Mục lục
Để đạt được hiệu quả tối ưu trong chăm sóc da từ quy trình đắp mặt nạ thì việc lựa chọn loại mặt nạ phù hợp với da mặt và tần suất đắp mặt nạ hợp lý đóng vai trò quan trọng. Vậy bao lâu đắp mặt nạ 1 lần?
1. Công dụng của mặt nạ
Phần lớn các loại mặt nạ giúp cung cấp độ ẩm và các thành phần có lợi cho làn da, góp phần loại bỏ tế bào chết. Sự tiếp xúc trực tiếp với da mặt và khả năng thẩm thấu nhanh giúp các thành phần chính trong mặt nạ như vitamin C, retinoid, axit salicylic thấm sâu hơn vào da trong thời gian ngắn hơn nhiều so với các sản phẩm serum, kem dưỡng da.
Việc đắp mặt nạ phù hợp với loại da và tình trạng da đem lại nhiều hiệu quả và sự cải thiện sức khỏe cho làn da. Tùy thuộc vào loại mặt nạ sử dụng mà lợi ích mang lại có thể khác nhau, chẳng hạn như mặt nạ đất sét mang lại các lợi ích khác so với mặt nạ collagen. Tuy nhiên, có thể kể đến các lợi ích khi đắp mặt nạ như sau:
- Thu nhỏ lỗ chân lông;
- Cải thiện tình trạng da mặt;
- Hút dầu, giảm chất nhờn và loại bỏ bụi bẩn trên da;
- Cung cấp nước và độ ẩm cho da khô;
- Giảm quá trình oxy hóa, hạn chế xuất hiện các nếp nhăn trên da;
- Tăng độ trắng sáng và vẻ rạng ngời của da;
- Tăng độ đàn hồi da;
- Giúp làm sạch mụn, cung cấp độ ẩm tức thì cho da.
Xem ngay: Tần suất sử dụng mặt nạ trong quy trình chăm sóc da
2. Bao lâu thì sử dụng mặt nạ một lần?
Bởi nhiều lợi ích mà mặt nạ mang lại nên các vấn đề liên quan đến câu hỏi bao lâu đắp mặt nạ một lần hay nên dùng mặt nạ khi nào được nhiều người quan tâm. Theo đó, mặt nạ có thể đắp vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, có thể là vào buổi sáng hoặc tối và cần phải làm sạch làn da trước khi sử dụng mặt nạ để được hiệu quả tối ưu nhất. Bạn cũng có thể sử dụng toner hoặc tẩy da chết trước khi đắp mặt nạ để giúp hiệu quả thẩm thấu được tốt hơn.
Vậy khi đắp mặt nạ để được bao lâu? Câu trả lời là phụ thuộc vào hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, bởi mỗi loại mặt nạ có thành phần và công dụng khác nhau nên thời gian hoạt động cũng khác nhau. Các loại mặt nạ chứa thành phần hoạt tính chỉ nên lưu lại trên da trong một khoảng thời gian từ 10 – 15 phút như mặt nạ chứa lưu huỳnh, đất sét cao lanh... Một số loại mặt nạ có thể gây kích ứng và làm cho da bị khô nếu bạn để chúng quá lâu. Tuy nhiên đối với mặt nạ ngủ, bạn có thể đắp trong thời gian dài, thậm chí là để qua đêm mà không gây ảnh hưởng xấu đến làn da. Những loại mặt nạ này thường có công dụng làm dịu da, cấp ẩm và tái tạo da.
Nhiều người rất bối rối về tần suất sử dụng mặt nạ và không biết nên cách bao nhiêu ngày thì đắp mặt nạ. Theo khuyến cáo từ các bác sĩ da liễu, tần suất sử dụng mặt nạ thích hợp là từ 1 – 3 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, số lần dùng cụ thể còn phụ thuộc vào công dụng của từng loại mặt nạ. Trong trường hợp hiệu quả từ việc sử dụng mặt nạ không được cao, bạn có thể tăng thêm tần suất sử dụng mặt nạ mỗi tuần, chẳng hạn như từ 2 lần mỗi tuần lên 3 lần mỗi tuần. Đối với các loại mặt nạ dưỡng ẩm dịu nhẹ như mặt nạ kem, gel... có thể được sử dụng hàng ngày.
Trường hợp mặt nạ gây kích ứng da, xuất hiện mụn hoặc các phản ứng dị ứng khác, bạn cần ngưng sử dụng sản phẩm và đến các cơ sở y tế để được xác định tình trạng dị ứng và điều trị kịp thời.
Xem ngay: Bạn có nên đắp mặt nạ dưỡng da mỗi ngày?
3. Các loại mặt nạ hiện nay
3.1. Mặt nạ đất sét và bùn
Mặt nạ đất sét và bùn được đặc trưng và dễ nhận biết bởi màu sắc (màu xanh lá cây, nâu hoặc xám) và độ đặc sệt của chúng. Loại mặt nạ này được sử dụng với công dụng chính là loại bỏ bụi bẩn, chất độc và hút dầu cho da, làm sạch và se khít lỗ chân lông. Vì công dụng làm sạch nên mặt nạ đất sét và bùn phù hợp các loại da mụn trứng cá, da dầu và da hỗn hợp.
3.2. Mặt nạ than hoạt tính
Trong lĩnh vực y tế, than hoạt tính được sử dụng nhằm mục đích loại bỏ các chất độc và chất gây nghiện ra khỏi cơ thể. Trong lĩnh vực chăm sóc da, than hoạt tính được bào chế thành mặt nạ than hoạt tính với công dụng loại bỏ bụi bẩn, các tạp chất trên da và giúp trị mụn. Bởi tác dụng làm sạch nên loại mặt nạ này được sử dụng phù hợp với các loại da dầu, da hỗn hợp và da bị mụn trứng cá. Một trong những tác dụng phụ của mặt nạ than hoạt tính là làm khô da và co kéo da.
3.3. Mặt nạ dạng kem hoặc gel
Mặt nạ dạng kem làm ẩm da bằng cách bổ sung dưỡng chất cho các tế bào da bị khô. Mặt nạ dạng gel hoạt động tương tự, đồng thời ngậm nước và làm mát một cách dịu nhẹ.
Mặt nạ dạng kem và dạng gel phù hợp và sử dụng được cho mọi loại da, tần suất sử dụng khoảng 3 lần mỗi tuần và một số công thức có thể được sử dụng hàng đêm như mặt nạ ngủ.
3.4. Mặt nạ lột
Mặt nạ lột được sử dụng dưới dạng gel khô, khi đắp lên mặt sẽ tạo thành lớp bảo vệ như màng và sau đó được lột ra. Khi mặt nạ được lột ra sẽ mang theo bụi bẩn, dầu và các tạp chất làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Các lựa chọn lột da được chứng minh là có tác dụng dưỡng ẩm cho da tốt hơn so với kem dưỡng da truyền thống. Loại mặt nạ này được sử dụng tốt nhất ở các loại da khô, thô ráp hoặc không đồng đều, da xỉn màu.
3.5. Mặt nạ giấy
Đây là loại mặt nạ được ưa chuộng vì dễ sử dụng. Mặt nạ giấy có công dụng giữ ẩm và chứa nhiều chất chống oxy hóa, thường được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để tăng tác dụng làm dịu và mát da. Nhiều công thức được áp dụng cho loại mặt nạ này như chứa AHA hoặc BHA giúp tẩy tế bào chết, chứa các thành phần cung cấp nước và độ ẩm cho da khô. Vì vậy, mặt nạ giấy được sử dụng cho tất cả các loại da.
3.6. Mặt nạ tự nhiên
Mặt nạ tự nhiên hay được gọi là mặt nạ tự làm, được thực hiện tại nhà với các nguyên liệu phổ biến như mật ong, dưa chuột, yến mạch... Đây là loại mặt nạ có độ an toàn cao, tuy nhiên cần thận trọng để tránh các thành phần có tính axit như chanh, giấm có thể làm nặng thêm tình trạng tổn thương da của bạn.
Mặt nạ tự nhiên thường được đề xuất sử dụng trong trường hợp da nhạy cảm và kích ứng với các thành phần ở mặt nạ thông thường.
Tóm lại, sử dụng mặt nạ là bước cần thiết trong quá trình chăm sóc da mặt. Tuy nhiên đạt được hiệu quả tối đa từ đắp mặt nạ thì việc lựa chọn loại mặt nạ phù hợp với tình trạng da, đắp mặt nạ đúng cách và tần suất sử dụng mặt nạ phù hợp là điều vô cùng quan trọng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: bioelements.com, healthline.com, webmd.com
- Đắp mặt nạ có tác dụng gì?
- Lợi ích của mặt nạ đất sét với da
- Có nên đắp mặt nạ trị mụn?