Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Mề đay tự phát mãn tính là tình trạng phát ban mãn tính nổi mụn đỏ hoặc váng trên da dẫn đến ngứa. Những người bị mề đay tự phát mãn tính thường có các đợt bùng phát trong vài năm. Hiện không có nguyên nhân bị mề đay tự phát mãn tính rõ ràng nhưng dưới đây là một số tác nhân tiềm ẩn mà bạn nên biết để hiểu rõ hơn tình trạng này.
1. Căng thẳng và lo lắng có thể là tác nhân gây mề đay tự phát mãn tính
Không phải tất cả các tác nhân gây mề đay tự phát mãn tính đều là sinh lý. Chúng cũng có thể là do tâm lý, xuất phát từ căng thẳng hoặc lo lắng. Trạng thái tinh thần của bạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc biểu hiện các triệu chứng, do đó, giảm mức độ căng thẳng của bạn cũng có thể kiểm soát các triệu chứng.
Nếu bạn thấy thường xuyên lo lắng, hãy thử một số hoạt động giảm căng thẳng như thiền, tập thở hoặc yoga.
2. Gãi là nguyên nhân bị mề đay
Mặc dù động tác gãi tại vùng da ngứa sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn tạm thời, nhưng đây có thể là nguyên nhân kích thích mề đay tự phát mãn tính.
Gãi có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn, trong đó bạn nhận thức rõ hơn về vết ngứa và không thể ngăn bản thân tập trung vào nó. Điều này dẫn đến việc gãi nhiều hơn và thậm chí còn nặng hơn là nổi mề đay.
3. Thú cưng của bạn
Nếu bạn nhận thấy sự xuất hiện của phát ban khi ở gần một số động vật nhất định, lông thú cưng có thể là nguyên nhân gây mẩn ngứa mề đay.
Bạn không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp với động vật để xảy ra phản ứng. Các vảy da có thể rụng ở những nơi mà động vật có thể lui tới, điều này đủ để gây ra phản ứng.
4. Tiếp xúc ở ngoài trời
Ở bên ngoài trong mùa hè có thể là nguyên nhân mẩn ngứa mề đay tự phát mãn tính. Phấn hoa, côn trùng cắn và sức nóng của mặt trời đều có thể dẫn đến phát ban, ngứa trên da của bạn.
Để hạn chế được những tác nhân này, hãy bôi thuốc xịt côn trùng, mặc áo dài tay và quần dài để ngăn côn trùng cắn. Cân nhắc đội mũ để bảo vệ bạn khỏi ánh nắng mặt trời.
Mặt khác, cái lạnh liên quan đến mùa đông (hoặc điều kiện lạnh như bể bơi) có thể gây bùng phát ở một số người. Yêu cầu bác sĩ cho thử đá viên để xem có phản ứng dị ứng xảy ra hay không. Nếu phát hiện ra rằng lạnh là nguyên nhân gây ra bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị thích hợp, bao gồm cả việc bảo vệ da của bạn trong nhiệt độ lạnh.
5. Các bệnh lý khác
Sổ mũi và nổi mề đay có mối liên hệ với nhau. Bất cứ điều gì từ nhiễm trùng đường hô hấp do vi-rút đến nhiễm trùng răng miệng đều có thể là nguyên nhân khởi phát. Hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt, tránh không làm cho tình trạng nổi mề đay của bạn trở nên tồi tệ hơn.
6. Tập thể dục
Tập thể dục, đặc biệt là tập thể dục mạnh có thể khiến bạn đổ mồ hôi, có thể là nguyên nhân bị bệnh mề đay tự phát mãn tính của bạn.
Bạn không nhất thiết phải ngừng tập thể dục hoàn toàn, nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ về cách kiểm soát các triệu chứng. Họ có thể đề xuất các bài tập ít tác động như đạp xe, bơi lội hoặc yoga. Những bài tập này sẽ không khiến bạn đổ nhiều mồ hôi nhưng chúng vẫn giúp cơ thể vận động.
7. Chu kỳ kinh nguyệt của bạn
Các hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể đóng một vai trò trong việc kích hoạt nổi mề đay. Nếu bạn nhận thấy rằng các cơn bùng phát mề đay dường như xảy ra cùng thời điểm chu kỳ kinh một cách thường xuyên thì nó có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hãy gặp bác sĩ để có thể có cách điều trị thích hợp.
8. Mặc quần áo quá chật
Quần áo quá chật có thể là nguyên nhân bị mề đay tự phát mãn tính. Thay vào đó, hãy cố gắng chọn quần áo rộng rãi và thoải mái.
Tóm lại, một trong những cách tốt nhất để tìm ra nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng mề đay tự phát mãn tính là ghi nhật ký theo dõi. Bạn hãy ghi lại ngày bắt đầu, cường độ của các triệu chứng và bất kỳ hoạt động bất thường nào. Bạn có thể không bao giờ kiểm soát được hoàn toàn các triệu chứng mề đay tự phát mãn tính nhưng hiểu được các yếu tố có thể giúp bạn hạn chế được việc bùng phát bệnh thường xuyên hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Dịch vụ cộng đồng AAFA. (2017). Nổi mề đay sẽ không biến mất: Những điều cơ bản về CIU.
Community.aafa.org/blog/chronic-idiopathic-urticaria-hives-that-won-t-go-away-ciu - Dị ứng với động vật: Tổng quan. (2017).
ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK447109/ - Deacock SJ. (2008). Cách tiếp cận bệnh nhân nổi mề đay. DOI:
10.1111 / j.1365-2249.2008.03693.x - Nổi mề đay (mày đay). (nd).
acaai.org/allergies/types-allergies/hives-urticaria
- Công dụng thuốc Allerphast
- Nguyên nhân khiến cơ thể mẩn ngứa trong mùa nắng nóng
- Có thể chữa Eczema bằng đông y?