Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Vưu Khánh Linh - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Ho là một trong những triệu chứng phổ biến sau mắc COVID-19. Rất nhiều người bệnh loay hoay tìm cách xử trí ho hậu COVID, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Vậy bà bầu bị ho hậu COVID thì phải làm sao?
1. Đặc điểm triệu chứng ho hậu COVID- 19
Khoảng 70% người nhiễm virus SARS-CoV-2 có biểu hiện ho, đặc biệt là ho khan. Cơn ho ở bệnh nhân COVID-19 có đặc điểm xuất hiện rất nhanh chóng, có thể gặp chỉ sau khoảng 1 ngày phát bệnh, đồng thời kéo dài rất lâu, thường không giảm nhanh, đặc biệt trên những người bệnh không tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin.
Về bản chất, ho là một phản xạ có vai trò bảo vệ cơ thể khi cố gắng tống xuất mầm bệnh hoặc chất thải hô hấp ra ngoài. Tuy nhiên, việc ho quá nhiều lại gây phản ứng ngược, khiến cơ thể mệt mỏi, khó ngủ, đặc biệt ở đối tượng phụ nữ mang bầu bị ho thì việc điều trị là vô cùng cần thiết.
Người bệnh cần phân biệt 2 loại ho của cơ thể, bao gồm ho khan và ho có đờm:
- Ho khan là phản xạ xảy ra khi đường hô hấp bị kích ứng, nguyên nhân thường liên quan đến nhiễm virus như SARS-CoV-2;
- Ho có đờm là triệu chứng thường liên quan đến các bệnh lý hô hấp mạn tính hoặc bệnh nhiễm trùng cấp tính;
Nhiều người thắc mắc bà bầu bị COVID-19 thì phải làm sao? Một trong những việc nên làm là xử trí các cơn ho phù hợp và an toàn. Nếu ho khan thì có thể dùng các thuốc giảm ho còn ho có đờm ưu tiên sử dụng các thuốc long đờm, hạn chế sử dụng thuốc giảm ho.
2. Cơ chế gây ho khi nhiễm virus SARS-CoV-2
Phần lớn người bệnh COVID-19 có biểu hiện ho, kéo dài trong khoảng 19 ngày. Thậm chí, một số người hay phụ nữ mang bầu bị ho kéo dài lên đến 4 tuần hoặc trong nhiều tháng.
Như đã đề cập ở trên, ho là một phản xạ cần thiết của cơ thể, giúp bảo vệ đường hô hấp chống lại các tác nhân gây bệnh. Ở điều kiện bình thường, cơ thể khi phát hiện ra virus hoặc những vật thể lạ xâm nhập sẽ kích hoạt các dây thần kinh cảm giác, từ đó kích hoạt phản xạ ho ở vùng tủy của não, kết quả cuối cùng là các cơ xung quanh đường hô hấp co thắt để tạo áp lực tống các vật thể lạ ra bên ngoài. Ở bệnh nhân Covid-19, virus SARS CoV 2 có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công vào các dây thần kinh cảm giác gây ho như là một phần của cơ chế nhiễm trùng, do đó đa phần người bệnh sẽ bị ho.
Nhiều người bệnh dù đã hồi phục, kết quả xét nghiệm đã âm tính với virus nhưng vẫn ho kéo dài dai dẳng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người bệnh có thể áp dụng các biện pháp xử trí hợp lý, an toàn, hiệu quả. Trong đó bao gồm cả đối tượng bà bầu bị ho hậu COVID-19
3. Bà bầu ho nhiều hậu COVID- 19 uống thuốc gì?
Phụ nữ mang bầu bị ho giai đoạn hậu COVID-19, mặc dù có thể trong thời gian mắc bệnh hoàn toàn không có triệu chứng nào, đặc biệt khi cơn ho dai dẳng, tăng về đêm và mức độ ngày càng nghiêm trọng thì khả năng cao phổi đã bị tổn thương hay xơ hóa. Vì phụ nữ mang thai là một đối tượng người bệnh đặc biệt, việc sử dụng thuốc đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu và thai nhi. Vì vậy nếu chị em mang bầu bị ho hậu COVID-19 thì tốt nhất nên đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
Một số trường hợp mang bầu bị ho nhiều có thể sử dụng loại thuốc ho thảo dược lành tính, được chứng minh không ảnh hưởng đến thai kỳ. Ngoài ra, hiện tượng ho sau nhiễm SARS-CoV-2 ở bà bầu có thể không liên quan đến di chứng hậu COVID-19 như nhiều người nghĩ mà lại là bệnh lý hô hấp khác như lao phổi, viêm phổi hoặc dị ứng... Vì vậy, các tốt nhất và an toàn nhất vẫn là đến bệnh viện thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho.
4. Cách xử trí triệu chứng ho hậu COVID- 19
4.1. Ho khan
Cách xử lý ở người bình thường là sử dụng thuốc giảm ho, bổ phế hoặc kèm theo các thuốc kháng dị ứng thế hệ cũ như Alimemazin và Diphenhydramin.
Một nguyên nhân khác gây ho khan hậu COVID-19 là trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh COVID- 19 đa phần lo lắng, suy nghĩ nhiều kèm theo mất ngủ. Từ đó gây rối loạn cơ thắt dạ dày thực quản và kích thích tăng tiết dịch acid dạ dày, kết quả cuối cùng là tình trạng ho khan kéo dài hậu COVID-19. Ở trường hợp này, thay vì sử dụng thuốc giảm ho thì người bệnh nên uống các thuốc kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày hoặc thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
4.2. Ho có đờm
Đa số trường hợp ho là ho khan, không có đờm nhớt. Ho đờm có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi hay viêm phế quản do bội nhiễm các loại vi khuẩn. Các trường hợp ho đờm cần phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, kết hợp thuốc long đờm.
Bên cạnh đó, người bệnh hậu COVID-19 mà tiền sử trước đây có các bệnh lý về hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản... cũng có thể bị ho đờm kéo dài. Những trường hợp này bắt buộc phải được bác sĩ chuyên khoa hô hấp thăm khám và đưa ra biện pháp điều trị triệt để.
4.3. Ho do nhiễm nấm đường hô hấp
Quá trình điều trị COVID-19 ở một số trường hợp nặng đòi hỏi sử dụng thuốc kháng sinh mạnh hoặc thuốc ức chế miễn dịch... Điều này tạo điều kiện cho một số loại vi nấm phát triển ở giai đoạn hậu COVID-19, dù bình thường các loại vi nấm này hoàn toàn vô hại.
Người bị ho hậu COVID-19 khi đã áp dụng đúng và đủ các biện pháp điều trị đề ở trên mà vẫn không thuyên giảm thì cần ưu tiên nghĩ đến nhiễm vi nấm. Lúc này người bệnh cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định các thuốc kháng nấm phù hợp, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc trị ho trong trường hợp này.
Một số trường hợp bà bầu ho nhiều hậu COVID-19 có thể sử dụng loại thuốc ho thảo dược lành tính, được chứng minh không ảnh hưởng đến thai kỳ. Chế độ ăn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, những gia vị có tính chất làm ấm, các loại thực phẩm để nâng cao sức đề kháng cơ thể như gừng, hành, tỏi, sả, nghệ. Tăng cường uống nước, ăn các loại hoa quả như cam, quýt, quất, nho..Tránh thực phẩm để lạnh, thực phẩm chiên rán
- Thuốc điều trị COVID-19 ảnh hưởng ra sao đến thai nhi?
- Di chứng hậu Covid có thể kéo dài bao lâu?
- Công dụng thuốc Eramux