Mục lục
Giấc ngủ đối với phụ nữ đang mang thai vô cùng quan trọng. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, thời gian ngủ hợp lý cho phụ nữ mang thai khoảng từ 7 – 9 tiếng vào buổi tối. Vì vậy, việc mẹ bầu thức khuya sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
1. Tại sao phụ nữ mang thai thường xuyên thức khuya?
Trong suốt thời gian thai kỳ, giấc ngủ đầy đủ và hợp lý là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Tuy nhiên, nhiều bà bầu thường xuyên thức khuya bởi các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến giấc ngủ như sau:
- Mẹ bầu thường thức khuya từ trước khi mang thai: Thói quen ngủ khuya trước khi mang thai làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và mẹ bầu khó để từ bỏ việc ngủ muộn;
- Khó tìm được tư thế ngủ thoải mái: Cùng với sự phát triển của thai nhi thì nhiều mẹ bầu rất khó để tìm được tư thế ngủ thoải mái, đặc biệt là các giai đoạn cuối của thai kỳ;
- Tiểu đêm nhiều lần: Đối với phụ nữ đang mang thai, sự hoạt động của thận phải tăng lên 30 – 50% so với bình thường để lọc thêm máu trong suốt thời gian mang thai, kết quả là dẫn đến tăng lượng ure máu, lượng nước tiểu thải ra nhiều hơn. Tình trạng tiểu đêm nhiều là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ và dẫn đến việc thức khuya ở mẹ bầu;
- Khó thở: Sự thay đổi hormone nội tiết tố trong quá trình mang thai làm cho hơi thở chậm và sâu hơn, dẫn đến cảm giác khó chịu khi đi ngủ, đặc biệt là vào các tháng cuối của thai kỳ;
- Đau lưng, đau chân: Sự phát triển ngày càng lớn của thai nhi làm tăng sức nặng cơ thể lên người mẹ. Đa số phụ nữ mang thai đều có tình trạng đau lưng, sưng phù chân và đau chân, các tình trạng này là nguyên nhân dẫn đến khó ngủ, mất ngủ ở mẹ bầu;
- Sự cử động của thai nhi: Sự cử động của thai nhi tăng nhiều vào các tháng cuối của thai kỳ cũng làm cho người mẹ dễ mất ngủ và thức khuya;
- Sử dụng nhiều các thiết bị điện tử: Mẹ bầu quá chăm chú vào việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop... làm khó ngủ và mất ngủ.
Xem ngay: Mẹ mất ngủ khi mang thai ảnh hưởng thế nào tới thai nhi?
2. Bà bầu thức khuya có ảnh hưởng gì?
Nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh câu hỏi bà bầu thức khuya có tốt không. Theo đó, nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy tác hại của bà bầu thức khuya là gây ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Mặc dù, chế độ dinh dưỡng được bổ sung đầy đủ và hợp lý nhưng nếu giấc ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày sẽ làm cho mẹ bầu bị mệt mỏi, không tỉnh táo, thậm chí là dẫn đến kiệt sức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Một số hậu quả khi mẹ bầu thức khuya có thể kể đến như sau:
- Dễ bị sảy thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ: Giai đoạn đầu của thai kỳ là thời kỳ phôi thai và là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của các cơ quan thai nhi. Vì vậy tình trạng thức khuya, ngủ muộn của mẹ bầu sẽ gây ra các ảnh hưởng nghiệm trọng làm thai nhi không được phát triển khỏe mạnh, các phản ứng bất lợi như chóng mặt, té ngã của mẹ bầu cũng có thể gây sảy thai;
- Sự phát triển của thai nhi bị chậm: Là một trong những vấn đề quan trọng khi trả lời câu hỏi bà bầu thức khuya có sao không. Theo đó, phụ nữ đang mang thai nếu thức khuya sẽ làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể, gây rối loạn sự tiết hormone nội tiết tố và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Những tác động trên làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi;
- Trẻ sinh ra dễ bị thiếu máu: Trong khoảng thời gian từ 23h đến 3h sáng là thời điểm cho quá trình điều hòa và tạo máu trong cơ thể mẹ. Vì vậy, trong trường hợp mẹ bầu thức khuya hay không có giấc ngủ điều độ có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu cho trẻ khi sinh ra;
- Mẹ dễ mắc các bệnh cảm cúm, nhiễm khuẩn: Các nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ sau 23h đêm sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể kết hợp với sự suy giảm hệ miễn dịch do thức khuya sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cảm cúm và nhiễm khuẩn;
- Mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống: Tình trạng thức khuya sẽ làm sáng hôm sau khi thức dậy luôn bị mệt mỏi, thiếu sức sống, tinh thần luôn cảm thấy không vui và chán nản. Cùng với đó mẹ bầu còn phải đối diện với các vấn đề khác về sức khỏe như nám da, sạm da...
- Thay đổi tâm trạng: Mẹ bầu thức khuya dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ, trằn trọc và làm ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc buồn vui thất thường, mau quên và sinh ra cáu gắt...
3. Bí quyết giúp cải thiện giấc ngủ của bà bầu
Bên cạnh các câu hỏi liên quan đến việc bà bầu có nên thức khuya không thì làm sao để cải thiện giấc ngủ ở bà bầu cũng là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều. Theo đó, nhận biết được những tác hại về sức khỏe và sự phát triển của thai nhi khi thức khuya sẽ giúp mẹ bầu xây dựng được lối sống và chế độ ngủ hợp lý. Thời gian ngủ hợp lý cho mẹ bầu là khoảng 8 tiếng mỗi ngày. Một số biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ như sau:
- Không uống các loại đồ uống chứa caffein: Đồ uống chứa caffein gây kích thích và khó ngủ, vì vậy để ngủ ngon và tránh tình trạng thức khuya, mất ngủ mẹ bầu không nên sử dụng các loại đồ uống này;
- Ngâm chân bằng nước nóng, tắm nước nóng: Phương pháp này giúp tăng lưu thông máu, thư giãn cơ thể. Vì vậy, mẹ bầu có thể ngâm chân bằng nước nóng trước khi đi ngủ sẽ giúp dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn;
- Hạn chế hoặc uống ít nước vào buổi tối và ăn đồ ăn trước khi đi ngủ;
- Massage chân: Giúp tăng lưu thông máu, thư giãn cơ thể và dễ đi vào giấc ngủ hơn;
- Một chiếc gối ôm khi ngủ sẽ giúp giấc ngủ ngon hơn;
- Duy trì thời gian ngủ đúng giờ mỗi đêm.
Ngủ đủ giấc và đúng giờ là rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy mẹ bầu nên xây dựng cho mình chế độ nghỉ ngơi khoa học, ngủ đúng giờ, hạn chế thức khuya để tránh các nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Khoảng thời gian 9 tháng 10 của thai kỳ vừa mang đến nhiều khó khăn và cũng nhiều niềm hạnh phúc đối với người mẹ. Chính vì vậy, người mẹ cần được chăm sóc về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Nếu mẹ bầu thức khuya hoặc luôn ở trong trạng thái mất ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
- Tiểu đêm khi mang thai: Những điều cần biết
- Đi tiểu đêm nhiều lần ở nam là bệnh gì?
- Dấu hiệu tiểu đêm nhiều kèm đau co thắt bụng dưới cảnh báo bệnh gì?