Mục lục
- 1. 1. Tầm soát ung thư phổi
- 2. 2. Tầm soát sớm bệnh ung thư tuyến tiền liệt
- 3. 3. Tầm soát ung thư tinh hoàn
- 4. 4. Tầm soát ung thư ruột kết
- 5. 5. Tầm soát ung thư da
- 6. 6. Tầm soát bệnh cao huyết áp
- 7. 7. Kiểm tra mức cholesterol
- 8. 8. Tầm soát bệnh tiểu đường loại 2
- 9. 9. Sàng lọc HIV
- 10. 10. Tầm soát bệnh tăng nhãn áp
- 11. Đánh giá
Khám sức khỏe tổng quát nam giới định kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ là một bước quan trọng giúp bạn tránh được các nguy cơ phát triển bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường hoặc suy thận. Dưới đây là 10 bài kiểm tra sức khoẻ mà mọi người đàn ông nên thực hiện.
1. Tầm soát ung thư phổi
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nam giới, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh do hút thuốc lá. Vì vậy, trong buổi thăm khám sức khỏe tổng quát nam giới, bác sĩ thường khuyến nghị bệnh nhân nên thực hiện tầm soát ung thư phổi thông qua phương pháp chụp CT liều thấp.
Chụp CT liều thấp là phương pháp sử dụng tia X để thu được hình ảnh của phổi, thường được áp dụng cho những người đàn ông ở độ tuổi từ 55 – 80 và có tiền sử hút thuốc thường xuyên trong nhiều năm. Những đối tượng được xem là hút nhiều thuốc khi họ hút khoảng 1 bao thuốc mỗi ngày trong suốt 30 năm, hoặc 2 gói mỗi ngày trong vòng 15 năm.
Ngay cả những người đã từ bỏ hút thuốc lá cũng được khuyến nghị tầm soát ung thư phổi nhằm kiểm tra những nguy cơ có thể phát triển bệnh. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho nam giới trước nguy cơ mắc ung thư phổi là không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
2. Tầm soát sớm bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới, chỉ đứng sau ung thư da. Đây là một loại ung thư có xu hướng tiến triển chậm, tuy nhiên hung hãn hơn so với các loại khác. Do đó, khi kiểm tra sức khoẻ sinh sản nam giới, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm tầm soát nhằm giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt.
Khám sàng lọc cho những đàn ông khỏe mạnh có thể bao gồm xét nghiệm kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE) hoặc xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Tuy nhiên, nam giới không nên thực hiện xét nghiệm PSA định kỳ, do đó bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ kỹ lưỡng về những lợi ích và rủi ro mà phương pháp sàng lọc này mang lại.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, những đối tượng nam giới sau đây nên đi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt sớm, bao gồm:
- Nam giới ở độ tuổi 50 có nguy cơ trung bình mắc ung thư tuyến tiền liệt.
- Nam giới 45 tuổi có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm cả người Mỹ gốc Phi.
- Nam giới 40 tuổi có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt.
3. Tầm soát ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn là một dạng ung thư ít gặp hơn so với những loại khác, chủ yếu xuất hiện ở nam giới độ tuổi từ 20 – 54. Nhìn chung, ung thư tinh hoàn có thể điều trị được nếu nó được phát hiện từ sớm. Chính vì vậy, kiểm tra tinh hoàn thường được xem là một phần quan trọng trong buổi khám sinh lý nam.
Tầm soát ung thư tinh hoàn ở nam giới thường bao gồm các phương pháp giúp kiểm tra kích thước và hình dạng của tinh hoàn. Điều này cũng giúp bác sĩ phát hiện sớm những bất thường ở tinh hoàn nam giới và kiểm tra xem có sự phát triển của bất kỳ khối u nào không.
4. Tầm soát ung thư ruột kết
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư ruột kết là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nam giới. Do đó, trong các buổi khám sức khỏe tổng quát nam giới, bệnh nhân nên đi sàng lọc ung thư ruột kết để sớm phát hiện bệnh, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải loại ung thư nguy hiểm này.
Các xét nghiệm sàng lọc ung thư ruột kết thường bao gồm phương pháp nội soi đại tràng, trong đó bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng có gắn máy ảnh nhỏ để kiểm tra toàn bộ vùng đại tràng, đồng thời giúp phát hiện các polyp. Ngoài phương pháp nội soi thông thường, bác sĩ cũng có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện nội soi đại tràng sigma để kiểm tra phần dưới của đại tràng.
5. Tầm soát ung thư da
Tầm soát ung thư da là một phần cần thiết trong quá trình khám sức khỏe tổng quát nam giới. Ung thư da thường bao gồm nhiều loại, trong đó nguy hiểm nhất là dạng u ác tính, chẳng hạn như ung thư tế bào đáy hoặc tế bào vảy. Các nguy cơ làm kích hoạt sự phát triển của các tế bào ung thư da thường bao gồm cháy nắng, tiếp xúc nhiều với tia UV hoặc bị sạm da.
Tốt nhất, nam giới nên đi kiểm tra da thường xuyên để nhận biết sớm bất kỳ sự thay đổi nào về màu sắc, hình dạng và kích thước của các vết bớt hoặc nốt ruồi trên da. Tầm soát và phát hiện sớm cũng giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
6. Tầm soát bệnh cao huyết áp
Nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thường có liên quan mật thiết đến tuổi tác, giới tính, cân nặng và lối sống của một người. Nhiều người đã mắc bệnh cao huyết áp mà không biết đến sự hiện diện của nó. Khi cao huyết áp được tầm soát và điều trị sớm có thể giúp bạn tránh được các rủi ro tiềm ẩn khác như suy thận, đột quỵ hoặc bệnh tim.
Khi đi khám sinh lý nam hoặc kiểm tra sức khỏe tổng quát, bạn nên thực hiện đo huyết áp để xác định mức huyết áp của mình. Kết quả đo sẽ cho ra 2 con số, số đầu tiên là áp lực trong động mạch khi tim đập và số còn lại là áp suất giữa các nhịp tim. Mức huyết áp bình thường sẽ là < 120 / < 80, huyết áp tăng là 12- - 129 / <80 và huyết áp tăng giai đoạn 2 sẽ > 140 / ≥ 90.
7. Kiểm tra mức cholesterol
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đàn ông trên 35 tuổi nên đi kiểm tra mức cholesterol khoảng 5 năm / lần trong các buổi khám sức khỏe tổng quát nam giới. Ngoài ra, bạn cũng cần thực hiện xét nghiệm đo lường cholesterol khi 20 tuổi nếu có một số yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Thường xuyên hút thuốc lá.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Có chỉ số BMI trên 30.
- Có tiền sử gia đình mắc đột quỵ não.
- Có người thân mắc bệnh thận cấp độ 1 và đã từng đau tim.
Để kiểm tra mức cholesterol, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu máu nhỏ từ cánh tay của bệnh nhân. Thông qua kết quả, bác sĩ sẽ xác định được mức cholesterol tốt (HDL), xấu (LDL) hay là chất béo trung tính.
Nhìn chung, kết quả xét nghiệm cholesterol sẽ được thể hiện bằng đơn vị miligam trên decilit máu (mg/dL). Mức cholesterol khoẻ mạnh thường nên dưới 200 mg/dL.
8. Tầm soát bệnh tiểu đường loại 2
Rất nhiều nam giới bị tiểu đường mà không hề hay biết mình đã mắc phải căn bệnh mãn tính này. Điều này có thể bắt nguồn từ thái độ chủ quan không đi kiểm tra sức khoẻ sinh sản nam giới của một số người.
Bệnh tiểu đường loại 2 nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, bệnh thận, đột quỵ, mù loà, liệt dương và tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, lượng đường cao trong máu có thể được quản lý hiệu quả và ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
Một trong những phương pháp phổ biến trong tầm soát bệnh tiểu đường loại 2 là xét nghiệm đường huyết lúc đói. Bác sĩ cũng có thể áp dụng xét nghiệm A1C để kiểm tra mức độ kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể theo thời gian.
Những nam giới khỏe mạnh nên thực hiện các xét nghiệm tiểu đường này khoảng 3 năm / lần và bắt đầu từ độ tuổi 45. Đối với những người có mức cholesterol và huyết áp cao nên tầm soát tiểu đường sớm và thường xuyên hơn những đối tượng khác.
9. Sàng lọc HIV
HIV là loại vi – rút gây ra căn bệnh thế kỷ AIDS ở loài người. Nó có khả năng lây truyền từ người này sang người khác thông qua máu và các chất dịch khác của cơ thể.
Trong giai đoạn đầu nhiễm vi – rút HIV, nhiều người không biết đến sự tồn tại của chúng. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, HIV sẽ chuyển thành AIDS, rất nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do đó, trong những buổi khám sinh lý nam, các bác sĩ vẫn thường khuyên bệnh nhân nên thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra HIV.
Xét nghiệm HIV thường được áp dụng là ELISA (hoặc EIA), giúp tìm kiếm các kháng thể chống lại vi – rút HIV trong máu. Một phương pháp kiểm tra HIV khác cũng có thể được thực hiện là xét nghiệm Western blot, giúp phát hiện sự phơi nhiễm với HIV của người bệnh.
10. Tầm soát bệnh tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp đề cập đến một nhóm các bệnh lý về mắt có liên quan đến sự tổn thương dần ở dây thần kinh thị giác, làm tăng nguy cơ mắc chứng mù loà. Trong những lần khám sức khỏe tổng quát nam giới, bệnh nhân nên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc giúp tìm kiếm áp suất cao trong mắt và các dấu hiệu khác của tăng nhãn áp, từ đó có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả trước khi tiến triển và làm tổn thương dây thần kinh thị giác.
Những xét nghiệm mắt để sàng lọc bệnh tăng nhãn áp sẽ đựa lựa chọn phù hợp dựa trên độ tuổi cũng như nguy cơ cá nhân, cụ thể:
- Nam giới dưới 40 tuổi nên đi kiểm tra mắt 2 – 4 năm / lần.
- Nam giới từ 40 – 54 tuổi nên khám mắt 1 – 3 năm / lần.
- Nam giới từ 55 – 64 tuổi nên khám mắt khoảng 1 – 2 năm / lần.
- Nam giới trên 65 tuổi nên đi khám mắt định kỳ từ 6 – 12 tháng / lần.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn bắt đầu tầm soát bệnh tăng nhãn áp sớm hơn hoặc kiểm tra mắt thường xuyên hơn dựa trên các yếu tố nguy cơ cụ thể gây bệnh của bạn.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com
- ĐI CẦU THANG BỘ CÓ ĐƯỢC COI LÀ TẬP THỂ DỤC?
- Tìm hiểu kỹ thuật chạy ngắn xuất phát cao
- Tại sao bạn bị khô miệng vào ban đêm?