Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quốc Bản - Trưởng khoa Sản phụ - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Phụ nữ có thai mắc COVID-19 là điều không ai mong muốn. Sau khi khỏi bệnh một số bà bầu bị ho hậu COVID-19 khiến thai kỳ gián đoạn hoặc suy giảm sức khỏe. Vậy bà bầu ho hậu COVID-19 có nguy hiểm không?
1. Những vấn đề thường gặp khi bà bầu dính Covid
Giai đoạn mang thai có ý nghĩa với sự phát triển của thai nhi. Cơ thể phụ nữ khi đang mang thai sẽ yếu hơn do nguồn dinh dưỡng cần cung cấp cho thai nhi. Lúc này virus có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể nếu thai phụ suy giảm hệ miễn dịch hoặc không đảm bảo chế độ sinh hoạt lẫn dinh dưỡng hợp lý. Virus corona cũng không ngoại lệ và nó luôn sẵn sàng tấn công cơ thể.
Theo nghiên cứu, virus Corona chủ yếu lây qua ô hấp. Các vấn đề cảm cúm hắt hơi lại dễ gặp ở bà bầu nên có thể một số trường hợp sẽ chủ quan không kiểm tra. Đây chính là tiền đề cơ sở tăng nguy cơ nhiễm virus và gây ra di chứng hoặc biến chứng nặng sau khi bà bầu mắc COVID-19 .
Khi người đối diện ho hay hắt hơi, lượng virus sẽ phát tán ra không khí. Trong khoảng cách dưới 2 mét sẽ tăng nguy cơ truyền nhiễm cao nhất. Thêm vào đó virus còn bám tại bề mặt trong thời gian dài. Nếu bà bầu vô tình chạm vào bề mặt có virus sau đó đặt tay lên mắt, mũi hay miệng thì virus SARS - CoV-2 sẽ có cơ hội xâm nhập và tấn công.
Bà bầu mắc COVID-19 có thể xuất hiện một trong các triệu chứng sau:
- Sốt cao, ho khan, hụt hơi, khó thở;
- Dễ bị lạnh, đau nhức cơ bắp, cơ thể uể oải mệt mỏi;
- Đau họng, đau đầu, vị giác và khứu giác kém đi;
- Sổ mũi kèm ngạt mũi;
- Rối loạn tiêu hóa, nôn, khó ăn...
Những biểu hiện phổ biến thường xuất hiện trong 2 tuần đầu tính từ thời gian tiếp xúc với virus (F0).
Khi bà bầu xác định đã tiếp xúc gần với F0, cần cách ly theo dõi trong 5 ngày và đeo khẩu trang khử khuẩn. Sau quá trình theo dõi triệu chứng, tình trạng nhiễm bệnh sẽ được phân loại. Tuy nhiên nếu bà bầu mắc COVID-19 không triệu chứng thì nguy cơ di chứng cũng không được loại trừ. Do vậy không nên chủ quan nếu đã tiếp xúc gần với F0.
2. Bà bầu mắc COVID-19 cần làm gì?
Sự hạn chế về thuốc điều trị cho bà bầu khiến quá trình điều trị khó khăn hơn. Thêm vào đó sự ảnh hưởng của virus với thai nhi luôn được cảnh báo ở mức nghiêm trọng nên bà bầu cần lưu ý :
2.1. Tìm hiểu thông tin về di truyền của virus
Theo các báo cáo thống kê về nguy cơ lây truyền virus từ mẹ qua thai nhi, trường hợp này thường hiếm xảy ra. Lây truyền dọc từ người mẹ vào bào thai chỉ chiếm khoảng 2% số thai phụ bị mắc COVID-19 Tuy nhiên nếu xác định được em bé bị nhiễm covid từ mẹ nên chú ý chăm sóc điều trị từ sớm. Bên cạnh đó, những dữ liệu hiện tại cho thấy em bé mắc COVID-19 từ mẹ sau sinh hiện chưa gặp vấn đề quá nghiêm trọng nhưng cần được theo dõi thêm để phát hiện sớm các bất thường.
2.2. Kiểm tra mũi tiêm chủng cần thiết
Vắc-xin là giải pháp để giảm nhẹ biến chứng và phản ứng cho người nhiễm covid. Bà bầu cũng nằm trong danh sách được tiêm chủng vắc-xin phòng covid. Hiện nay, bà bầu sẽ được chỉ định tiêm vắc-xin Pfizer hoặc Modera để phòng ngừa di chứng hậu COVID-19 và giảm nhẹ triệu chứng khi vô tình bị nhiễm.
Tiêm phòng cúm nên được thực hiện với phụ nữ đang mang thai. Mặc dù virus cúm và virus corona không phải là 1 nhưng điều đó sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp trong quá trình mang thai. Đặc biệt là 3 tháng đầu, nếu người mẹ mắc cúm sẽ tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Mặc dù tiêm cúm không giảm nguy cơ mắc COVID-19 nhưng sẽ hạn chế xuất hiện triệu chứng nặng nếu có bệnh nền về đường hô hấp do cúm gây ra.
2.3. Khám thai định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ ngoài bảo đảm sự phát triển của thai nhi còn kiểm soát an toàn cho cả mẹ. Dù bà bầu bị dính covid vẫn cần được kiểm tra thai kỳ theo lịch.
Do sự lây nhiễm của COVID-19 phức tạp ảnh hưởng lớn đến xã hội, bạn cần báo nếu dương tính cho bác sĩ để được hỗ trợ. Nếu sức khỏe và sự phát triển của thai nhi ổn bác sĩ sẽ cho giãn cách lịch khám. Một số trường hợp có thể thảo luận từ xa cùng bác sĩ.
3. Nguy cơ bà bầu bị ho hậu COVID-19 cùng các di chứng cao không
Hầu hết bà mẹ mang thai có giảm hệ miễn dịch do nhu cầu dinh dưỡng và hoạt động của các cơ quan cao hơn bình thường. Từ đó, phụ nữ đang mang thai sẽ có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng nếu mắc COVID-19 .
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, biến chứng COVID-19 gây nên rất nghiêm trọng. Thời điểm này dễ xuất hiện dị tật các bộ phận ở thai nhi. Trong tình huống xấu nhất sẽ dẫn đến sinh non và đe dọa tính mạng của cả người mẹ.
Bà bầu bị ho hậu COVID-19 có một phần nguyên nhân phổi tổn thương. Theo nghiên cứu, cơn ho có thể gây ra co thắt tử cung. Đây là điều không nên xuất hiện trong thai kỳ vì nó sẽ dẫn đến sinh non. Thêm vào đó, ho nhiều làm đau đầu mệt mỏi sẽ ảnh hưởng tâm lý và sinh hoạt của thai phụ.
Tâm lý của người mẹ thường sẽ phản ánh tính cách của thai nhi sau này. Quá trình mang thai không chỉ là nuôi dưỡng thể chất và còn quyết định cả khí chất của đứa trẻ sau này. Vì thế nuôi con tốt từ trong bào thai sẽ giúp ích nhiều cho sự phát triển nhân cách của em bé sau này.
4. Ảnh hưởng của COVID-19 với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Tuy nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ mẹ sang con là thấp nhưng khi quá trình chuyển dạ, tiếp xúc vô tình là điều kiện khiến em bé bị nhiễm bệnh dịch. Theo một số thống kê được công bố, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng dưới 12% nếu mẹ nhiễm COVID-19.
Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn đang hoàn thiện, kèm theo hệ hô hấp yếu trong những tháng đầu vì trẻ còn đang tập làm quen với môi trường. Điều này khiến cho nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp tăng cao với trẻ nhỏ. Nhưng hầu hết trẻ mới sinh được xác định dương tính với COVID-19 sẽ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Một số có thể đã khỏi bệnh nhờ miễn dịch nhận từ mẹ hoặc khả năng chống virus cơ thể của bé tốt.
Bà bầu bị ho hậu COVID-19 có ảnh hưởng đến thai nhi vì những cơn ho kéo dài sẽ dễ gây kích thích tử cung co thắt. Ngoài ra khi ho kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể dẫn đến dinh dưỡng và miễn dịch truyền cho thai nhi bị suy giảm. Để đảm bảo an toàn cho bà bầu mắc COVID-19 hãy báo cho bác sĩ khi xuất hiện biểu hiện bất thường để điều trị sớm hạn chế tối đa nguy hiểm cho cả mẹ và con.
- Các xét nghiệm cần thiết cho trẻ hậu Covid
- Rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID
- Sốt 5 ngày không khỏi có nguy cơ mắc covid không?