17-01-2024 13:50

10 xét nghiệm máu quan trọng bạn cần biết

10 xét nghiệm máu quan trọng bạn cần biết

Xét nghiệm máu được xem là một bước quan trọng trong các buổi thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm, giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn như tim mạch, tiểu đường, HIV,... Các xét nghiệm máu cũng giúp kiểm tra xem một số chất và quá trình trong cơ thể hoạt động có hiệu quả không, từ đó đưa ra phương pháp điều chỉnh phù hợp.

1. Các xét nghiệm máu định kỳ nên thực hiện bao lâu một lần?

Thông thường, bác sĩ sẽ khuyến nghị mọi người nên đi xét nghiệm máu định kỳ ít nhất mỗi năm một lần trong buổi kiểm tra sức khỏe tổng quát hàng năm. Việc thực hiện các xét nghiệm máu quan trọng có thể hữu ích cho bạn trong những trường hợp sau đây:

  • Bạn đang gặp phải một số triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe bất thường, kéo dài dai dẳng, chẳng hạn như mệt mỏi, tăng cân không kiểm soát hoặc đau nhức khắp người.
  • Bạn muốn biết mức độ của các thành phần khác nhau trong máu, bao gồm cholesterol toàn phần, cholesterol tốt (HDL), cholesterol xấu (LDL) và chất béo trung tính. Qua kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống và kế hoạch tập thể dục phù hợp hơn cho các mục tiêu sức khỏe lành mạnh của bản thân. Hơn nữa, điều này cũng giúp bạn tối đa hoá các chất dinh dưỡng hấp thụ trong cơ thể.
  • Bạn muốn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính và những biến chứng của chúng. Khi thực hiện các loại xét nghiệm máu định kỳ hàng năm sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo của hầu hết mọi bệnh, đặc biệt là bệnh tim, thận hoặc phổi.

Nếu bạn muốn tăng tần suất xét nghiệm máu trong một năm, hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn cụ thể.

2. Vì sao một số loại xét nghiệm máu yêu cầu nhịn ăn trước khi thực hiện?

Những thứ mà bạn tiêu thụ, bao gồm cả đồ ăn và thức uống, đều có chứa protein, vitamin và các chất dinh dưỡng khác, có thể làm biến đổi tạm thời (tăng / giảm) nồng độ các chất có trong máu. Do đó, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên nhịn ăn từ 8 – 12 giờ trước khi làm xét nghiệm máu nhằm giúp kết quả thu được đạt độ chính xác cao nhất.

Dưới đây là các loại xét nghiệm máu phổ biến thường yêu cầu bạn phải nhịn ăn uống trước khi tiến hành, bao gồm:

  • Xét nghiệm cholesterol.
  • Xét nghiệm lượng đường huyết.
  • Xét nghiệm chức năng thận.
  • Xét nghiệm chức năng gan.
  • Xét nghiệm glucose.
  • Bảng trao đổi chất cơ bản.

3. Mất khoảng bao lâu để có kết quả xét nghiệm máu?

Thông thường, kết quả của các loại xét nghiệm máu sẽ mất từ vài giờ cho đến vài ngày. Dưới đây là tổng quan về thời gian của một số loại xét nghiệm máu phổ biến nhất:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Mất khoảng 24 giờ.
  • Bảng trao đổi chất cơ bản: Mất khoảng 24 giờ.
  • Bảng trao đổi chất hoàn chỉnh: Mất từ 24 – 72 giờ.
  • Bảng lipid: Mất khoảng 24 giờ.

Nhìn chung, thời gian nhận kết quả sẽ phụ thuộc vào phòng thí nghiệm cụ thể nơi bạn được kiểm tra, hoặc số lượng xét nghiệm mà bạn thực hiện cùng một lúc. Đôi khi phòng thí nghiệm sẽ chỉ báo kết quả cho bác sĩ, sau đó họ sẽ đánh giá rồi mới công bố kết quả cho bạn.

xet-nghiem-mau
Tùy vào loại xét nghiệm máu và phòng thí nghiệm mà thời gian trả kết quả sẽ khác nhau

4. 10 xét nghiệm máu quan trọng mà bạn nên ghi nhớ

Dưới đây là 10 loại xét nghiệm máu quan trọng dành cho những người ở độ tuổi trưởng thành nên ghi nhớ và thực hiện thường xuyên. Cụ thể:

4. 1. Phương pháp xét nghiệm CBC (công thức máu toàn bộ)

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) sẽ giúp bạn kiểm tra mức độ của 10 thành phần khác nhau của mọi tế bào chính trong máu, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Những thành phần quan trọng thường được đo bằng xét nghiệm máu này sẽ bao gồm số lượng hồng cầu, hematocrit và hemoglobin.

Nếu kết quả xét nghiệm CBC cho thấy có sự bất thường về mức độ của các thành phần này, điều này chỉ ra rằng bạn đang gặp phải các vấn đề sức khoẻ sau:

  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B6 và B12.
  • Thiếu hụt chất sắt.
  • Mắc các vấn đề liên quan đến tủy xương.
  • Nhiễm trùng.
  • Viêm mô.
  • Vấn đề về tim mạch.
  • Ung thư.

Dựa trên kết quả CBC, bác sĩ có thể đánh giá và đưa ra chỉ định cho các xét nghiệm máu tiếp theo nhằm giúp xác định mức độ bất thường của các thành phần trong máu, từ đó có chẩn đoán chính xác hơn.

4. 2. Bảng trao đổi chất cơ bản

Bảng trao đổi chất cơ bản (BMP) thường được sử dụng nhằm giúp kiểm tra mức độ của một số hợp chất quan trọng trong máu, bao gồm:

  • Chất điện giải
  • Đường glucoza
  • Canxi
  • Natri
  • Kali
  • Cacbonic oxit
  • Clorua
  • Creatinine
  • Nitơ urê máu (BUN)

Đối với loại xét nghiệm máu này, bạn cần phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy mẫu máu. Nếu kết quả cho thấy có sự bất thường, nghĩ là bạn đang mắc các vấn đề sức khoẻ như bệnh thận, mất cân bằng hormone hoặc tiểu đường.

4. 3. Bảng trao đổi chất hoàn chỉnh (CMP)

Bảng trao đổi chất hoàn chỉnh thường bao gồm toàn bộ các phép đo của BMP cũng như các protein và một số chất bổ sung liên quan đến chức năng của gan:

  • Albumin.
  • Phosphatase kiềm (ALP).
  • Tổng lượng protein.
  • Bilirubin.
  • Alanine aminotransferase (ALT).
  • Aspartate aminotransferase (AST).

4. 4. Bảng lipid

Đây là một trong các xét nghiệm máu quan trọng, giúp kiểm tra mức độ của 2 loại cholesterol chính trong cơ thể, bao gồm:

  • Lipoprotein mật độ cao (HDL), hay còn gọi là cholesterol "tốt", giúp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu và hỗ trợ gan phân huỷ chúng thành chất thải tốt hơn.
  • Lipoprotein mật độ thấp (LDL) , hay còn gọi là cholesterol "xấu", có thể gây ra những mảng bám phát triển trong động mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Trước khi thực hiện loại xét nghiệm máu này, bạn cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ để đạt được kết quả chính xác nhất.

4. 5. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường được áp dụng trong trường hợp kiểm tra hiệu suất hoạt động cũng như phản ứng của tuyến giáp đối với các hormone quan trọng, chẳng hạn như:

  • Triiodothyronine (T3): Kết hợp với Thyroxine (T4), giúp điều chỉnh nhịp tim và nhiệt độ của cơ thể.
  • Hấp thu nhựa T3 (RU): Giữ vai trò đo lường mức độ liên kết của hormone globulin gắn kết với thyroxin.
  • Thyroxine (T4): Kết hợp với T3, giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và sự phát triển của cơ thể.
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Có chức năng điều chỉnh mức độ hormone mà cơ quan tuyến giáp tiết ra.

Dưới đây là kết quả xét nghiệm máu bình thường đối với từng loại hormone trong cơ thể, bao gồm:

  • Hormone T3: 100 – 200 ng / dL (nanogam / mỗi decilit máu).
  • Hormone T3 RU: phụ thuộc vào mức hormone T3 (sẽ thấp nếu mức T3 cao và ngược lại).
  • Hormone T4: 5,0 – 12,0 μg / dL (microgam / decilit máu).
  • Hormone TSH: 0,4 – 4,0 mIU / L (mili đơn vị quốc tế trên một lít máu).

Nếu kết quả cho thấy mức độ bất thường của những hormone này, điều đó có thể chỉ ra rằng bạn đang mắc phải một số tình trạng sức khỏe đáng chú ý, chẳng hạn như rối loạn tăng trưởng tuyến giáp, mức protein thấp, mức estrogen hoặc testosterone bất thường.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ đánh giá chức năng tuyến giáp

4. 6. Xét nghiệm enzyme

Enzyme vốn là những protein quan trọng trong cơ thể, tham gia vào một số quá trình chuyển hoá nhất định, chẳng hạn như đông máu hoặc phân huỷ thức ăn. Thông qua xét nghiệm máu, chúng ta có thể biết được mức độ của enzyme trong cơ thể và kiểm tra xem có bất kỳ sự bất thường nào không.

Hầu hết các xét nghiệm máu sẽ được thực hiện chủ yếu cho một số enzyme quan trọng sau:

  • Creatine phosphokinase (CPK-1): Xuất hiện chủ yếu ở phổi và não. Nếu mức độ CPK-1 tăng cao có thể là dấu hiệu của ung thư hoặc chấn thương não bộ.
  • CPK-2 (CK-MB): Được tìm thấy chủ yếu ở tim, có xu hướng tăng lên trong máu khi bạn vừa trải qua một cơn đau tim hoặc một chấn thương ở tim khác.
  • CPK-3: Cũng có mặt chủ yếu trong tim, thường tăng mức độ khi cơ thể bị viêm cơ, gặp chấn thương hoặc tập thể dục với cường độ cao.
  • Troponin: Là một loại enzyme ở tim có thể rò rỉ vào trong máu và gây ra các tổn thương cho tim.

Dưới đây là kết quả xét nghiệm bình thường đối với các enzyme được đề cập ở trên, cụ thể:

  • CPK-1: Khoảng 200 U / L.
  • CPK-2: 5–25 IU / L.
  • CPK-3: Khoảng 200 U / L
  • Troponin: <0,02 ng / mL

4. 7. Xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD)

Một số căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể được chẩn đoán chính xác nhờ vào các loại xét nghiệm máu. Những xét nghiệm này thường được kết hợp với lấy mẫu nước tiểu hoặc mẫu gạc của mô bị nhiễm trùng để cho ra kết quả đúng hơn.

Dưới đây là các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, bao gồm:

  • Bệnh da liễu.
  • Mụn rộp sinh dục.
  • HIV.
  • Bệnh Chlamydia.
  • Bệnh giang mai.

Tuy nhiên, xét nghiệm máu không phải lúc nào cũng cho ra kết quả chính xác ngay sau khi cơ thể bạn bị nhiễm trùng. Chẳng hạn, đối với trường hợp bị nhiễm HIV, bệnh nhân có thể phải đợi ít nhất 1 tháng trước khi xét nghiệm máu mới có thể phát hiện ra vi – rút.

4. 8. Xét nghiệm đông máu

Xét nghiệm đông máu thường được áp dụng nhằm giúp đo lường mức độ đông máu của cơ thể và mất bao lâu để máu đóng cục lại, chẳng hạn như xét nghiệm hoạt động fibrinogen hoặc xét nghiệm thời gian prothrombin (PT).

Mặc dù đông máu là một quá trình quan trọng giúp bạn cầm màu sau khi bị thương hoặc có vết cắt hở dưới da. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều cục máu đông trong động mạch hoặc tĩnh mạch có thể làm chặn dòng máu lên não, phổi và tim, dẫn đến cơn đau tim và đột quỵ.

Bên cạnh đó, xét nghiệm đông máu cũng thường được sử dụng để chẩn đoán một số tình trạng sau:

  • Bệnh máu khó đông.
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.
  • Huyết khối.
  • Thiếu vitamin K.
  • Vấn đề về gan.

4. 9. Xét nghiệm huyết thanh DHEA-sulfate

Hormone dehydroepiandrosterone (DHEA) thường được sản xuất ở tuyến thượng thận trong cơ thể. Thông qua xét nghiệm huyết thanh DHEA-sulfate có thể giúp đo lường được nồng độ của DHEA là cao hay thấp.

Ở nam giới, hormone DHEA có vai trò hỗ trợ phát triển các đặc điểm như mọc lông trên cơ thể, vì vậy nếu kết quả cho thấy mức độ thấp sẽ được coi là bất thường. Tuy nhiên ở nữ giới, nếu mức độ DHEA cao có thể gây ra các đặc điểm điển hình của đàn ông, như thừa lông trên cơ thể, vì vậy kết quả cho mức độ thấp là bình thường.

Mức độ DHEA thấp ở nam giới có thể xuất phát từ một số bệnh lý như chán ăn tâm thần, tiểu đường loại 2, bệnh thận và AIDS. Đối với cả nam và nữ giới có mức DHEA cao thường là do những tình trạng sau:

  • Có khối u ở tuyến thượng thận.
  • Bắt đầu dậy thì sớm do hiện tượng tăng sản thượng thận bẩm sinh.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (đối với nữ giới).
  • Bộ phận sinh dục phát triển hoặc thay đổi bất thường.

4. 10. Xét nghiệm protein phản ứng C (CPR)

Thông thường, protein phản ứng C (CRP) sẽ được sản xuất bởi gan khi các mô trong cơ thể bị viêm. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy mức CPR cao, nghĩa là bạn đang mắc các vấn đề sau:

  • Nhiễm trùng.
  • Viêm động mạch.
  • Bệnh viêm ruột (IBD).
  • Bệnh tim.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Ung thư.
  • Lupus ban đỏ.

Khi mức độ CPR càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim của bạn càng tăng, cụ thể:

  • CPR <1 mg / L: Nguy cơ mắc bệnh tim thấp.
  • CPR từ 1–2,9 mg / L: Nguy cơ mắc bệnh tim trung bình.
  • CPR > 3 mg / L: Nguy cơ mắc bệnh tim cao.
  • CPR > 10 mg / L: Nguy cơ mắc bệnh tim cực kỳ cao và cần tiến hành xét nghiệm thêm để chẩn đoán chính xác mức độ viêm trong cơ thể.
Xét nghiệm máu CPR - protein phản ứng C giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý
Xét nghiệm máu CPR - protein phản ứng C giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý

5. Quy trình xét nghiệm máu điển hình

Các thủ tục trong quy trình xét nghiệm máu thường được thực hiện tại phòng khám hoặc phòng thí nghiệm trong vòng vài phút, cụ thể:

  • Bước 1: Làm sạch khu vực lấy mẫu máu trên cánh tay của bạn.
  • Bước 2: Buộc dây chun vào bắp tay giúp các tĩnh mạch hiện rõ hơn.
  • Bước 3: Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa một cây kim vào tĩnh mạch để lấy mẫu máu.
  • Bước 4: Rút kim khỏi da và tháo dây chun khi quá trình lấy mẫu hoàn tất.
  • Bước 5: Che vị trí lấy mẫu máu bằng bông sạch hoặc băng y tế.

Nhìn chung, rủi ro sau khi thực hiện xét nghiệm máu định kỳ là rất thấp. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải các tình trạng như đau nhẹ, khó chịu khi kim đâm vào tĩnh mạch, thủng tĩnh mạch hoặc ngất xỉu vì mất máu.

XEM THÊM:
  • Các chỉ số đánh giá chức năng thận
  • Trẻ em mắc gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
  • Đi tiểu thường lẫn mùi thức ăn có phải do chức năng thận?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan