“Bindi”, chấm đỏ trên trán phụ nữ được xem như dấu hiệu của những điều tốt lành và may mắn. Cái tên này xuất phát từ “bindu”, theo tiếng Phạn là “điểm” hoặc “chấm” màu đỏ làm từ bột châu sa.
Ý nghĩa chấm đỏ trên trán phụ nữ Ấn Độ
Bindi có nguồn gốc từ thời cổ đại nhưng đã mất dần đi ý nghĩa trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nó có thể được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới như một loại phụ kiện hay đồ trang sức. Tuy nhiên, trong truyền thống Ấn Độ, bindi vẫn có ý nghĩa đặc biệt dù không quy định phải là màu đỏ như trước.
Theo quan niệm của người Ấn Độ, chấm đỏ thường có hai tầng ý nghĩa chủ đạo. Thứ nhất, nó giúp chỉ ra thân phận của phụ nữ. Chỉ những người đã kết hôn mới được điểm nốt ruồi may mắn, đang có tình yêu và sống trong hạnh phúc. Các goá phụ không được phép làm điều này mà phải mặc đồ đen tượng trưng cho sự mất mát.
Thứ hai, khu vực giữa hai lông mày được xem như nơi tập trung trí tuệ, sự minh mẫn và mang lại sức mạnh tinh thần. Trong văn hoá của người Hindu, cầu nguyện là một phần không thể thiếu, nhưng họ không thể dùng cả ngày để cầu nguyện. Vì thế, chấm đỏ trên trán như lời nhắc nhở về mục đích cuộc sống, giúp họ thấy cần phải làm gì để đạt tới sự giác ngộ. Nhiều người còn cho rằng dấu đỏ bindi như con mắt thứ ba của người Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo đà phát triển của xã hội, phạm vi phụ nữ điểm nốt ruồi may mắn cũng được mở rộng, bao gồm cả trẻ em, những cô gái chưa chồng và thậm chí là đàn ông. Đối với trẻ nhỏ, bindi giúp chúng khoẻ mạnh, thoát khỏi bệnh tật và tránh xa ma quỷ. Còn với những cô gái trẻ, chấm đỏ châu sa có thể thay bằng đá quý, phù hợp với khuôn mặt, kiểu tóc, trang phục, làm tôn lên nhan sắc và nét bí ẩn của phụ nữ Á Đông. Bindi lúc này mang ý nghĩa trang trí và không có giới hạn về màu sắc.
Theo Hải Thu/vnexpress