17-01-2024 12:51

Ảnh hưởng khi trẻ bị thừa flour

Ảnh hưởng khi trẻ bị thừa flour

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Fluor là vi chất dinh dưỡng tham gia tạo ngà răng, men răng, hỗ trợ quá trình phát triển răng và xương. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc fluor với nồng độ cao, kéo dài, có thể dẫn đến trẻ bị thừa fluor, từ đó gây ra tình trạng nhiễm fluor răng và nhiễm fluor xương.

1. Nguyên nhân gây thừa fluor ở trẻ em

Trong thức ăn và nước uống hàng ngày cho trẻ em luôn có một lượng fluor nhất định. Tuy nhiên nếu cha mẹ thường xuyên cho con tiếp xúc với một hàm lượng cao fluor sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị thừa fluor và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Trẻ bị thừa fluor khi tiếp xúc thường xuyên với các nguồn fluor sau đây:

  • Cha mẹ cho trẻ uống nhiều thuốc fluor ngay từ khi con còn nhỏ với quan niệm bổ sung lượng flour giúp răng bé chắc khỏe và không bị vi khuẩn xâm nhập mà không cân nhắc đến nồng độ gây hại cho trẻ.
  • Một số địa phương thêm fluor vào nguồn nước để giảm tỷ lệ sâu răng, nhưng nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép hoặc bổ sung ở các vùng không bị thiếu fluor.
  • Sử dụng các loại thuốc tẩy trắng răng chứa nhiều fluor.
  • Sử dụng quá nhiều nước súc miệng, kem đánh răng chứa fluor.
Trẻ bị thừa fluor
Trẻ bị thừa fluor có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe

2. Dấu hiệu thừa fluor ở trẻ em

2.1 Nhiễm Fluor răng

Biểu hiện thường gặp của trẻ bị thừa fluor là nhiễm fluor răng, các dấu hiệu này hay xảy ra ở giai đoạn trước khi mọc răng và gây đổi màu răng hoặc răng bị ăn mòn. Giai đoạn từ 1- 4 tuổi là giai đoạn răng trẻ liên tục phát triển và hoàn thiện về kích thước, mức độ cứng và độ bóng của bề mặt răng, vì vậy những ảnh hưởng khi trẻ bị thừa flour thường biểu hiện ở giai đoạn này.

Nhiễm flour răng do trẻ bị thừa fluor sẽ làm thay đổi màu sắc và hình thái bề mặt của răng. Các mức độ răng nhiễm fluor được nhận biết thông qua các chỉ số do H. Trendley Dean công bố vào năm 1934 như sau:

  • Răng bình thường: Thân răng nhẵn bóng, láng mịn và có màu trắng kem bình thường, không xuất hiện đốm trắng
  • Dấu hiệu nghi ngờ nhiễm fluor: Các đốm nhỏ có màu trắng đục xuất hiện trên bề mặt răng.
  • Dấu hiệu rất nhẹ đến nhẹ: Các đốm trắng đục bắt đầu tạo thành mảng nhưng sẽ không quá 50% bề mặt thân răng.
  • Dấu hiệu nặng: Toàn bộ bề mặt răng đều bị chuyển màu và trong số đó sẽ có những khu vực chuyển sang màu nâu.
  • Dấu hiệu rất nặng: Bề mặt răng xuất hiện nhiều lỗ.

Hiện tượng nhiễm fluor răng chỉ xảy ra trong quá trình phát triển của răng và không thể hồi phục, vì vậy cần ưu tiên ngăn ngừa nhiễm fluor răng do trẻ bị thừa fluor trong 3 năm đầu đời.

2.2 Nhiễm fluor xương

Nếu bổ sung thừa fluor dài hạn ở trẻ em (tổi thiểu 10 mg/ ngày trong khoảng 10 năm hoặc hơn nữa) cũng sẽ gây nhiễm độc fluor ở xương làm cho xương yếu, biến dạng, dễ gãy. Nhiễm Fluor xương do thừa fluor ở trẻ em là hiện tượng tăng hàm lượng fluor trong xương, các triệu chứng có thể biểu hiện:

  • Giai đoạn 1 nhiễm fluor xương: Cứng hoặc đau khớp, xơ cứng xương chậu và xương sống, hàm lượng fluor trong xương 6.000 - 7.000 mg/ kg.
  • Giai đoạn 2 và 3 nhiễm fluor xương: Các triệu chứng nặng hơn, bao gồm vôi hóa dây chằng, xơ cứng xương, loãng xương của xương dài, teo cơ và các khuyết tật về thần kinh do sự vôi hóa xương sống, hàm lượng fluor trong xương 7500 -8000 mg/ kg.

Sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của nhiễm fluor xương liên quan đến mức độ thừa fluor và thời gian tiếp xúc fluor nên tình trạng này có thể ít gặp hơn ở trẻ em.

