Mục lục
Xét nghiệm máu khi mang thai giúp bác sĩ nắm được những thông tin quan trọng về sức khỏe của thai phụ, sự phát triển của thai nhi và theo dõi, ngăn chặn những nguy cơ bất thường có thể xảy ra. Vậy bà bầu cần xét nghiệm máu khi nào?
1. Mục đích xét nghiệm máu khi mang thai
Xét nghiệm máu là một bước quan trọng trong thai kỳ của các bà bầu. Dựa vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của thai phụ và quá trình phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, dựa vào các chỉ số thu được sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ còn đưa ra được dự đoán về nguy cơ xảy ra trong thai kỳ, từ đó chuẩn bị cho quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ, an toàn. Việc phát hiện sớm các nguy cơ sẽ giúp thai phụ chủ động hơn trong việc đưa ra các phương án can thiệp phù hợp và kịp thời. Từ đó, việc này giúp hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra những rủi ro sức khỏe không mong muốn.
2. Bà bầu cần xét nghiệm máu khi nào?
Thông thường, không có một quy định bắt buộc về việc yêu cầu phụ nữ mang thai phải xét nghiệm máu. Tuy nhiên, xét nghiệm máu là cần thiết đối với các thai phụ, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu vì lý do gì đó mà chưa làm xét nghiệm máu trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai phụ cần tham khảo tư vấn của bác sĩ để có hướng can thiệp và xử trí phù hợp.
Ngoài ra, vào khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ trở đi, khi thực hiện đăng ký sinh ở một số bệnh viện thì các thai phụ cũng phải tiến hành xét nghiệm máu. Việc này nhằm mục đích kiểm tra các chỉ số nhóm máu, một số bệnh về máu hay sự đông máu,... để có sự chuẩn bị cho quá trình “vượt cạn” sau này.
Xét nghiệm máu cho bà bầu ở đâu? Thực tế, các cơ sở y tế đều có khoa xét nghiệm máu cho bà bầu. Thông thường, khi đi khám thai định kỳ, thai phụ sẽ được bác sĩ hẹn thời gian và địa điểm làm các xét nghiệm máu.
3. Các xét nghiệm máu khi mang thai gồm những gì?
Sau khi nắm được bà bầu cần xét nghiệm máu khi nào, các thai phụ nên chú ý tới vấn đề: Bà bầu cần xét nghiệm những gì? Theo đó, bà bầu sẽ cần phải xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sàng lọc di truyền (với kỹ thuật sinh thiết gai nhau và chọc dò nước ối).
Riêng về xét nghiệm máu, thời điểm để thực hiện là vào buổi sáng. Trước khi tiến hành xét nghiệm máu, thai phụ cần nhịn ăn để đảm bảo thu được kết quả chính xác nhất. Quy trình lấy máu rất nhanh, thường không đau. Một số trường hợp thai phụ có thể cảm thấy hơi đau nhói hoặc thâm tím tại vết lấy máu nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất nên mẹ bầu không cần quá âu lo.
Các chỉ số xét nghiệm máu cần thiết của thai phụ gồm:
- Nhóm máu: Giúp nhận biết thai phụ thuộc nhóm máu nào để kịp thời xử trí trong trường hợp cần truyền máu khẩn cấp (ví dụ như bị chảy máu nhiều khi mang thai hoặc sinh con);
- Yếu tố Rh: Giúp nhận định thai phụ mang Rh+ hay Rh- để bác sĩ có hướng can thiệp giảm thiểu yếu tố rủi ro cho trẻ nếu chỉ số này bất thường;
- Kiểm soát tình trạng thiếu máu: Giúp bác sĩ đánh giá xem thai phụ có bị thiếu máu không để kịp thời can thiệp;
- Hàm lượng sắt trong máu: Giúp bác sĩ phát hiện sớm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở thai phụ để kịp thời bổ sung hàm lượng sắt cần thiết cho cơ thể.
Phát hiện một số loại bệnh thông qua các xét nghiệm máu ở thai phụ:
- HIV: Nếu phát hiện người mẹ mang virus HIV thì bác sĩ có thể can thiệp giảm nguy cơ truyền bệnh cho trẻ;
- Viêm gan siêu vi B: Từ xét nghiệm máu, bác sĩ có thể phát hiện người mẹ có mang virus viêm gan siêu vi B hay không. Nếu người mẹ có virus viêm gan B thì sau khi sinh trẻ sẽ được tiêm chủng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh;
- Bệnh tiểu đường: Nếu có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ thì các bà bầu cần làm xét nghiệm dung nạp glucose giữa tuần 24 và tuần 28 của thai kỳ. Nếu phát hiện tiểu đường thai kỳ thì bác sĩ sẽ có hướng can thiệp thích hợp để tránh gây nguy hiểm cho mẹ và bé;
- Nguy cơ bị Down: Thai phụ sẽ được xét nghiệm máu vào giữa tuần 10 và 18 của thai kỳ để xác định nguy cơ bị bệnh Down của trẻ. Ngoài ra, nguy cơ này cũng được phát hiện sớm qua siêu âm đo độ mờ da gáy;
- Vấn đề khác: Phát hiện bệnh Rubella, giang mai, tế bào hình liềm,... ở mẹ bầu để có hướng can thiệp thích hợp trước khi sinh, tránh lây bệnh cho bé.
Với câu hỏi bà bầu cần xét nghiệm máu khi nào thì đáp án là trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ và từ tuần 28 trở đi (khi đăng ký sinh). Để đảm bảo có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh thì thai phụ nên thực hiện các xét nghiệm cần thiết, từ đó giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời những vấn đề có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai: Mẹo phòng ngừa
- Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai
- Phụ nữ mang thai bị mất ngủ và rối loạn tiền đình nên dùng thuốc gì?