Mục lục
Quá trình lão hóa tác động đến nhiều chức năng của cơ thể, trong đó bao gồm các vấn đề về tầm nhìn, thị lực. Theo khảo sát, cứ 6 người trong độ tuổi từ 45 trở lên thì có 1 người gặp các vấn đề về mắt đe dọa đến thị lực. Do đó, bảo vệ đôi mắt khi về già nên là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe tổng quát của bạn.
1. Các dấu hiệu thường gặp của lão hóa mắt
Theo thời gian, người lớn tuổi có xu hướng gặp các vấn đề thị lực theo các cấp độ khác nhau. Một số thay đổi thị lực phổ biến nhất khi có tuổi bao gồm:
- Mất khả năng nhìn gần (viễn thị và lão thị);
- Gặp sự cố khi phân biệt các màu sắc, ví dụ như xanh lam, đen...;
- Cần thêm thời gian để điều chỉnh mắt khi cường độ ánh sáng thay đổi;
- Nguy cơ mắc một số bệnh và tình trạng về mắt tăng lên (khô mắt, thoái hóa điểm vàng (AMD); bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp....).
Các vấn đề nghiêm trọng về mắt có thể dẫn đến chứng mất thị lực và mù lòa ở người lớn tuổi. Bệnh nhân có thể có ít hoặc không có triệu chứng ban đầu. Để duy trì tầm nhìn và cải thiện thị lực, cách tốt nhất là tuân thủ các cách bảo vệ mắt đã được các chuyên gia nhãn khoa thống nhất gợi ý.
2. Người lớn tuổi nên làm gì để bảo vệ đôi mắt?
2.1. Khám mắt định kỳ
Người dưới 50 tuổi, khỏe mạnh được gợi ý nên khám mắt định kỳ 2-3 năm/ lần. Bệnh nhân trên 50 tuổi hoặc những người có yếu tố nguy cơ (mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao...), cần phải đi khám mắt ít nhất mỗi năm 1 lần.
Tại những buổi thăm khám này, người bệnh sẽ được kiểm tra mắt và đo thị lực bởi bác sĩ nhãn khoa. Những thay đổi bình thường ở mắt lão hóa thường không gây hại cho tầm nhìn của bạn. Tuy nhiên đôi khi chúng lại là dấu hiệu ban đầu của những vấn đề nghiêm trọng hơn. Ví dụ như tình trạng chảy nước mắt, đau mắt có thể là triệu chứng của khô mắt hoặc dấu hiệu của nhiễm trùng tuyến lệ.
Việc phát hiện và điều trị sớm bất kỳ vấn đề nào có thể giúp bảo vệ đôi mắt và ngăn ngừa suy giảm thị lực ở người cao tuổi.
2.2. Chế độ dinh dưỡng tốt cho thị lực
Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tầm nhìn, thị lực của người lớn tuổi. Một thực đơn tốt cho mắt sẽ bao gồm:
- Các thực phẩm giàu axit béo Omega-3 (cá thu, cá tuyết, hạt lanh, hàu, hạt chia...);
- Thực phẩm giàu vitamin A,C,E (có trong các loại hoa quả, rau xanh) giúp cải thiện thị lực;
- Thực phẩm chứa Lutein và Zeaxanthin (có trong các loại rau cải, củ dền, đậu Hà Lan, bí ngòi...) bảo vệ điểm vàng và võng mạc.
Nhìn chung, các chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm cho mắt, bảo vệ mắt khỏi bị nhiễm trùng hoặc suy giảm thị lực.
2.3. Tuân thủ lối sống lành mạnh, cân bằng
Để bảo vệ đôi mắt người cao tuổi cũng nên chú ý đến các thói quen, lối sống hàng ngày. Ví dụ như:
- Theo dõi cân nặng, huyết áp và chỉ số cholesterol trong cơ thể. Nếu mắc phải các bệnh huyết áp, tiểu đường có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh về mắt nếu không được kiểm soát, điều trị;
- Duy trì hoạt động thể chất và cân nặng hợp lý;
- Hạn chế hoặc cai thuốc lá vì đây là yếu tố chính làm tiến triển bệnh thoái hóa điểm vàng;
- Đọc sách, làm việc trong môi trường đủ ánh sáng để tránh tạo áp lực cho mắt.
2.4. Để mắt nghỉ ngơi sau khi hoạt động dài
Nếu phải sử dụng máy tính hoặc tập trung làm một việc gì đó, hãy ngừng lại sau mỗi 20 phút để dời tầm mắt khỏi công việc, nhắm mắt lại hoặc đơn giản là nhìn vào không gian đằng xa để tránh mỏi mắt.
Nháy (chớp) mắt thường xuyên cũng giúp nước mắt được dàn đều trên nhãn cầu, giúp mắt đỡ bị khô và mệt mỏi. Khi lái xe đường dài, hãy luân phiên tập trung vào bảng điều khiển và các vật thể trên đường. Việc thay đổi tiêu điểm thường xuyên sẽ giúp thư giãn các cơ mắt và tránh mỏi mắt.
2.5. Bảo vệ mắt khỏi các tác nhân bên ngoài
Bảo vệ mắt khỏi tác nhân bên ngoài bằng một số phương pháp như sau:
- Bảo vệ đôi mắt khỏi ánh sáng mặt trời bằng cách đeo kính râm ngăn bức xạ tia cực tím (UV) và đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài;
- Đeo kính bảo vệ mắt khi tham gia các hoạt động tiềm ẩn rủi ro chấn thương thị lực (ví dụ: chơi thể thao, cầm súng, chơi bắn bi, các nghề nghiệp như khoan, cưa, cắt hoặc làm việc trên cao...);
- Tránh các mối nguy hiểm như pháo hoa, sử dụng các hóa chất mạnh như chất tẩy rửa, pin bị chảy (có thể phát nổ).
2.6. Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo ở mắt
Nếu đột nhiên gặp các vấn đề sau, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức để được thăm khám và điều trị:
- Đột nhiên không thể nhìn thấy hoặc nhìn mờ;
- Nhìn thấy các vết “ruồi bay” (những đốm nhỏ hoặc “mạng nhện” lơ lửng trong tầm nhìn);
- Bị đau và khô mắt;
- Song thị;
- Bị đỏ hoặc sưng mắt hoặc mí mắt.
Trước đó, bệnh nhân hãy tìm hiểu tiền sử các bệnh về mắt của gia đình để tiện cung cấp thông tin cho bác sĩ trong quá trình thăm khám.
Thông qua 6 cách bảo vệ mắt được các chuyên gia nhãn khoa gợi ý ở trên, hy vọng bạn có thể bảo vệ thị lực và giữ cho đôi mắt của mình khỏe mạnh ngay cả khi đã có tuổi.
Nguồn tham khảo: nia.nih.gov, aao.org, webmd.com
- Mí mắt trên nổi mụn trắng nhỏ, vì sao?
- 40 tuổi có nên mổ cận thị?
- Loạn thị 0.75 độ có nghiêm trọng không?