Mục lục
Xương của phụ nữ đang mang thai và cho con bú phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố làm giảm chất lượng, giảm khối xương và có thể gây loãng xương, nặng hơn là biến chứng gãy xương.
1. Biểu hiện loãng xương ở bà bầu
Những biểu hiện loãng xương ở phụ nữ mang thai trong giai đoạn mới bắt đầu:
- Gãy móng, giòn móng, răng lung lay và ó vàng, rụng tóc (đặc biệt là sau khi gội).
- Đau lưng: Dấu hiệu đặc trưng nhất của chứng loãng xương ở bà bầu, cơn đau lưng có thể chỉ thoáng qua hoặc đau dai dẳng tùy theo lượng canxi mà bà bầu bị thiếu hụt;
- Chuột rút, đau nhức cơ ở đùi, bắp chân, bàn chân, tê buốt chân tay, cơn đau đặc biệt xuất hiện nhiều về ban đêm.
Biểu hiện loãng xương ở phụ nữ mang thai cấp độ nặng hơn: Co giật các cơ ở mặt hoặc tứ chi, bàn tay và ngón tay chân của bà bầu bị co rúm do hạ canxi máu quá mức.
2. Gãy xương do loãng xương ở phụ nữ mang thai có thường gặp?
Cơ thể của phụ nữ khi mang thai có khả năng tự bảo vệ xương của chính mình tốt hơn bình thường, khả năng hấp thu canxi từ thức ăn và từ các loại thuốc bổ sung cao hơn so với không mang thai, đặc biệt là ở nửa sau của thai kỳ.
Nguyên nhân gây loãng xương ở phụ nữ mang thai khá đa dạng, ngay cả việc thường xuyên đi tiểu cũng có thể dẫn đến một lượng canxi bị đào thải ra khỏi cơ thể nhiều hơn. Thai nhi càng lớn thì hệ thống xương của thai nhi càng phát triển và từ đó, nhu cần canxi càng cao. Càng về cuối thai kỳ, do nhu cầu canxi của thai nhi tăng rất cao nên cuống rốn sẽ tiết ra một lượng estrogen lớn.
Việc sản sinh ra nhiều nội tiết tố estrogen - một loại nội tiết tố có vai trò bảo vệ xương sẽ giúp khối xương bị mất trong thời kỳ mang thai được hồi phục trong vòng vài tháng sau sinh (hoặc hồi phục sau khi bà mẹ ngừng cho con bú). Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc mang thai và sinh con nhìn chung là tốt cho sức khỏe xương của phụ nữ nếu thời gian mang thai kéo dài ít nhất là 28 tuần.
Gãy xương do loãng xương ở phụ nữ mang thai là tình trạng hiếm gặp, dấu hiệu nhận biết là: Gãy xương chỉ sau một sang chấn nhẹ, vị trí gãy thường ở đốt sống hoặc ở cổ xương đùi, xuất hiện ở thời kỳ sinh con, gây đau đớn, tàn phế. Tình trạng gãy xương do loãng xương ở phụ nữ mang thai có thể liền lại như các loại gãy xương khác và cơ thể sẽ hồi phục trở lại bình thường vài tháng sau sinh hoặc sau khi ngưng cho bú.
3. Mẹ bị loãng xương có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Cơ thể bà bầu thiếu canxi thường có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, chuột rút, tê bì tay chân, nặng hơn là co giật khi lượng canxi trong máu giảm thấp - đây là tình trạng rất nguy hiểm với cả mẹ và bé trong thai kỳ. Khi mang thai, cơ thể bà bầu phải chịu đựng sức nặng của thai nhi, điều này sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương ở phụ nữ có vấn đề về loãng xương khi mang thai.
Nếu bà bầu bị thiếu canxi, mặc dù cơ thể có sự phân giải canxi từ trong xương và phóng thích vào máu để đáp ứng tạm thời nhu cầu này, sự đáp ứng này của cơ thể người mẹ chỉ có giới hạn, đến một lúc nào đó, thai nhi không thể tránh khỏi những ảnh hưởng xấu khi mẹ bị thiếu canxi trong thai kỳ: Chậm phát triển, trẻ bị còi xương bẩm sinh, khò khè bẩm sinh, dị dạng xương,...
Để xác định rõ hơn bà bầu có thiếu canxi hoặc có mắc chứng loãng xương hay không, thai phụ có thể đến bệnh viện chuyên khoa để làm các xét nghiệm cần thiết.
Rất nhiều người quan điểm rằng, chúng ta chỉ cần áp dụng các biện pháp dự phòng loãng xương ở phụ nữ mang thai nhưng trên thực tế, vấn đề loãng xương cũng thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú. Trong quá trình cho con bú, lượng canxi của mẹ sẽ cung cấp cho trẻ qua sữa, lượng mất canxi của mẹ sẽ phụ thuộc vào số lượng sữa của mẹ, số lần trẻ bú trong ngày và thời gian mỗi lần bú. Thời kỳ cho con bú làm việc sản sinh estrogen của cơ thể mẹ bị giảm, đây là một trong các nguyên nhân gây loãng xương thường gặp ở phụ nữ. Tuy nhiên, may mắn là tình trạng loãng xương này ở phụ nữ trong thời kỳ sinh nở sẽ hồi phục nhanh ở các mẹ sau khoảng 6 tháng sau khi ngừng cho bé bú.
4. Bổ sung canxi cho bà bầu rất quan trọng để phòng ngừa loãng xương
Canxi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành xương và răng của thai nhi trong bụng mẹ, do đó, khi mang thai thai, nhu cầu canxi của cơ thể thai phụ tăng lên như sau:
- Trong 3 tháng đầu, nhu cầu canxi cần bổ sung mỗi ngày cho bà bầu là 800mg.
- Trong 3 tháng giữa, nhu cầu canxi cần bổ sung mỗi ngày cho bà bầu là 1.000mg.
- Trong 3 tháng cuối và khi nuôi mẹ cho con bú, nhu cầu canxi cần bổ sung mỗi ngày là 1.500mg.
Trước hết, phụ nữ có thai cần bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi như: Cua đồng, tôm đồng, sữa, sữa bột đậu nành, cà rốt, vừng,...
Ngoài ra, phụ nữ mang thai và cho con bú cần bổ sung thêm canxi thông qua các loại thuốc, tốt nhất là sử dụng các loại biệt dược chứa canxi và vitamin D3 theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì dư thừa canxi hay dư thừa vitamin D đều gây hại cho cơ thể của mẹ và bé. Để thuận lợi nhất cho việc hấp thu canxi trong thai kỳ, bà bầu cần chú ý không nên ăn rau cùng lúc với thời điểm uống thuốc bổ sung canxi, vì cellulose có trong rau sẽ có nguy cơ giữ lại hết canxi, ngăn hấp thu vào máu.
Một điểm cần chú ý khác là với các thai phụ khỏe mạnh, việc sử dụng biệt dược chứa canxi loại nào cũng được, tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt thai phụ cần phải cân nhắc như: Bà bầu bị đái tháo đường không dùng các chế phẩm canxi quá ngọt, bà bầu không nên sử dụng biệt dược chứa calci gluconat, những bà bầu được yêu cầu kiêng muối thì không dùng biệt dược canxi có chứa nhiều natri.
Ngoài tình trạng loãng xương khi mang thai, bà bầu có thể đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn kỹ hơn về các vấn đề thường gặp trong thai kỳ. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D, 5D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.
Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.
Bài viết tham khảo: thaythuocvietnam.vn, tudu.com.vn
- Các dấu hiệu thai chết lưu mà các mẹ bầu cần biết
- Hướng dẫn bổ sung canxi cho bà bầu trong suốt thai kỳ
- Những cách điều trị khi bà bầu bị viêm họng