3. Hướng xử trí khi trẻ bị thừa fluor

Tình trạng trẻ bị thừa fluor kéo dài thường biểu hiện các triệu chứng nhiễm fluor răng sớm hơn và được can thiệp, điều chỉnh kịp thời, hiếm khi gặp phải nhiễm fluor xương. Hiện tại không có phương pháp chữa trị dứt điểm các triệu chứng của trẻ bị nhiễm fluor răng, mà chỉ có phương pháp cải thiện tính thẩm mỹ cho bề mặt của răng, kết hợp với điều chỉnh lối sống nhằm ngăn ngừa tình trạng thừa fluor ở trẻ em kéo dài, hạn chế những tác động xấu hơn cho răng và xương.

3.1 Phương pháp thẩm mỹ

  • Đối với những trường hợp răng bị nhiễm fluor nhẹ, trẻ có thể được bác sĩ nha khoa xử trí bằng phương pháp tẩy trắng răng.
  • Đối với các trường hợp trẻ bị nhiễm fluor răng nặng thì tẩy trắng sẽ không có tác dụng, khi đó, để khắc phục tình trạng nhiễm fluor tốt nhất là dán veneer hoặc bọc răng sứ.
    • Dán veneer sứ chỉ là một mặt dán mỏng ở phía trước răng mang lại tính thẩm mỹ là chính, không hoàn toàn bảo vệ toàn bộ răng khỏi các yếu tố gây thừa fluor ở trẻ em.
    • Bọc răng sứ là phương pháp trẻ sẽ được chụp lên trên răng bị nhiễm fluor một mão sứ giả, vừa có tính thẩm mỹ, vừa bảo vệ răng khỏi sự tiếp xúc thêm với fluor và các tác nhân gây màu khác. Tuy nhiên khi tiến hành thủ thuật này cần phải mài răng nhiều hơn so với phương pháp dán veneer sứ.

3.2 Điều trẻ bị thừa fluor bằng cách điều chỉnh lối sống

Cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng của trẻ, phát hiện sớm và nhanh chóng thực hiện các thay đổi sau đây khi nhận biết trẻ bị thừa fluor:

  • Hạn chế cho trẻ sử dụng nước hoặc các chế phẩm có chứa nhiều fluor.
  • Sử dụng các loại nước súc miệng và kem đánh răng có chứa ít fluor.
  • Cân đối chế độ ăn, cân nhắc loại bỏ bớt các thức ăn chưa nhiều fluor.
trẻ bị thừa flour
Sử dụng các loại nước súc miệng và kem đánh răng có chứa ít fluor khi trẻ bị thừa flour

4. Một số cách phòng ngừa thừa fluor ở trẻ em

Để phòng ngừa tình trạng thừa fluor ở trẻ em, cha mẹ cần:

  • Sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng dành cho trẻ em có chứa hàm lượng flour hợp lý hoặc không chứa flour cho trẻ dưới 3 tuổi để tránh dư thừa fluor ở trẻ em.
  • Lựa chọn loại kem đánh răng, nước súc miệng chứa lượng flour không phải là biện pháp duy nhất để bảo vệ răng miệng cho trẻ. Trẻ em cần được cung cấp đầy đủ canxi và vi chất để hình thành bộ răng và hệ xương chắc khỏe.
  • Tạo môi trường sống hợp vệ sinh cho trẻ, cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý. Giúp trẻ biết thực hiện các biện pháp vệ sinh thân thể, trong đó có vệ sinh răng miệng đúng cách. Đưa trẻ đi khám nha sĩ định kỳ và nhờ tư vấn thêm về sức khỏe, vệ sinh răng miệng, nhất là việc bổ sung fluor nhằm hạn chế dư thừa fluor ở trẻ em.
  • Cơ quan chức năng fluor hóa nguồn nước sử dụng cá nhân hóa cho từng nhóm cộng đồng dân cư, chỉ fluor hóa ở địa phương và cộng đồng có sự thiếu hụt fluor. Các bậc cha mẹ cũng phải điều chỉnh việc bổ sung fluor cho trẻ tùy theo thói quen sinh hoạt và tình hình dinh dưỡng của gia đình mình.

Giống như các chất dinh dưỡng khác, fluor được bổ sung hàng ngày với liều lượng vừa đủ là tốt nhất. Việc lạm dụng, cho dù với động cơ tốt cũng đều tiềm ẩn nguy cơ dư thừa fluor ở trẻ em, tác động không tốt đến sức khỏe xương và răng, đặc biệt sức khỏe răng miệng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải nâng cao nhận thức về những ảnh hưởng của việc thừa fluor, từ đó có sự điều chỉnh việc sử dụng các chế phẩm, thực phẩm có chứa fluor trong đời sống hàng ngày nhằm hạn chế nguy cơ thừa fluor ở con trẻ.

XEM THÊM:
  • Răng trẻ sún tận chân răng có sao không?
  • Bé 26 tháng tuổi bị căng cơ yếu chưa tự đứng được phải làm thế nào?
  • Trẻ thoát vị não - màng não điều trị như thế nào?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan