Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Phát ban da thường không gây các biến chứng nguy hiểm, nhưng nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Chúng có thể xuất hiện bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như: mặt, môi, lưỡi, cổ họng hoặc tai.
1. Phát ban da
Phát ban da ( còn gọi là mề đay) là một sự bùng phát của sưng, sưng đỏ hoặc mảng bám trên da xuất hiện đột ngột, do phản ứng của cơ thể với một số chất gây dị ứng, hoặc không rõ nguyên nhân.
Phát ban da thường gây ngứa, nhưng cũng có thể bị bỏng hoặc ngứa do châm chích. Chúng có thể xuất hiện bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như: mặt, môi, lưỡi, cổ họng hoặc tai. Phát ban có kích thước khác nhau có thể nhỏ như cục tẩy bút chì đến cái đĩa và có thể kết hợp với nhau để tạo thành các mảng phát ban lớn hơn. Tình trạng này tồn tại trong nhiều giờ, hoặc lên đến một ngày trước khi mờ dần.
Phù mạch tương tự như nổi mề đay, nhưng đó là tình trạng sưng xảy ra bên dưới da thay vì trên bề mặt. Phù mạch với đặc trưng bởi sưng sâu quanh mắt và môi và đôi khi của bộ phận sinh dục, tay chân. Thời gian tồn tại của phù mạch kéo dài hơn phát ban nhưng tình trạng sưng thường biến mất trong vòng chưa đầy 24 giờ. Phù mạch hiếm khi xuất hiện ở ở cổ họng, lưỡi hoặc phổi vì nó có thể chặn đường thở, gây khó thở; điều này có thể đe dọa đến tính mạng.
Có một số loại phát ban da khác nhau như:
- Phát ban da cấp tính: Bệnh thường kéo dài dưới sáu tuần. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số loại thực phẩm, thuốc hoặc nhiễm trùng. Côn trùng cắn. Các loại thực phẩm phổ biến nhất gây ra phát ban là các loại hạt, sô cô la, cá, cà chua, trứng, quả tươi và sữa. Thực phẩm tươi dễ gây ra phát ban hơn so với thực phẩm nấu chín. Một số phụ gia thực phẩm và chất bảo quản cũng có thể là nguyên nhân.
Các loại thuốc có thể gây phát ban và phù mạch bao gồm aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác như ibuprofen, thuốc huyết áp cao (thuốc ức chế men chuyển) hoặc thuốc giảm đau như codein.
- Phát ban da mãn tính và phù mạch: Thường kéo dài hơn sáu tuần. Nguyên nhân của loại phát ban này thường khó xác định hơn so với những người bị phát ban da cấp tính. Đối với hầu hết những người bị phát ban mãn tính, nguyên nhân gây bệnh không thể xác định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể là do bệnh tuyến giáp, viêm gan, nhiễm trùng hoặc ung thư.
Mề đay mãn tính và phù mạch có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác như phổi, cơ và đường tiêu hóa. Các triệu chứng bao gồm đau nhức cơ, khó thở, nôn và tiêu chảy.
- Phát ban vật lý: Phát ban do kích thích vật lý trực tiếp của da - ví dụ, lạnh, nóng, phơi nắng, áp lực, đổ mồ hôi và tập thể dục. Phát ban thường xảy ra ngay tại nơi da bị kích thích và hiếm khi xuất hiện ở nơi khác. Hầu hết tình trạng này xuất hiện trong vòng một giờ sau khi tiếp xúc.
- Dermatographism: Đây là một dạng phát ban vật lý phổ biến sau khi gãi da. Những phát ban này cũng có thể xảy ra cùng với các dạng nổi mề đay khác.
2. Nguyên nhân gây phát ban da
Phát ban dị ứng và phù mạch hình thành khi tương tác với histamine, khi đó, huyết tương rò rỉ ra khỏi các mạch máu nhỏ trên da. Histamine là một hóa chất được giải phóng từ các tế bào chuyên biệt dọc theo mạch máu của da.
Phản ứng dị ứng, hóa chất trong một số loại thực phẩm, vết côn trùng, phơi nắng hoặc thuốc đều có thể gây giải phóng histamine. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn không thể tìm ra chính xác lý do tại sao phát ban da đã hình thành.
Các nguyên nhân dẫn đến phát ban da phổ biến là:
- Kem chống nắng và kích ứng da: Kem chống nắng có vai trò bảo vệ, dưỡng da nhưng trong một số thành phần của nó lại gây tổn thương da, nếu bạn có làn da nhạy cảm. Vì vậy, hãy tìm loại kem chống nắng không có axit para-aminobenzoic (PABA) - một thành phần có thể gây kích ứng. Đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, thoa kem chống nắng phổ rộng - ngăn chặn tia UVA và UVB - từ SPF 30 trở lên. Sử dụng kem chống nắng với kẽm oxit là một ý tưởng tốt. Đối với bé dưới 6 tháng tuổi, trước khi sử dụng kem chống nắng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Xà phòng kháng khuẩn
Xà phòng kháng khuẩn trên lý thuyết là an toàn vì có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, nhưng nó có thể gây phát ban da đối với trẻ em có làn da nhạy cảm do chứa thành phần triclosan.
- Các vấn đề về bệnh chàm với Lotion
Kem dưỡng da có vai trò trong việc cấp ẩm và giữ làn da của bé luôn mềm mại, nhưng kem dưỡng ẩm chứa mùi hương gây kích ứng cho làn da, đặc biệt là ở những trẻ em đã bị bệnh chàm. Để hạn chế tình trạng này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng kem dưỡng da cho trẻ em. Đối với những em bé có làn da khô khi sử dụng xà phòng không chà xát khi tắm.
- Khăn lau: Khăn lau trẻ em có thể chứa cồn và nước hoa gây kích ứng da. Một số khăn lau cũng có chất bảo quản có thể kích hoạt viêm da tiếp xúc dị ứng - phát ban hoặc nổi mề đay khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Thay vào đó, bạn nên sử dụng khăn ướt.
- Bột giặt: Các hóa chất trong một số chất tẩy rửa có thể kích hoạt viêm da tiếp xúc kích thích - phát ban do chạm vào thứ gì đó gây kích ứng da. Điều này phổ biến hơn ở những trẻ em bị bệnh chàm. Để giúp ngăn chặn phát ban do bột giặt, nên sử dụng chất tẩy rửa nhẹ mà không cần thêm nước hoa và thuốc nhuộm. Ngoài ra, hãy đảm bảo giặt tất cả quần áo, khăn trải giường và khăn tắm của trẻ nhỏ ít nhất hai lần để loại bỏ cặn bột giặt.
- Dầu gội và dầu xả: Một số hương liệu và hóa chất trong dầu gội và dầu xả có thể gây phản ứng trên da đầu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong dầu gội và dầu xả chứa một số thành phần như phthalates, formaldehyd và 1,4 dioxane có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Để an toàn, bạn nên tìm mua các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên với ít thành phần hương liệu, hóa chất
- Chất làm mềm vải thay thế: Các sản phẩm làm mềm vải có chứa hóa chất và nước hoa như limonene và benzyl acetate gây kích ứng da, mắt, mũi và cổ họng. Thay vào đó, hãy thử thêm 1/2 chén baking soda hoặc 1/2 chén giấm vào quá trình giũ của máy giặt để giữ cho quần áo mềm mại.
- Chất tẩy rửa gia dụng: Các chất alkylphenol ethoxylates (APEs) được tìm thấy trong một số chất tẩy rửa và chất khử trùng có thể gây ra vấn đề về hormone. Amoniac có thể gây kích ứng phổi, bỏng da và gây ngộ độc nếu nuốt phải.
- Chất bảo quản trong xà phòng: Một số loại xà phòng, ngay cả với các sản phẩm được dán nhãn cho trẻ sơ sinh có thể chứa formaldehyd - chất bảo quản có thể gây kích ứng da, mắt và phổi. Xà phòng cũng có thể kích hoạt bệnh chàm - da bị viêm. Bệnh chàm là bệnh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là nếu trước đây các trẻ có tiền sử bị dị ứng hoặc hen suyễn.
Phần lớn, tình trạng phát ban sẽ biến mất sau một thời gian ngắn, trong khi chờ phát ban da biến mất, bạn có thể thực hiện một số mẹo hữu ích dưới đây:
- Áp dụng chườm mát hoặc dùng khăn ướt vào các khu vực bị ảnh hưởng.
- Cố gắng làm việc và ngủ trong một căn phòng mát mẻ.
- Mặc quần áo nhẹ, rộng.
Nếu phát ban hoặc phù mạch xảy ra với bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức: Chóng mặt; khò khè; khó thở; co thắt ở ngực; sưng lưỡi, môi hoặc mặt.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com
- Thuốc xịt Avamys và những thông tin bạn cần biết
- Thuốc Artrodar: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
- Điều trị ngón tay cò súng ở trẻ em