Mục lục
- 1. 1. Cấu tạo âm đạo
- 2. 2. Hình dạng và kích thước âm đạo
- 3. 3. Quần lọt khe có thể không vệ sinh
- 4. 4. Điểm G có nằm trong âm đạo?
- 5. 5. Thời gian thay tampon mới tối đa là 8 giờ
- 6. 6. Không nên thụt rửa âm đạo
- 7. 7. Dịch tiết âm đạo
- 8. 8. Lợi ích từ các bài tập Kegel
- 9. 9. Dấu hiệu viêm âm đạo
- 10. 10. Đau khi quan hệ tình dục
- 11. 11. Sinh mổ và sinh thường
- 12. Đánh giá
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Xuân Minh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trên thực tế, nhiều người vẫn ngại ngùng và lúng túng khi nhắc đến “âm đạo”, thậm chí là xấu hổ nếu như tìm hiểu về bộ phận này. Điều này vô tình khiến cho cấu tạo âm đạo chưa được hiểu biết đầy đủ, đôi khi một số sự thật khác vẫn bị hiểu nhầm.
1. Cấu tạo âm đạo
Âm đạo là một phần mô cơ và ống của bộ phận sinh dục nữ, là một đường kênh hẹp, được cấu tạo bởi các cơ và bắt đầu dẫn từ cổ tử cung ra đến bên ngoài cơ thể. Bên ngoài cửa âm đạo được bao phủ một phần bởi một lớp màng mỏng, được gọi là màng trinh. Tận cùng bên trong là khu vực cổ tử cung nối liền với âm đạo.
Nhiều người nhầm lẫn rằng âm đạo bao gồm cả một số bộ phận khác như môi âm hộ và âm vật. Trên thực tế, các bộ phận này thuộc một phần của âm hộ và nằm ngoài cấu tạo âm đạo, cụ thể:
- Môi âm hộ: Bao gồm hai môi lớn và môi bé bao quanh lỗ âm đạo;
- Âm vật: Là khu vực rất nhạy cảm nằm gần đỉnh âm hộ, còn có tên gọi dân gian là hột le hay mồng đốc.
Âm đạo là cơ quan quan trọng, giúp người phụ nữ có thể quan hệ tình dục với bạn tình và thực hiện chức năng sinh sản. Ngoài ra, đây cũng là nơi kinh nguyệt chảy ra định kỳ hàng tháng theo chu kỳ kinh nguyệt.
2. Hình dạng và kích thước âm đạo
Nghiên cứu chỉ ra rằng, không có kích thước hoặc hình dạng tiêu chuẩn nào cho cấu tạo âm đạo của một người phụ nữ. Điều này đồng nghĩa âm đạo của cả hai người nữ bất kỳ và đều trong độ tuổi sinh sản sẽ có nhiều sự khác biệt. Các yếu tố như tuổi tác và chiều cao có ảnh hướng đến kích thước âm đạo của nữ giới trưởng thành.
3. Quần lọt khe có thể không vệ sinh
Không giống như các loại đồ lót khác, phía sau quần lọt khe là một dây vải nằm sát vào da hậu môn. Thiết kế này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và phân từ trực tràng xâm nhập vào âm đạo cũng như đường tiết niệu trong trường hợp sợi dây vải trượt về phía trước. Do đó, bạn nữ đặc biệt không nên sử dụng quần lót lọt khe nếu đang bị tiêu chảy hoặc gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa khác.
4. Điểm G có nằm trong âm đạo?
Không có bằng chứng chứng minh được điểm G thực sự có tồn tại về mặt vật lý. Năm 1950, bác sĩ người Đức Ernst Grafenberg cho rằng một khu vực cụ thể trên thành phía trước của âm đạo rất nhạy cảm khi được chạm vào, nếu kích thích vị trí này có thể mang lại cực khoái ở nữ giới. Tuy nhiên cho đến nay các chuyên gia vẫn tiếp tục tranh luận về sự tồn tại của điểm G trên thành âm đạo và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
5. Thời gian thay tampon mới tối đa là 8 giờ
Để một tampon trong âm đạo lâu hơn 8 giờ có thể dẫn đến hội chứng sốc độc tố (TSS) - một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Các triệu chứng của hội chứng sốc độc tố bao gồm:
- Sốt cao;
- Choáng váng hoặc ngất xỉu;
- Phát ban như bị cháy nắng;
- Nôn hoặc tiêu chảy;
- Yếu hoặc đau cơ dữ dội;
- Sưng tấy đỏ ở mắt, miệng, cổ họng và âm đạo;
- Đau đầu và mất phương hướng.
6. Không nên thụt rửa âm đạo
Các bác sĩ không khuyến khích hành động thụt rửa âm đạo vì ba lý do chính sau:
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men do mất cân bằng pH âm đạo;
- Khiến tử cung và các cơ quan vùng chậu khác bị lây nhiễm trùng;
- Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Thực chất những mùi khó chịu ở vùng kín đều xuất phát từ âm hộ - một bộ phận nằm bên ngoài âm đạo. Do đó, bạn nữ chỉ cần giữ âm hộ sạch sẽ bằng nước và dung dịch rửa vùng kín chuyên dụng để ngăn chặn mùi hôi, đồng thời tránh được các bệnh nhiễm trùng.
7. Dịch tiết âm đạo
Dịch tiết âm đạo sẽ thay đổi về số lượng, màu sắc, và đặc tính trong suốt tháng chu kỳ của nữ giới. Đôi khi chúng trong suốt hoặc có màu trắng đục với mùi âm đạo bình thường; có thể đặc như kem, dính hoặc tương tự như lòng trắng trứng, tùy thuộc vào từng giai đoạn của chu kỳ mà bạn nữ đang trải qua bên trong cơ thể.
8. Lợi ích từ các bài tập Kegel
Kegels là những bài tập siết chặt các cơ xung quanh âm đạo, tương tự như động tác cố gắng ngăn chặn dòng nước tiểu. Còn được gọi là các bài tập sàn chậu, Kegels có thể giúp:
- Ngăn ngừa tình trạng són tiểu, són phân hoặc kiểm soát “xì hơi” bằng cách giữ tử cung, niệu đạo và ruột không sa vào cấu tạo âm đạo;
- Tăng cường các cơ âm đạo và xương chậu, nhằm cải thiện khả năng đạt cực khoái.
9. Dấu hiệu viêm âm đạo
Dấu hiệu viêm âm đạo, âm hộ hoặc cổ tử cung do mất cân bằng môi trường bên trong bộ phận sinh dục bao gồm:
- Tăng tiết dịch bất thường;
- Thay đổi mùi của dịch tiết;
- Ngứa hoặc kích thích xung quanh âm đạo.
Những nguyên nhân gây viêm có thể là do thụt rửa sâu, kích ứng với mỹ phẩm vùng kín, mang thai, nhiễm trùng hoặc kháng sinh.
10. Đau khi quan hệ tình dục
Gần 3/4 phụ nữ sẽ bị đau khi giao hợp vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến nữ giới bị đau khi quan hệ tình dục, do đó nên tìm đến sự hỗ trợ và tư vấn từ bác sĩ nếu tình trạng này kéo dài và gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Ngoài ra, Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ cũng đưa ra một số lời khuyên nhằm cải thiện cảm giác đau khi quan hệ như sau:
- Sử dụng chất bôi trơn;
- Quan hệ tình dục khi cả hai đều cảm thấy thoải mái;
- Thử những cách quan hệ không gây đau đớn;
- Dành thời gian cho màn dạo đầu, kích thích như massage.
11. Sinh mổ và sinh thường
Nếu một phụ nữ đã từng sinh con bằng cách mổ bắt thai nhi, họ vẫn có thể sinh thường qua đường âm đạo ở những lần mang thai sau đó. Một số tiêu chí phải được đáp ứng để quyết định thai phụ nên sinh mổ (TOLAC) hay cố gắng sinh thường. Theo số liệu thống kê, khoảng 60 - 80% phụ nữ chọn sinh mổ vẫn có khả năng sinh thường qua đường âm đạo.
Tóm lại, âm đạo là một phần rất quan trọng đối với quá trình sinh sản của loài người, cũng như đóng vai trò chính nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của cả nam lẫn nữ. Hiểu biết đầy đủ hơn về cấu tạo âm đạo cũng như các thông tin liên quan khác là cách giúp các bạn nữ có hướng chăm sóc và bảo vệ vùng kín phù hợp.
Nguồn tham khảo: Webmd.com
- Cần làm gì khi bị chảy máu vùng kín?
- Những điều chị em cần biết về polyp cổ tử cung
- Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư âm hộ