Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Trẻ bắp chân to có lùn không là nỗi băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ, vì vậy họ luôn mong muốn tìm cách cải thiện kích thước bắp chân và chiều cao của trẻ. Nếu bắp chân to bất thường là do tích tụ mỡ, điều này có nghĩa là trẻ rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì, chế độ dinh dưỡng không phù hợp và ít vận động. Vậy có cách nào cải thiện tình trạng trẻ bắp chân to hay không?
1. Trẻ bắp chân to có lùn không?
Chiều cao của con người từ lâu đã trở thành chủ đề nghiên cứu sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khoa học vì dễ đo lường, tính ổn định tương đối ở tuổi trưởng thành và phân bố khá chuẩn. Theo các bằng chứng đã được xác định, chiều cao của người trưởng thành được xác định bởi đặc điểm gen và các yếu tố môi trường khác nhau. Ngoài yếu tố di truyền vốn không thể kiểm soát được, có vô số các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến chiều cao trong giai đoạn trẻ tăng trưởng không ngừng. Vì vậy, sự phát triển thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên có thể suy giảm, dẫn đến chiều cao của người trưởng thành cũng bị ảnh hưởng nếu các điều kiện môi trường bất lợi. Chính vì thế, hiểu được các yếu tố nào có ảnh hưởng đến chiều cao và tập trung vào sẽ giúp phát triển chiều cao cho trẻ mau chóng hơn.
1.1.Di truyền
Di truyền là yếu tố chính quyết định chiều cao của một người. Có hơn 700 gen khác nhau đã được tìm thấy để xác định chiều cao của trẻ ngay từ khi sinh ra.
Một số gen ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng trong khi những gen khác kiểm soát các mảng tăng trưởng khác nhau. Một đứa trẻ có bố mẹ cao có khả năng đạt được chiều cao lý tưởng một cách tự nhiên, trong khi nếu có bố mẹ thấp sẽ phải nỗ lực về các yếu tố khác để có thể cao lớn hơn tầm vóc trung bình.
1.2. Giới tính
Chiều cao trên biểu đồ tăng trưởng của trẻ cũng phụ thuộc vào việc trẻ là con trai hay con gái. Theo đó, con trai luôn có xu hướng cao hơn con gái. Chênh lệch chiều cao trung bình giữa trẻ em trai và trẻ em gái là 14 cm. Bên cạnh đó, các bé trai cũng có thời gian phát triển dài hơn các bé gái cho đến hết tuổi trưởng thành.
1.3.Nội tiết tố
Cơ thể sản xuất một số hormone kích thích phát triển để tạo ra xương. Trong đó, hormone tăng trưởng của con người là hormone quan trọng nhất cho sự phát triển. Việc thiếu hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng xấu đến tiềm năng phát triển chiều cao cuối cùng của người trưởng thành.
Một số tình trạng sức khỏe có thể hạn chế lượng hormone tăng trưởng trong cơ thể trẻ. Ngoài ra, một số trẻ em chậm phát triển so với những đứa trẻ khác do một tình trạng di truyền hiếm gặp được gọi là thiếu hụt hormone tăng trưởng bẩm sinh. Bên cạnh đó, tuyến giáp cũng sản xuất các hormone ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể. Hơn nữa, các hormone sinh dục như estrogen và testosterone cũng đóng một vai trò rất lớn đối với sự phát triển của thanh thiếu niên trong giai đoạn dậy thì.
1.4. Dinh dưỡng
Trong tất cả các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao, dinh dưỡng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Trẻ em và thanh thiếu niên nếu không có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ không cao bằng những trẻ có đủ chế độ dinh dưỡng. Điều này là do các chất dinh dưỡng khác nhau giúp cơ thể theo những cách khác nhau. Vì vậy, cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn một chế độ cân bằng bao gồm tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển chiều cao (protein, carbohydrate, vitamin và khoáng chất). Trong đó, protein và canxi đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xương và sức khỏe của xương có nhiều trong sữa, gia cầm, thịt, trứng, đồ biển, các loại đậu và hạt.
1.5. Tập luyện
Tập thể dục hoặc thể thao có thể cải thiện chiều cao của trẻ thông qua tác động kích thích sản xuất hormone tăng trưởng, góp phần trực tiếp vào sự phát triển của xương và cơ. Các môn thể thao và tập thể dục giúp lưu thông máu tốt hơn, do đó cung cấp nhiều hormone tăng trưởng hơn cho tất cả các bộ phận của cơ thể.
Hơn nữa, tập thể dục hoặc chơi thể thao thường xuyên cũng giúp kéo dài cơ thể của trẻ. Điều này tạo điều kiện để cấu trúc tốt hơn cho cột sống và chân, cho phép trẻ phát triển chiều cao bằng chiều cao được dự đoán theo di truyền.
1.6. Giấc ngủ
Giấc ngủ ở trẻ nhỏ rất quan trọng vì cho phép cơ thể có thời gian để nghỉ ngơi và hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều hơn khi trẻ ngủ sâu so với khi thức.
Hơn nữa, khi trẻ đang ngủ, cơ thể có thể chữa lành và phục hồi sau bất kỳ chấn thương nào, do đó thúc đẩy sự phát triển tối ưu không chỉ ở xương và cơ mà còn cả sức khỏe và thể trạng tổng thể.
Như vậy, sự phát triển chiều cao của trẻ phần lớn do gen kiểm soát. Mặc dù vậy, có những yếu tố môi trường như dinh dưỡng, tập thể dục, giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến việc tăng chiều cao trong những năm trẻ đang phát triển. Do đó, bắp chân trẻ to không phải là một yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Nếu bắp chân to bất thường là do sự tương quan giữa khối lượng cơ – mỡ ở bắp chân và chiều dài xương đùi. Khi trẻ có chiều cao hạn chế so với tuổi (thể hiện bằng chiều dài xương đùi) và cân nặng nhiều hơn cân nặng tiêu chuẩn và nhiều hơn chiều cao thực tế thì sẽ cho thấy hình ảnh bắp chân to. Điều này có nghĩa là trẻ rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, ít vận động và có khả năng trẻ chậm tăng trưởng chiều cao. Lúc này, bắp chân to có bị lùn không trở thành một điều dễ giải thích.
2. Bắp chân to và cách khắc phục
Sở hữu thân hình cân đối và chiều cao lý tưởng có thể do gen di truyền hoặc không nhưng bắp chân săn chắc và khỏe mạnh là điều hoàn toàn có thể đạt được. Trong một số trường hợp, những đứa trẻ có mỡ thừa ở đùi và bắp chân là dấu hiệu của tình trạng thừa cân béo phì. Tuy nhiên, mục tiêu khắc phục bắp chân to ở trẻ là hoàn toàn có thể đạt được nếu tuân thủ các cách sau đây:
Bước 1 - Cho trẻ ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả
Lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như quả mọng, gạo lứt và bông cải xanh lên đĩa sẽ giúp trẻ thỏa mãn cơn đói mà không khiến trẻ tăng mỡ thừa vì chúng ít calo nhưng lại giàu chất xơ làm no bụng.
Các cách khác để ăn và uống ít calo hơn là cho trẻ uống sữa ít béo thay vì sữa nguyên chất, bỏ qua đồ uống có soda và chỉ cho phép trẻ dùng đồ ăn có đường cho những dịp thật sự đặc biệt.
Bước 2 - Khuyến khích trẻ tham gia vào các sở thích tích cực
Trẻ không thể chỉ giảm cân ở bắp chân mà nên được vận động giảm mỡ toàn thân để làm thon gọn những vùng quan tâm như bắp chân to.
Theo các tổ chức sức khỏe trẻ em, trẻ thường cần khoảng 60 phút vận động mỗi ngày để có cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, cha mẹ có thể chia hoạt động thành các buổi nhỏ hơn, chẳng hạn như 20 phút chạy bộ, 20 phút chơi đá bóng hoặc nhảy dây và 20 phút nhảy theo điệu nhạc yêu thích.
Bước 3 - Động viên trẻ tham gia một khóa học rèn luyện sức mạnh thể chất
Vận động cơ bắp sẽ làm tăng lượng calo mà cơ thể đốt cháy hàng ngày, có nghĩa là sẽ giúp trẻ giảm cân nhanh hơn. Theo đó, các lớp học dành riêng cho trẻ em để tăng sức mạnh cơ bắp như học bơi lội, chạy bộ, đá banh, học võ... cần được tạo điều kiện cho trẻ tham gia.
Bước 4 - Thực hiện các bài tập nhắm mục tiêu vào bắp chân
Squats là một ví dụ về các bài tập thon gọn chân tập trung vào việc làm cho bắp chân và cơ đùi khỏe mạnh hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đứng với chân hơi xa nhau so với hông, đặt hai bàn tay vào hai bên hông và hơi xoay ngón chân ra ngoài. Từ từ cúi xuống giống như đang ngồi xuống một chiếc ghế phía sau và dừng lại. Đứng lên và lặp lại 10 đến 15 lần nữa trong mỗi lần tập. Ngoài ra, việc khuyến khích trẻ đi xe đạp trong các khoảng cách gần như tự đi quanh khu phố, đi học cũng là cách hiệu quả để cải thiện bắp chân to.
Tóm lại, là cha mẹ ai cũng luôn muốn điều tốt nhất cho con mình. Một chiều cao lý tưởng cũng không ngoại lệ. Những đứa trẻ cao và khỏe luôn được coi là hiện thân của một sức khỏe tốt. Cha mẹ cũng nên ngừng lo lắng bắp chân to bất thường ở trẻ vì đặc điểm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Thay vào đó, tập trung vào các yếu tố khác như dinh dưỡng, luyện tập và chất lượng giấc ngủ sẽ giúp trẻ mau chóng có chiều cao vượt trội.
Nếu trong các trường hợp áp dụng các biện pháp trên chiều cao của trẻ không thể cải thiện, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên sâu Nội tiết - Nhi để được thăm khám và hỗ trợ điều trị khi cần thiết.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
- Thực đơn dinh dưỡng phát triển chiều cao
- Tăng cường sức khỏe xương cho bé
- Dậy thì sớm có ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