17-01-2024 12:57

Bà bầu đi xe máy nhiều có sao không?

Bà bầu đi xe máy nhiều có sao không?

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, bà bầu đi xe máy đường dài và xóc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì trong thời gian mang thai, mẹ bầu không nên hoặc hạn chế di chuyển bằng xe máy đường dài.

1. Bà bầu đi xe máy nhiều có sao không?

Xe máy là phương tiện giao thông được sử dụng nhiều bởi tính tiện lợi, dễ di chuyển. Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai nên hạn chế di chuyển nhiều bằng xe máy, bởi khi thai nhi lớn dần và bụng mẹ bầu cũng to nên làm cho việc giữ thăng bằng trở nên khó khăn, dễ bị ngã và xảy ra các tai nạn liên quan.

Di chuyển bằng xe máy trong thời gian mang thai có thể gặp phải các nguy cơ như sau:

  • Sự thay đổi các hormone nội tiết tố trong thai kỳ làm cho các mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ốm nghén... và dẫn đến tình trạng khó chịu khi lái xe. Đa số các trường hợp mẹ bầu trong giai đoạn thai nghén đều cần hạn chế lái xe để tránh ảnh hưởng đến thai nhi;
  • Mẹ bầu đi xe máy dễ bị mất thăng bằng và ngã do bụng to và phản ứng chậm hơn so với bình thường;
  • Nhiều đoạn đường nhỏ, lồi lõm làm cho bà bầu đi xe máy bị xóc và gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi;
  • Đa số xe máy đều rất nặng nên việc di chuyển, dắt xe và đỗ xe sẽ rất khó khăn cho phụ nữ đang mang thai.

Thông thường, phụ nữ có thai đang trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt đầu tiên) có nguy cơ gặp rủi ro khi đi xe máy ít hơn so với giai đoạn sau của thai kỳ. Bởi vì ở giai đoạn cuối, thai nhi lớn dần lên, bụng mẹ bầu to hơn và cơ thể cũng trở nên nặng nề, kém linh hoạt và dễ xảy ra va chạm. Những va chạm dù nhẹ nhưng cũng làm tâm lý mẹ bị kích động và có thể dẫn đến sinh non. Đối với những phụ nữ mang thai có tiền sử động thai, sảy thai hay các biến chứng như nhau tiền đạo, bong non... thì cần hạn chế di chuyển bằng xe máy.

Bà bầu đi xe máy bị xóc
Bà bầu đi xe máy bị xóc và gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi

2. Lưu ý khi bà bầu đi xe máy đường dài

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người bình thường di chuyển bằng xe máy nguy hiểm hơn nhiều so với xe đạp và xe ô tô. Đối với phụ nữ đang mang thai thì nguy cơ này càng tăng lên nhiều do bụng to và dễ mất thăng bằng, đặc biệt là khi bà bầu đi xe máy đường dài. Vì vậy để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì trong thời gian mang thai, mẹ bầu không nên di chuyển bằng xe máy. Trong trường hợp cần thiết phải đi xe máy, mẹ bầu nên lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Đội mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn kể cả khi lái xe hay ngồi sau xe người khác lái;
  • Không mang giày cao gót khi đi xe máy;
  • Không đi xe máy trong giờ cao điểm vì dễ bị kẹt xe và gặp tai nạn;
  • Tránh đi xe máy đường dài bởi phụ nữ mang thai ngồi xe máy lâu dễ khiến cho tử cung và xương chậu bị chèn ép, làm máu lưu thông kém và ảnh hưởng đến thai nhi;
  • Mang áo khoác dạ quang dễ nhìn thấy từ xa trong trường hợp đi xe máy vào buổi tối;
  • Không đi xe máy khi trời mưa hoặc sau cơn mưa vì đường trơn đường trượt dễ xảy ra tai nạn;
  • Chỉnh gương chiếu hậu phù hợp với tầm nhìn để có thể quan sát phương tiện giao thông phía sau và điều khiển xe tốt nhất;
  • Lái xe với tốc độ chậm, hạn chế vượt các xe khác trên đường di chuyển và chú ý thao tác ổn định, giữ bình tĩnh để đảm bảo an toàn cho thai nhi không bị ảnh hưởng mạnh;
  • Sử dụng loại xe máy nhỏ, dễ dắt và nên thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra xe để tránh tình trạng xe bị hư giữa đường.
Bà bầu đi xe máy đường dài
Bà bầu đi xe máy đường dài sẽ rất nguy hiểm

3. Một số phương tiện di chuyển thay thế xe máy

Phụ nữ đang mang thai nên hạn chế tối đa di chuyển bằng xe máy, đặc biệt là các chuyến đi xa thì việc bà bầu đi xe máy đường dài là tuyệt đối không nên thực hiện. Việc sử dụng các phương tiện di chuyển thay thế xe máy trong trường hợp này là vô cùng phù hợp, có thể kể đến các phương tiện như sau:

  • Máy bay: Sự phát triển của ngành hàng không hiện nay với công nghệ giảm áp lực không khí trong khoang máy bay giúp đảm bảo an toàn cho các bà bầu di chuyển bằng phương tiện này. Khuyến cáo từ các chuyên gia chỉ ra rằng phụ nữ đang mang thai chỉ cần thận trọng khi di chuyển bằng những chuyến bay dài và quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế nơi quá cảnh cũng như nơi đáp chuyến bay. Bên cạnh đó những thai phụ mắc bệnh thiếu máu hồng cầu liềm, bị thiếu máu nặng, có vấn đề về thai nhi hay tiền sử mắc viêm tĩnh mạch được chống chỉ định tương đối khi di chuyển bằng máy bay;
  • Ô tô: Phụ nữ mang thai khi di chuyển bằng ô tô cần cài thắt lưng an toàn qua hông chứ không phải qua bụng, đảm bảo cho đùi và vai không bị di chuyển khi xe bị va chạm. Sau thời gian di chuyển 2 tiếng cần dừng xe để thư giãn và đi vệ sinh nhằm giúp bàng quang được thư giãn, đề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu...
  • Tàu hỏa: Tàu hỏa được xem là một trong những phương tiện di chuyển an toàn đối với phụ nữ mang thai, tương tự như ô tô và máy bay. Mọi yêu cầu về việc giữ sức khỏe cho phụ nữ có thai cũng được thực hiện tương tự như các phương tiện trên.

Như vậy phụ nữ đang mang thai nên hạn chế di chuyển bằng xe máy để đảm bảo an toàn về sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp phải di chuyển xa, việc sử dụng các phương tiện thay thế xe máy là vô cùng phù hợp.

XEM THÊM:
  • Những vấn đề thường gặp của bánh nhau trong thai kỳ
  • Vị trí bánh nhau thai có gì đặc biệt?
  • Nữ giới mang thai 31 tuần nhau bám mặt trước nhóm 2 có nguy hiểm không?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan