Mục lục
- 1. 1. Tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?
- 2. 2. Khả năng mang thai ở phụ nữ trưởng thành?
- 3. 3. Tại sao phụ nữ lớn tuổi hơn có khả năng sinh sản kém hơn?
- 4. 4. Rủi ro khi sinh con muộn?
- 5. 5. Sinh con muộn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe phụ nữ?
- 6. 6. Tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ dị tật bẩm sinh?
- 7. 7. Có nên xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh không?
- 8. 8. Những rủi ro khác khi sinh con muộn là gì?
- 9. 9. Nên thảo luận kế hoạch sinh sản với bác sĩ hay không?
- 10. 10. Giải pháp khi chưa sẵn sàng mang thai là gì?
- 11. 11. Cần làm gì khi đã có kế hoạch mang thai?
- 12. 12. Thăm khám để chuẩn bị mang thai?
- 13. 13. Khả năng thành công của thụ tinh ống nghiệm (IVF)?
- 14. 14. Có nên đông lạnh trứng
- 15. 15. Chưa thể thụ thai thì có nên đi khám?
- 16. Đánh giá
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sau tuổi 35 - 40 không còn là giai đoạn lý tưởng nhất để phụ nữ sinh con. Tuy nhiên, dù ở độ tuổi nào, đối với phụ nữ việc được mang thai và sinh con là điều tuyệt vời nhất. Để hành trình sinh con sau 35 tuổi diễn ra suôn sẻ, chị em cần chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng đón nhận và vượt qua. 15 câu hỏi dưới đây sẽ giúp chị em trang bị thêm những kiến thức sinh đẻ sau tuổi 35.
1. Tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?
Giai đoạn sinh sản tốt nhất ở phụ nữ rơi vào khoảng giữa tuổi vị thành niên và cuối giai đoạn tuổi 20. Ở tuổi 30, khả năng sinh sản (khả năng mang thai) bắt đầu suy giảm. Sự suy giảm này trở nên nhanh hơn khi phụ nữ ở giữa tuổi 30. Ở tuổi 45, khả năng sinh sản đã giảm mạnh nên việc mang thai tự nhiên là không thể đối với hầu hết phụ nữ.
2. Khả năng mang thai ở phụ nữ trưởng thành?
Đối với các cặp vợ chồng khỏe mạnh ở độ tuổi 20 và đầu 30, có khoảng 1 trong 4 phụ nữ sẽ có thai trong bất kỳ giai đoạn nào của một chu kỳ kinh nguyệt nào. Ở tuổi 40, khoảng 1 trong 10 phụ nữ sẽ mang thai sau một chu kỳ kinh nguyệt. Khả năng sinh sản của một người đàn ông cũng giảm theo tuổi tác, nhưng không thể dự đoán được như khả năng sinh sản của một người phụ nữ.
3. Tại sao phụ nữ lớn tuổi hơn có khả năng sinh sản kém hơn?
Phụ nữ có khả năng sinh sản kém hơn khi có tuổi vì số lượng trứng cố định trong buồng trứng bắt đầu giảm. Ngoài ra, những quả trứng còn lại ở phụ nữ lớn tuổi có thể giảm chất lượng, nhiều khả năng có nhiễm sắc thể bất thường. Và khi tuổi càng cao, phụ nữ có nhiều nguy cơ rối loạn cao hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chẳng hạn như u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung.
4. Rủi ro khi sinh con muộn?
Phụ nữ có thai ở độ tuổi cuối 30 hoặc 40 có nguy cơ mắc các biến chứng cao hơn. Một số vấn đề này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ và cả thai nhi.
5. Sinh con muộn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe phụ nữ?
Phụ nữ mang thai trên 40 tuổi có nguy cơ tiền sản giật cao. Một số nguy cơ xảy ra trong quá trình mang thai có thể là do phụ nữ lớn tuổi có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trước khi mang thai hơn phụ nữ trẻ. Ví dụ, như huyết áp cao, một tình trạng trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác, có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
6. Tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ dị tật bẩm sinh?
Nguy cơ chung trong quá trình mang thai và sinh sản với bất thường nhiễm sắc thể là nhỏ. Nhưng khi phụ nữ có tuổi, nguy cơ sinh con bị dị tật hoặc nhiễm sắc thể xấu sẽ tăng lên. Hội chứng Down là vấn đề nhiễm sắc thể phổ biến nhất xảy ra với việc sinh con muộn. Nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down khoảng:
- 1 trong 1.480 trẻ có mẹ ở tuổi 20 năm
- 1 trong 940 trẻ có mẹ ở tuổi 30
- 1 trong 353 trẻ có mẹ ở tuổi 35
- 1 trên 85 ở trẻ có mẹ ở tuổi 40
- 1 trên 35 ở trẻ có mẹ ở tuổi 45.
7. Có nên xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh không?
Câu trả lời là có, các xét nghiệm sàng lọc trước sinh đánh giá nguy cơ em bé có thể được sinh ra với một khuyết tật bẩm sinh hoặc rối loạn di truyền cụ thể. Các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh có thể phát hiện nếu thai nhi có khuyết tật bẩm sinh hoặc rối loạn di truyền cụ thể. Mỗi phụ nữ nên xem xét các lựa chọn xét nghiệm có sẵn với bác sĩ phụ khoa sản khoa, hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác để đưa ra quyết định.
8. Những rủi ro khác khi sinh con muộn là gì?
Nguy cơ sảy thai và thai chết lưu lớn hơn ở những phụ nữ lớn hơn 35 tuổi. Ngoài ra, đa thai xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ lớn tuổi hơn phụ nữ trẻ. Khi cơ thể già đi, buồng trứng có nhiều khả năng giải phóng nhiều hơn một quả trứng mỗi tháng.
9. Nên thảo luận kế hoạch sinh sản với bác sĩ hay không?
Phụ nữ nên thảo luận kế hoạch cuộc sống sinh sản với bác sĩ hoặc chuyên gia sản phụ khoa mỗi năm một lần.
10. Giải pháp khi chưa sẵn sàng mang thai là gì?
Nếu phụ nữ chưa sẵn sàng mang thai hoặc quyết định không có con, họ nên sử dụng phương pháp ngừa thai để tránh mang thai nếu có quan hệ tình dục. Hãy chắc chắn sử dụng một phương pháp phù hợp với mục tiêu sinh sản, lối sống và bất kỳ điều kiện sức khỏe nào của bản thân.
11. Cần làm gì khi đã có kế hoạch mang thai?
Nếu bạn có kế hoạch mang thai, bạn nên bắt đầu bằng cách giữ cho cơ thể khỏe mạnh nhất để sẵn sàng cho quá trình thụ và mang thai. Các bước để chuẩn bị và hướng tới một sức khỏe tốt bao gồm ngừng sử dụng đồ uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích khác như cần sa. Bạn cũng nên bắt đầu dùng bổ sung axit folic để giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh.
12. Thăm khám để chuẩn bị mang thai?
Thăm khám bác sĩ là một bước cần thiết trong quá trình chuẩn bị mang thai. Các chuyên gia y tế hoặc bác sĩ sản phụ khoa sẽ tìm hiểu về lịch sử bệnh lý trong gia đình cũng như đánh giá sức khỏe của bạn để sàng lọc các nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới thai nhi.
13. Khả năng thành công của thụ tinh ống nghiệm (IVF)?
Cơ hội thành công đối với IVF phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả sức khỏe và tuổi của bạn khi phôi được đông lạnh. Việc thảo luận với một chuyên gia sinh sản sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ hội thành công của phương pháp IVF.
14. Có nên đông lạnh trứng
Đông lạnh trứng là bảo quản lạnh noãn bào, trứng được lấy ra khỏi buồng trứng, không được thụ tinh sau đó được đông lạnh để có thể sử dụng trong IVF trong tương lai.
Đông lạnh trứng được khuyến cáo chủ yếu cho phụ nữ điều trị ung thư mà quá trình điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ trong tương lai. Hiện tại chưa có khuyến nghị hay ủng hộ việc đông lạnh trứng như một lựa chọn để sinh con muộn. Công nghệ đông lạnh trứng cũng thường có giá thành cao và có thể không được bảo hiểm chi trả.
15. Chưa thể thụ thai thì có nên đi khám?
Nếu bạn trên 35 tuổi và chưa có thai sau 6 tháng quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, hãy nói chuyện với bác sĩ sản phụ khoa hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác về đánh giá vô sinh. Nếu bạn trên 40 tuổi, nên đánh giá trước khi thử mang thai.
Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai chương trình tư vấn và chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai là chương trình được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City triển khai để giúp các cặp vợ chồng có sự chuẩn bị cho quá trình mang thai.
Video đề xuất:
Nguồn tham khảo: Healthline.com
- Trễ kinh 3 tuần, que thử thai lên 1 vạch: Có khả năng nào là mang thai không?
- Quan hệ sau ngày rụng trứng có thai không?
- Thay đổi chế độ ăn có thể tăng khả năng thụ thai