Đầu năm xin chữ khai xuân là một nét văn hóa Tết truyền thống của người Việt. “Phố ông Đồ” được nhiều người tìm đến như một nơi gởi tâm ý vào từng con chữ rồi nhờ ông Đồ viết lên như một lời cầu may, với mong muốn những chữ xin được cả năm đều như ý nguyện.
Xin chữ đầu năm tại phố ông Đồ ở hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh
iVIVU.com xin giới thiệu với các bạn hai “phố ông Đồ” đặc trưng tại Hà Nội và Hồ Chí Minh nhé!
“Phố ông Đồ” – Nét đặc trưng của Tết Thăng Long
Mỗi dịp Tết đến, người dân Hà Nội và các tỉnh lận cận, kể cả du khách thập phương sau khi tham quan, dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cùng nô nức sang khu vực “phố ông Đồ” cạnh khu vực hồ Văn. Nơi đây hội tụ rất nhiều nhà thư pháp tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đến cho chữ ngày xuân. Người dân và du khách có thể tham quan xin chữ, thưởng chữ, không gian mang đậm nét truyền thống với các gam màu đặc trưng của Tết như giấy đỏ, bút lông, mực Tàu… khiến bạn như quay về không gian Tết thời xưa.
“Phố ông Đồ” – Nét văn hóa thuần Việt tại TP. Hồ Chí Minh
Tết ở TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp, phồn hoa, hiện đại, nhưng bạn vẫn có thể bắt gặp hình ảnh ông Đồ bày mực tàu giấy đỏ cho chữ khai xuân ngày Tết. Ở TP. Hồ Chí Minh, có hai “phố ông Đồ” mà người dân nô nức kéo nhau đến tham quan và xin chữ, đó là phố ông Đồ tại Nhà Văn hóa Thanh Niên và Cung Văn Hóa Lao Động. Sự pha trộn Tết Nguyên Đán thời nay và chút không gian Tết xưa làm tôn lên nét độc đáo của văn hóa Tết thuần Việt, điều đó khiến phố ông Đồ chưa bao giờ lãng quên trên đất Sài Gòn.
Một số gợi ý xin chữ đầu năm:
– Người còn đang đi học: chữ Trí Tuệ, Tài, Nhẫn.
– Người kinh doanh, buôn bán: chữ Lộc, Tín, Phát Tài.
– Người đang đi làm: chữ Danh, Thành, Đạt, Chí Hướng.
– Người trung niên: chữ Tâm, Đức, Nhẫn.
– Nam nữ thanh niên: chữ Danh, Duyên, Hiếu, Trung.
– Tặng cha mẹ: Tâm, An Khang, Bình An.
– Dành cho người cao niên: chữ Thọ.
– Dành cho gia đình: chữ Phú – Lộc – Thọ, Tâm, An.
Theo Mai Nguyễn (Tổng hợp)