Mục lục
Theo Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà Bộ Y tế ban hành ngày 21/8, F0 cách ly tại nhà khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
1. Những dấu hiệu bất thường F0 cần liên hệ y tế ngay
F0 cách ly tại nhà khi thấy xuất hiện những dấu hiệu này cần trực tiếp liên hệ trạm y tế gần nhất để có hướng xử lý kịp thời.
Thứ nhất, khó thở, thở hụt hơi, hoặc trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
Thứ hai là nhịp thở. Người lớn nhịp thở từ 21 lần trở lên mỗi phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở từ 40 lần trở lên một phút; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 30 lần một phút; thì cần liên hệ y tế ngay. Lưu ý, với trẻ em, đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.
Thứ ba là chỉ số SpO2 (nếu có thể đó) nhỏ hơn hoặc bằng 95%. Khi phát hiện bất thường, đo lại lần hai sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo. Máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) giúp bệnh nhân COVID-19 phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu, để được can thiệp kịp thời khi trở nặng. Đây là thiết bị y tế phổ biến, dễ sử dụng tại gia đình, cho bất kỳ bệnh nhân nào có tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ (thường ngủ ngáy)... và viêm phổi do COVID-19.
Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu đỏ).
Hướng dẫn dùng máy kẹp đo SpO2 như sau: bạn mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây. Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt. SpO2 dưới 95% là dấu hiệu trở nặng, cần liên hệ y tế ngay.
Thứ 4, mạch nhanh, lớn hơn 120 nhịp một phút hoặc dưới 50 lần một phút.
Thứ 5, huyết áp thấp. Chỉ số huyết áp tối đa nhỏ hơn 90 mmHg, huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 60 mmHg (nếu có thể đo).
Thứ 6 là đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
Thứ 7 là thay đổi ý thức. F0 cảm thấy lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
Thứ 8, F0 thấy tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Thứ 9, dấu hiệu ở trẻ em là không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn. Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
Thứ 10, người nhiễm COVID-19 mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Cuối cùng, bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.
2. Lưu ý quan trọng khi điều trị Covid tại nhà
Về điều trị, theo Bộ Y tế, F0 là người lớn sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên. Uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Trẻ em sốt trên 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.
Sau khi dùng thuốc hạ sốt hai lần mà không đỡ thì phải thông báo ngay đến cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý.
Cơ sở quản lý F0 tại nhà hướng dẫn bệnh nhân theo dõi sức khỏe hai lần vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các triệu chứng cần chuyển viện, cấp cứu. Người bệnh khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu bất thường phải báo cáo ngay cơ sở quản lý, trạm y tế xã, phường... để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
- Những điều cần biết khi tiêm vắc xin Pfizer
- Bà bầu tiêm vắc xin Covid-19 cần lưu ý gì?
- Kế hoạch tiêm Vaccine Covid-19 ở Việt Nam của Bộ Y tế