17-01-2024 13:30

8 lời khuyên để chữa lành đứa trẻ nội tâm bên trong bạn

8 lời khuyên để chữa lành đứa trẻ nội tâm bên trong bạn

Mọi người đều có một đứa trẻ nội tâm bên trong. Bạn có thể xem đứa trẻ bên trong này là hình ảnh đại diện trực tiếp cho chính bạn trong những năm đầu đời, những mảnh ghép về các giai đoạn phát triển mà bạn đã trải qua, hoặc là biểu tượng của những ước mơ và sự vui tươi của tuổi trẻ.

Chuyên gia tâm lý học giải thích rằng nhận thức về đứa trẻ bên trong có thể giúp bạn nghĩ về những năm tháng nhẹ nhàng và vô tư trước đây. Sống lại với những niềm vui của tuổi thơ có thể là một cách tuyệt vời để đối mặt với khoảng thời gian đầy thử thách trong hiện tại.

Nhưng thực tế thì không phải ai cũng có tuổi thơ vui tươi và thú vị. Nếu bạn đã từng bị bỏ rơi, bị chấn thương hoặc đau đớn về cảm xúc, đứa trẻ nội tâm bên trong sẽ dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ. Bạn có thể đã chôn sâu nỗi đau này để che giấu quá khứ và bảo vệ bản thân.

Tuy nhiên che giấu nỗi đau không thể giúp chữa lành đứa trẻ nội tâm. Thay vào đó, đứa trẻ này sẽ thường xuất hiện bất chợt trong cuộc sống của bạn khi trưởng thành, thể hiện qua sự đau khổ của bạn giữa các mối quan hệ cá nhân hoặc khó đáp ứng nhu cầu của bản thân. Sau đây là 8 lời khuyên để chữa lành nội tâm bên trong của bạn, từ đó giải quyết được một số vấn đề tâm lý mà bạn đang gặp phải.

1. Thừa nhận sự tồn tại đứa trẻ nội tâm bên trong bạn

Đây là bước đầu tiên của quá trình chữa lành. Bất kỳ ai cũng có thể tiếp xúc với đứa trẻ bên trong của mình nếu sẵn sàng cởi mở để khám phá. Ngược lại, nếu cảm thấy nghi ngờ hoặc không muốn nhìn lại quá khứ, bạn sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu quá trình chữa lành.

Nếu cảm thấy hơi kỳ lạ hoặc lúng túng, hãy thử nghĩ về đứa trẻ nội tâm như một quá trình khám phá bản thân. Hãy tạm gác lại khái niệm mới mẻ này và chỉ nghĩ về một vài trải nghiệm đáng nhớ trong thời thơ ấu. Đó có thể là những điều tích cực, hoặc những người đã làm bạn tổn thương hay khó chịu. Có lẽ hiện tại dù đã trưởng thành, bạn vẫn còn mang nỗi đau từ những sự kiện đó.

Quá trình thừa nhận đứa trẻ bên trong bạn hầu hết là tìm ra và chấp nhận những điều đã khiến bạn đau đớn trong thời thơ ấu. Đưa những nỗi đau này ra ánh sáng có thể giúp bạn hiểu tác động của chúng đối với mình. Nhiều người cảm thấy nhẹ nhàng khi trò chuyện với đứa trẻ bên trong của họ như một con người thật sự, vì vậy đừng ngại thử.

2. Lắng nghe đứa trẻ nội tâm bên trong bạn

Sau khi mở ra cánh cửa kết nối với đứa trẻ bên trong, điều quan trọng là bạn phải lắng nghe nỗi lòng của mình. Những cảm giác này thường xuất hiện trong những tình huống tạo cảm xúc mạnh, sự khó chịu hoặc vết thương cũ. Bạn có thể nhận thấy:

  • Tức giận vì không được đáp ứng nhu cầu
  • Bị từ bỏ hoặc từ chối
  • Bất an
  • Dễ tổn thương
  • Tội lỗi hoặc xấu hổ
  • Lo ngại.

Nếu những cảm giác này xuất hiện khi bạn nhớ lại sự kiện cụ thể trong thời thơ ấu, bạn có thể nhận ra những tình huống tương tự trong cuộc sống trưởng thành cũng kích hoạt những phản ứng tương tự.

Ví dụ: Người bạn đời/ người yêu của bạn đột nhiên bận rộn công việc và không có thời gian cho buổi hẹn hò mà hai bạn đã lên kế hoạch. Mặc dù bạn biết họ muốn dành thời gian cho bạn, nhưng bạn vẫn cảm thấy như bị mình từ chối và thất vọng. Sự thất vọng thể hiện qua hành động bước vào phòng và đóng sầm cửa lại, giống như một đứa trẻ con.

Dựa vào đứa trẻ nội tâm bên trong, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn trong tình huống này. Bạn nhận ra công việc đột xuất của người ấy khiến bạn cảm thấy giống như ngày xưa bố mẹ bạn đã từng hủy kế hoạch đi chơi, thậm chí là bữa tiệc sinh nhật của bạn, vì lịch trình bận rộn của họ.

Bằng cách lắng nghe cảm xúc của đứa trẻ bên trong bạn và để bản thân trải nghiệm, bạn sẽ xác định được nỗi đau khổ đã từng trải qua - bước đầu tiên cần thiết nếu muốn vượt qua nó.

3. Viết một bức thư

Để mở đầu quá trình chữa lành đứa trẻ nội tâm, chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên viết một lá thư cho đứa trẻ này. Bạn có thể viết về những kỷ niệm thời thơ ấu dưới góc nhìn của người lớn, kèm theo lời giải thích sâu sắc cho những hoàn cảnh đau buồn mà khi còn nhỏ bạn không hiểu.

Ví dụ, khi còn nhỏ bạn không hiểu tại sao anh trai luôn hét vào mặt bạn và đập phá đồ chơi của bạn, khiến bạn luôn sợ anh ấy. Giờ đây bạn nhận ra rằng anh ấy đã phải trải qua nhiều năm bị bắt nạt và lạm dụng, nên có lý do để thịnh nộ với bạn. Chia sẻ điều này với đứa trẻ bên trong có thể giúp xoa dịu những nỗi đau kéo dài.

Một lá thư cũng cho bạn cơ hội đưa ra những thông điệp trấn an và an ủi. Những gợi ý câu hỏi để tiếp tục cuộc đối thoại với đứa trẻ nội tâm bao gồm:

"Bạn cảm thấy thế nào?"

"Tôi có thể giúp bạn bằng cách nào?"

"Bạn cần gì ở tôi?"

Ngồi tĩnh lặng và suy nghĩ nghiêm túc về những câu hỏi này có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời cho chính mình, mặc dù có thể mất một thời gian.

Viết một bức thư
Viết một bức thư giúp chữa lành đứa trẻ nội tâm trong bạn

4. Hãy thử thiền

Thiền là một phương pháp tuyệt vời để mở ra câu trả lời cho bản thân. Thiền có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt có liên quan trực tiếp đến hoạt động của đứa trẻ bên trong bạn.

Đầu tiên, thiền định giúp tăng cường nhận thức về bản thân, dạy bạn chú ý hơn đến những cảm giác xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Quan tâm sâu sắc đến cảm xúc của mình giúp bạn dễ dàng nhận thấy không cần phản ứng vô ích trong các tình huống cụ thể.

Thiền cũng giúp bạn thoải mái hơn với những cảm xúc không mong muốn. Trẻ em thường không thể bày tỏ những cảm xúc khó chịu một cách rõ ràng, nhất là trong môi trường giáo dục không khuyến khích thể hiện bản thân. Các bé có thể kìm nén hoặc chôn vùi những cảm xúc này để tránh bị trừng phạt hoặc nhận được lời khen ngợi từ người lớn.

Cảm xúc - dù là tích cực hay tiêu cực, đều cần được trải nghiệm và thể hiện. Kìm nén cảm xúc bên trong thường là vô ích, thậm chí có hại. Thiền giúp bạn thực hành thừa nhận bất kỳ cảm xúc nào xuất hiện trong cuộc sống của mình. Dần dần khi đã quen, bạn sẽ thấy dễ dàng thể hiện những cảm xúc đến bất chợt theo cách lành mạnh. Đồng thời đứa trẻ nội tâm cũng biết rằng cảm xúc cần được bộc lộ ra ngoài.

Bạn cũng có thể thử thiền bằng cách gửi cảm xúc yêu thương đến đứa trẻ bên trong bạn. Hình dung diện mạo và đến thăm chúng với tư cách một người trưởng thành.

5. Thay đứa trẻ bên trong bạn viết nhật ký

Nhiều người nhận thấy viết nhật ký là một cách tuyệt vời để giải quyết những thử thách hoặc chuyện khó hiểu và rối loạn cảm xúc. Nếu viết nhật ký, bạn có thể nhận được rất nhiều lợi ích trong quá trình chữa lành đứa trẻ nội tâm.

Cũng giống như việc viết nhật ký thông thường giúp bạn nhận ra những mong muốn trong cuộc sống trưởng thành, viết nhật ký từ quan điểm của đứa trẻ nội tâm có thể giúp bạn nhận ra một số điều không hay bắt đầu từ thời thơ ấu.

Đối với lời khuyên này, hãy đặt bản thân hiện tại sang một bên và hóa thân thành đứa trẻ bên trong. Hãy thử xem vài bức ảnh cũ hoặc tự hình dung để gợi nhớ lại cảm giác của bạn ở một độ tuổi cụ thể.

Sau khi đặt mình vào góc nhìn thơ ấu, hãy viết ra một vài kỷ niệm và cảm xúc từ những sự kiện bạn liên tưởng đến. Cố gắng không suy nghĩ quá kỹ về những gì bạn đang viết mà hãy để lời văn tuôn chảy ra giấy một cách tự nhiên. Thể hiện cảm xúc mà không để lý trí kiểm soát có thể giúp bạn chạm tới nỗi đau của đứa trẻ bên trong.

6. Tìm lại những niềm vui của tuổi thơ

Trưởng thành sẽ đi kèm với nhiều trách nhiệm, nhưng thư giãn và vui chơi mới là điều tốt cho sức khỏe tinh thần. Nếu thời thơ ấu của bạn không có những trải nghiệm thú vị, hãy liên lạc lại với những người bạn dễ thương và dành thời gian vui chơi để giúp chữa lành nỗi đau khi còn nhỏ.

Điều quan trọng là tận hưởng những thú vui nho nhỏ, chẳng hạn như ăn kem sau khi đi dạo, chơi một số trò ngốc nghếch với người ấy hoặc con cái và tạo tiếng cười với bạn bè. Dành thời gian để vui vẻ và sảng khoái trong cuộc sống có thể giúp khơi dậy những cảm xúc tích cực của tuổi trẻ.

niềm vui của tuổi thơ
Niềm vui của tuổi thơ giúp phần chữa lành đứa trẻ nội tâm bên trong họ

7. Cởi mở

Quá trình chữa lành đứa trẻ nội tâm không phải lúc nào cũng đi đến kết quả rõ ràng. Đây thường là một cuộc hành trình có kết thúc mở.

Bạn đã bắt đầu quá trình này bằng cách tiếp cận với đứa trẻ bên trong của mình. Giờ đây, bạn có thể trau dồi nhận thức mới và tiếp tục lắng nghe sự hướng dẫn của đứa trẻ này để tiến lên phía trước.

Đứa trẻ nội tâm có thể tiết lộ nhiều hơn về những khó khăn trong quá khứ, nhưng đồng thời bạn cũng học được cách vui tươi hơn và xem xét lại những gì cuộc sống mang lại cho mình.

Hòa hợp với đứa trẻ bên trong bạn có thể dẫn đến cảm giác hoàn thiện bản thân, tăng cường sự tự tin và động lực. Hãy tiếp tục lắng nghe, bày tỏ tình yêu thương cũng như nỗ lực để chữa lành mọi vết thương còn bỏ ngỏ.

8. Tìm đến chuyên gia trị liệu tâm lý

Những tổn thương trong quá khứ có thể gây ra rất nhiều đau khổ. Các nhà trị liệu sẽ tạo ra một không gian an toàn để bạn bắt đầu điều hướng tình trạng rối loạn cảm xúc và học cách chữa lành đứa trẻ nội tâm.

Chuyên gia tâm lý có thể nhận ra những trải nghiệm thời thơ ấu và các sự kiện khác trong quá khứ đã ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ và sức khỏe của bạn như thế nào.

Tuy nhiên không phải tất cả các liệu pháp đều ưu tiên khám phá các sự kiện trong quá khứ. Ví dụ, liệu pháp nhận thức hành vi thường tập trung vào những trải nghiệm của bạn trong hiện tại. Đây cũng là một phương pháp điều trị hiệu quả cao. Nếu bạn muốn khám phá quá khứ và tìm hiểu đứa trẻ bên trong của mình, hãy tìm một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Khi nhu cầu về tình cảm, sự công nhận, khen ngợi và các hình thức hỗ trợ khác không được đáp ứng trong thời thơ ấu, thì những tổn thương có thể kéo dài trong suốt cuộc đời trưởng thành của bạn. Không bao giờ là quá muộn để chữa lành đứa trẻ nội tâm. Bằng cách nuôi dưỡng đứa trẻ bên trong, bạn có thể tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, thể hiện cảm xúc theo những cách lành mạnh và tăng tình yêu bản thân.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Nguồn tham khảo: healthline.com

XEM THÊM:
  • Tại sao người trầm cảm hay tự sát?
  • Mối liên hệ giữa mất ngủ triền miên và trầm cảm
  • Ảnh hưởng của cảm xúc tới sức khỏe

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan