có thể cho bé ăn thử các loại thức ăn khác như bún, mì, nui nấu mềm, cũng như sữa chua, phô mai được làm từ sữa đã tiệt trùng.
Bên cạnh đó có một số loại thực phẩm bạn không nên cho bé 10 tháng tuổi ăn đó là:
- Sữa bò
- Mật ong
- Quả ô liu
- Động vật có vỏ
- Lòng trắng trứng
- Bỏng ngô, các loại hạt
- Trái cây nguyên miếng
- Kẹo cứng, kẹo dẻo hay kẹo cao su.
- Những miếng thức ăn có kích thước lớn.
- Các món ăn tráng miệng chứa quá nhiều đường.
4. Bé 10 tháng tuổi biếng ăn phải làm gì?
Những đứa trẻ khi được 10 tháng tuổi thường xảy ra tình trạng biếng ăn, đây được xem là hiện tượng biếng ăn sinh lý và nhiều trẻ ở độ tuổi này cũng gặp tình trạng này. Do đó, bạn cần phải tìm nhiều cách để kích thích trẻ ăn nhanh, chóng lớn hơn.
Trong quá trình phát triển của trẻ, bạn cần phải cho bé ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết như: Tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Tăng cường cho trẻ ăn vặt những món ăn đặc biệt, trang trí lạ mắt từ các loại rau củ như: Bơ, chuối, táo, sữa chua.
Khi trẻ được 10 tháng tuổi, bạn hãy tập cho bé tự bốc ăn và vào các bữa ăn chính trong ngày hãy cho bé ngồi ăn chung với gia đình.
Ở độ tuổi này, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé, nên nếu bạn có thiếu sữa thì hãy bổ sung sữa công thức cho đủ dinh dưỡng nhé.
5. Chăm sóc trẻ 10 tháng tuổi cần lưu ý điều gì?
Bạn nên cho trẻ chơi những trò chơi giúp trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ như là chồng các khối màu, ném bóng nhỏ, nhảy theo giai điệu của các bài hát hoặc chơi trốn tìm,... Cần tránh cho bé chơi những đồ vật nhọn hoặc những vật nhỏ.
Nên cho trẻ đi ngủ sớm, không nên thức khuya. Việc trẻ thức khuya có thể làm quá trình tăng cân của bé khó khăn hơn.
Nên tập cho trẻ cách tự ăn từ bé để trẻ rèn luyện tính tự lập. Bạn cần chú ý vệ sinh tay cho bé trước bữa ăn và sau khi ăn và đảm bảo thức ăn cho bé đã được chế biến nấu chín kỹ, mềm, và có kích thước nhỏ phù hợp với trẻ.
Ngoài ra, bé 10 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Bé 10 tháng nặng 8-9kg có đạt chuẩn không?
- Lịch trình ăn, ngủ tham khảo cho trẻ 9-10 tháng tuổi
- Trẻ 10 tháng tuổi: Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng