Mục lục
Bước sang độ tuổi 60, bạn sẽ có những thay đổi cơ bản về tinh thần và thể chất? Tuổi 60 cần biết những gì, nên làm gì để có sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn? Bài viết sẽ giải đáp những câu hỏi này của bạn.
1. Sự thay đổi về tinh thần, trí óc
1.1 Hạnh phúc hơn
Các cuộc khảo sát cho thấy người thuộc độ tuổi 60 thường cảm thấy hạnh phúc hơn. Có khoảng trên 30% người ở độ tuổi 60 nói rằng họ rất hạnh phúc - tỷ lệ này cao hơn so với những người dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, thập kỷ “vàng” này cũng có thể mang đến cho bạn nhiều vấn đề như: Nỗi lo về sức khỏe, tiền bạc và cái chết của những người thân yêu.
1.2 Gặp một số vấn đề về trí óc
Nhiều người ở độ tuổi 60 bắt đầu nhận thấy rằng tâm trí họ không còn được nhạy bén như trước. Bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để nhớ tên người hay các sự kiện trong đời, gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề. Mặt khác, vốn từ vựng, kiến thức và trí nhớ dài hạn của bạn vẫn khá ổn định.
2. Sự thay đổi về các giác quan
2.1 Suy giảm thính lực
Tuổi 60 cần biết: Khảo sát cho thấy có khoảng 40% người Mỹ ở độ tuổi 60 gặp vấn đề về thính giác. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng lão hóa. Khi bạn già đi, các tế bào lông trong tai trong của bạn sẽ chết đi. Bên cạnh đó, các tình trạng như nhiễm trùng, bệnh tim, đột quỵ, chấn thương đầu hoặc một số loại thuốc có thể làm suy giảm thính lực của bạn. Vậy tuổi 60 nên làm gì? Bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng cách sử dụng máy trợ thính.
2.2 Vấn đề về thị giác
Ở tuổi trên 60, bạn có nguy cơ mắc phải các bệnh về mắt như khô mắt, đục thủy tinh thể hoặc bệnh tăng nhãn áp - làm cản trở tầm nhìn. Một trong những mối đe dọa lớn nhất là tình trạng thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, gây phá hủy phần trung tâm của tầm nhìn khi bạn cần đọc sách hoặc lái xe.
Vậy tuổi 60 phải làm gì? Bạn nên đi kiểm tra mắt hằng năm, ngay cả khi bản thân không nhận thấy óc bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Hầu hết các bệnh về mắt không gây đau và có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm.
2.3 Vấn đề về răng miệng
Có khoảng 30% người trên 65 tuổi bị khô miệng. Đây có thể là tác dụng phụ của thuốc hoặc ảnh hưởng của bệnh tiểu đường và một số bệnh khác. Bên cạnh đó, ở người trên 60 tuổi, nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng cao gấp 4 lần so với người thuộc độ tuổi 20. Vì vậy, bạn nên đi khám sức khỏe răng miệng thường xuyên.
3. Các vấn đề sức khỏe khác
3.1 Tăng nguy cơ ung thư
Tuổi già là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư. Nếu bạn từng phát hiện mình bị ung thư thì rất có thể bạn sẽ bị tái phát khi bước sang độ tuổi 60. Có khoảng 50% số ca ung thư vú được chẩn đoán ở người trên 61 tuổi. Với ung thư ruột kết, độ tuổi phát hiện bệnh trung bình là 68. Vì vậy, bạn nên định kỳ đi chụp X-quang tuyến vú, nội soi ruột kết và kiểm tra tuyến tiền liệt.
3.2 Tăng cân
Tuổi 60 cần biết: Quá trình trao đổi chất (khả năng đốt cháy calo của cơ thể) thường chậm lại khi bạn già đi. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống nghèo nàn và ít tập thể dục cũng là lý do khiến bạn thường bị tăng cân ở độ tuổi 60. Vì vậy, bạn nên tích cực vận động để đốt cháy nhiều chất béo hơn và hãy ăn uống thật lành mạnh, khoa học.
3.3 Thay đổi trên da
Khi bước sang độ tuổi 60, 2 lớp da biểu bì và hạ bì sẽ mỏng, phẳng hơn. Da của bạn sẽ trở nên khô hơn, dễ ngứa hơn, mỏng như giấy. Các nếp nhăn, đốm đồi mồi và vết thâm trên da cũng nổi lên nhiều hơn. Trong khi đó, các tuyến mồ hôi sẽ hoạt động kém hơn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể không đổ mồ hôi nhiều nhưng các vết thương trên da có thể mất nhiều thời gian hơn để tự chữa lành.
3.4 Các vấn đề về tim mạch
Khi bước sang độ tuổi 60, bạn có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc suy tim cao hơn so với nhóm người trẻ tuổi. Bệnh tim cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi. Vậy tuổi 60 nên làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh tim? Bạn nên bỏ thuốc lá, hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa (có trong thịt và sữa) trong thực đơn ăn uống hằng ngày. Đồng thời, mỗi ngày bạn nên cố gắng dành 30 phút để đi bộ, tập yoga, bơi lội hoặc tham gia các hoạt động vận động tích cực khác.
3.5 Vấn đề xương và khớp
Tuổi 60 cần biết: Lão hóa và không vận động thường xuyên có thể khiến cơ thể bạn không được linh hoạt. Bạn có thể bị yếu cơ, đau nhức các khớp. Bạn nên hỏi bác sĩ, nếu cần thiết có thể bổ sung canxi và vitamin D để làm chắc xương. Với phụ nữ, nên chụp quét xương ở tuổi 65 để phát hiện bệnh loãng xương. Nam giới cũng nên trao đổi với bác sĩ để xem có cần thiết tầm soát loãng xương không.
3.6 Vấn đề chất lượng giấc ngủ
Ở độ tuổi 60, bạn cần ngủ 7 - 9 giờ mỗi đêm. Nhưng việc này lại khó có thể thực hiện được. Bởi khi bạn già đi, cơ thể sẽ sản xuất ít hormone melatonin (hormone gây ngủ). Điều đó khiến bạn khó có thể đi vào một giấc ngủ sâu và thư thái.
3.7 Tăng huyết áp
Trong nhiều năm, chất béo bị tích tụ trong thành động mạch của bạn (giống như 1 ống thoát nước bị tắc). Ngoài tình trạng hẹp động mạch, các động mạch lớn cũng có xu hướng cứng lại theo tuổi tác - tình trạng xơ cứng động mạch. Điều này khiến huyết áp tăng lên. Các chỉ số có thể cao đến mức nguy hiểm dù nó không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ, mù lòa và những tổn thương nghiêm trọng khác.
3.8 Khó kiểm soát bàng quang
Người ở độ tuổi 60 cần biết: Tuổi tác là nguyên nhân chính khiến bạn thường xuyên phải thức dậy để đi vệ sinh vào ban đêm. Ngoài ra, chứng són tiểu, rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi.
3.9 Khả năng miễn dịch
Khi bước sang tuổi 60, cơ thể bạn sẽ ngừng tạo ra các tế bào T mới (tế bào giúp tìm, tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập). Vì vậy, bạn dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây bệnh bên ngoài hơn hoặc mất nhiều thời gian hơn để khôi phục sức khỏe. Vắc-xin cũng không có khả năng bảo vệ bạn tốt như trước. Bạn có thể cần tiêm vắc-xin cúm liều cao hơn sau khi được 65 tuổi. Ngoài ra, bạn nên tiêm thêm vắc-xin phòng bệnh zona và bệnh phế cầu khuẩn vì chúng là những căn bệnh người trên 60 tuổi dễ mắc phải.
Bài viết đã giúp bạn đọc nắm được tuổi 60 cần biết gì, nên làm gì để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạn nên chú ý thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, tập luyện nhiều hơn để luôn vui vẻ, mạnh khỏe ở độ tuổi 60 và cả những độ tuổi cao hơn.
- Người đang có kinh nguyệt có thể tiêm phòng vacxin bạch hầu không?
- Pha loãng vắc-xin như nào là đúng cách?
- Có cần tiêm vắc-xin dịch vụ chưa có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng?