Răng khôn hay còn được biết đến với tên gọi là răng số 8. Đây là răng thường mọc vào giai đoạn trưởng thành, khoảng 17 – 25 tuổi. Trong nhiều trường hợp răng khôn có thể còn mọc muộn hơn nữa, thậm chí có người qua 30 răng khôn mới xuất hiện.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Sở dĩ người ta gọi là răng khôn là vì răng được mọc khi chúng ta đã trưởng. Theo thống kê của Tổ Chức Chăm Sóc Răng Miệng Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 30% số ca trong độ tuổi trưởng thành kể trên có răng khôn mọc thẳng hoặc không mọc, các trường hợp còn lại là răng khôn mọc lệch gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm và những nỗi đau hàng đêm dai dẳng cho mỗi chúng ta.
Do răng khôn nằm trong cùng hàm nên rất khó để vệ sinh thức ăn, khiến vi khuẩn dễ dàng tích tụ. Nguy hiểm hơn khi răng khôn của bạn thích chơi trốn tìm chỉ mọc lên lấp ló một phần hoặc thích cà khịa hàng xóm đâm sang răng bên cạnh. Những sở thích của chúng vô tình làm chúng ta khó vệ sinh khiến vi khuẩn càng dễ lộng hành, và điều gì đến cũng phải đến, sâu răng khiến ta đau đớn và nhiễm trùng.
Cặp bài trùng với “sâu răng" chính là viêm lợi, vi khuẩn ở răng khôn đã gây sâu răng còn làm viêm nhiễm vùng lợi xung quanh, dẫn đến triệu chứng: đau, sưng, sốt, hôi miệng hoặc đôi khi cứng hàm khiến bệnh nhân không thể mở miệng to. Mà thế này mới éo le, viêm lợi càng ở những lần tái phát sau thì mức độ nguy hiểm ngày càng lớn.
Trong một số trường hợp, nếu những bất thường của răng khôn chưa được chữa trị kịp thời, nhiễm trùng sẽ lây lan sang các khu vực mang tai, má, mắt, cổ... xung quanh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc nhổ răng khôn sẽ giúp bảo vệ các răng lân cận khỏi những tác động xấu đến từ chiếc răng này, đảm bảo được chức năng an nhai và không hề gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Theo các chuyên gia, thời điểm nhổ răng khôn tốt nhất là độ tuổi từ 18 đến 25, khi chân răng đã hình thành được 2/3. Nếu trên 35 tuổi, nếu phẫu thuật nhổ răng khôn sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn do xương đã cứng và đặc hơn.
Lưu ý, có những trường hợp răng khôn cần được bảo tồn do một số yếu tố không cho phép nhổ:
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường...
- Răng khôn liên quan trực tiếp đến một số cấu trúc quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh...
Tóm lại, răng khôn là những chiếc răng mọc bình yên, phát triển và ổn định, điều quan trọng nhất là vệ sinh răng miệng cho tốt, tránh cho răng không giở chứng thành... răng dại. Còn nếu răng khôn có vấn đề thì chẳng khác gì một chiếc răng “dại" cần phải loại bỏ ngay.
- Dấu hiệu cảnh báo răng khôn mọc lệch
- Răng hàm trẻ em có thay không?
- Tại sao cần phải đeo thun liên hàm khi niềng răng?