Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Ợ hơi là một phản ứng bình thường của trẻ sơ sinh. Biểu hiện này thường xuất hiện chủ yếu ở những trẻ bú bình hoặc khi trẻ bước qua giai đoạn ăn dặm. Nguyên nhân là do động tác bú bình khiến trẻ nuốt nhiều không khí hơn so với trẻ bú mẹ trực tiếp và hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa được phát triển một cách toàn diện.
1. Tại sao trẻ ợ hơi?
Trẻ ợ hơi thường trông khá dễ thương và chúng có mục đích riêng. Những lần ợ hơi giúp giải phóng lượng khí thừa mắc kẹt bên trong dạ dày, giúp trẻ sơ sinh cảm thấy dễ chịu và ít quấy khóc hơn. Ngoài ra, việc trẻ ợ hơi còn giúp làm trống dạ dày khiến trẻ ngồi yên và ăn được hiệu quả hơn.
Ợ hơi kết hợp với chế độ ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên hơn cũng có ích cho những đứa trẻ hay bị nôn trớ và có các triệu chứng liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bố mẹ không nhất thiết cần vỗ ợ hơi sau mỗi bữa ăn. Một số trẻ cần giúp ợ hơi nhiều hơn, trong khi một số khác lại không cần. Nhìn chung, những đứa trẻ được bú mẹ trực tiếp không cần vỗ ợ hơi nhiều như những đứa trẻ được bú bình với sữa công thức, vì chúng có xu hướng nuốt ít hơi hơn trong khi bú. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có những đặc điểm khác nhau, vì vậy việc vỗ ợ hơi cho trẻ cần linh hoạt thay đổi tùy theo biểu hiện của từng bé.
2. Khi nào cần vỗ ợ hơi cho bé?
Nếu trẻ tỏ ra khó chịu trong khi ăn như ngồi vặn vẹo, khóc, đẩy thức ăn ra xa thì bố mẹ nên thử vỗ ợ hơi cho trẻ. Vỗ ợ hơi có trẻ nên được thực hiện sau mỗi lần bú bình khoảng 60 – 90ml hoặc giữa các lần chuyển bầu vú khi bú trực tiếp từ mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ không nên cứng nhắc tiếp tục vỗ ợ hơi sau mỗi bữa ăn, ngay cả khi trẻ cảm thấy vui vẻ hoặc buồn ngủ.
Nhiều trẻ không cần được vỗ ợ hơi khi được 4 đến 6 tháng tuổi bởi vì chúng không nuốt quá nhiều khí. Ở lứa tuổi này, trẻ đã dần biết được cách ăn uống có hiệu quả hơn.
3. Vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Có nhiều cách để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn khi ăn. Bài viết này giới thiệu 3 cách vỗ ợ hơi trẻ sơ sinh có hiệu quả mà bố mẹ có thể thử. Kinh nghiệm trong suốt quá trình nuôi con sẽ giúp tìm ra được phương pháp hiệu quả và thoải mái nhất với từng đứa trẻ.
3.1. Bế trẻ nằm trên ngực hoặc trên vai
- Lót một khăn sạch trên vai, có thể dài xuống lưng, để giữ cho áo quần của bố mẹ được sạch khi trẻ trớ hoặc phun nước bọt.
- Giữ trẻ đối diện với ngực của bố mẹ sao cho cằm của trẻ được dựa trên vai.
- Bế trẻ bằng một tay và vỗ hoặc chà nhẹ trên lưng trẻ bằng tay còn lại.
Hoặc có thể thử phương pháp thay thế khi cần kiểm soát nhiều hơn phần đầu và cổ trẻ:
- Đặt trẻ cao trên vai sao cho bụng của trẻ kê nhẹ lên vai của bố mẹ. Có thể tạo một áp lực nhẹ lên bụng trẻ, giúp trẻ ợ hơi dễ dàng hơn.
- Giữ trẻ bằng một tay trong khi tay còn lại cố gắng vỗ hoặc chà nhẹ trên lưng.
- Cần chắc chắn rằng trẻ có thể hô hấp một cách thoải mái ở tư thế này và không tụt xuống khỏi vai về sau quá nhiều. Nên quan sát tư thế của trẻ trong gương để có những điều chỉnh phù hợp.
3.2. Cho trẻ ngồi vào lòng
- Nên đeo yếm cho trẻ hoặc sử dụng miếng vải sạch lót phần ngực và bụng của bố mẹ để giữ áo quần được sạch sẽ khỏi các chất bẩn của trẻ.
- Để trẻ ngồi tựa lưng vào lòng của bố mẹ.
- Sử dụng một tay để bế trẻ, lòng bàn tay nâng đỡ phần ngực trong khi các ngón tay nhẹ nhàng nâng cằm và hàm dưới. Lưu ý không nên đặt ngón tay vào bên trong miệng của trẻ.
- Cho trẻ ngồi hướng nhẹ về phía trước và vỗ lưng trẻ bằng tay còn lại. Các động tác đều nên được thực hiện một cách nhẹ nhàng và tránh làm đau trẻ.
3.3. Cho trẻ úp mặt vào lòng bạn
- Sử dụng một miếng vải sạch lót trên ngực và bụng của người bế trẻ.
- Cho trẻ nằm úp mặt vào chân sao cho trẻ được nằm ở tư thế bắt chéo ngang qua gối và hướng vuông góc với cơ thể của bố mẹ.
- Đỡ cằm và hàm của trẻ bằng một tay. Cần chắc chắn rằng đầu trẻ không thấp hơn phần còn lại của cơ thể để đảm bảo máu không bị dồn ứ về phía đầu.
- Vỗ hoặc chà nhẹ vào lưng với tay còn lại.
Vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi bú sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, tránh nôn trớ, đặc biệt là với trẻ bú bình. Các bậc cha mẹ có thể áp dụng những cách vỗ ợ hơi được giới thiệu trong bài viết trên để thực hành cho trẻ.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động. Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com
- Các tư thế ăn uống khiến trẻ dễ sặc sữa
- Xử lý khi trẻ bị trớ xộc lên mũi
- Tránh các sai lầm sau khi xử lý trẻ hóc dị vật