Xác ướp của Tân Truy phu nhân hiện được trưng bày trong bảo tàng Hồ Nam với làn da mềm mại và máu vẫn còn trong huyết quản.
Xác ướp 2.000 tuổi có nội tạng nguyên vẹn ở bảo tàng Hồ Nam
Năm 1971, những công nhân xây dựng tại Hồ Nam tình cờ tìm thấy ngôi mộ của một phụ nữ cùng chồng và con trai. Ngôi mộ lớn đến nỗi công cuộc khai quật được tiến hành trong gần một năm với hơn 1.500 tình nguyện viên địa phương. Danh tính của xác ướp được tìm ra sau đó là Tân Truy phu nhân hay Đại phu nhân, vợ của một hầu tước từng cai quản vùng đất này khoảng 2.200 năm trước, dưới thời nhà Hán.
Khi được khai quật, ngôi mộ của Tân Truy chứa hơn 1.000 cổ vật quý giá như tượng vàng bạc, một bộ sưu tập váy áo lụa, mỹ phẩm, nhạc cụ, đồ sơn mài, và đồ gia dụng được chế tác tinh xảo.
Willow Weilan Hai Chang, giám đốc Viện Triển lãm Trung Quốc tại thành phố New York (Mỹ) cho biết, những vật phẩm này cho thấy Tân Truy từng có một cuộc sống xa hoa, và mong muốn mọi thứ không thay đổi khi sang thế giới bên kia.
Đặc biệt, xác của Tân Truy phu nhân được bọc trong 18 lớp lụa và vải lanh, đặt trong 4 chiếc quan tài lồng vào nhau theo kích thước giảm dần. Để tránh không khí và nước lọt vào, ngôi mộ được phủ bằng than và phần đỉnh được bịt kín bằng đất sét. Không gian kín như vậy có tác dụng ngăn chặn các loại vi khuẩn và bảo quản xác ướp. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu vết của thủy ngân trong quan tài và một chất lỏng không xác định có tính axit nhẹ xung quanh cơ thể bà.
Công việc khám nghiệm tử thi của Tân Truy được thực hiện vào tháng 12/1972. Qua đó cho thấy người phụ nữ này đã qua đời khi 50 tuổi. Mặc dù gương mặt đã biến dạng, làn da của xác ướp vẫn mềm mịn, không có dấu hiệu của sự co cứng cơ bắp. Thậm chí, tay và chân vẫn có thể gập, duỗi. Các nhà khoa học xác định được Tân Truy có nhóm máu A qua những gì còn lại trong thanh quản và các cơ quan nội tạng đều nguyên vẹn.
Cơ thể của Tân Truy phu nhân có một hồ sơ khám nghiệm tử thi đầy đủ nhất trong những xác ướp cổ đại. Các nhà khoa học có thể dựng lại chi tiết về chế độ ăn uống xa hoa và thói quen sinh hoạt cũng như phương thức săn bắn, sản xuất và chế biến thực phẩm từ hơn 2.000 năm trước.
Ngày còn sống, phu nhân Đại thường xuyên được thưởng thức những món ăn dành riêng cho giới quý tộc như thịt nai, cừu và trái cây. Vì vậy, khung xương nhỏ bé của Tân Truy đã oằn xuống vì chứng béo phì, bà chỉ có thể đi lại nhờ gậy chống. Thói quen ít vận động cũng gây ra xơ cứng động mạch, tiểu đường và một số chứng bệnh khác ở cột sống. Dạ dày còn sót lại hạt dưa, minh chứng bà đã ăn loại quả này 2 tiếng trước khi chết.
Cuộc khai quật những ngôi mộ của gia đình hầu tước được coi là một trong những khám phá khảo cổ lớn của thế kỷ 20. Vì sao cơ thể của bà có thể chống lại sự phân hủy cho đến nay vẫn là một bí mật. Những xác ướp được chôn trong môi trường kín gió, nước tương tự như tướng quân và con trai của bà lại không thể bảo tồn.
Ngày nay, xác ướp của Tân Truy phu nhân được trưng bày trong Bảo tàng Hồ Nam. Đến đây, du khách còn có thể chiêm ngưỡng 180.000 hiện vật khác, bao gồm đồ đồng của các triều đại Thương, Chu, đồ gốm, sứ, các tác phẩm thư pháp, tranh vẽ qua các thời kỳ.
Bảo tàng Hồ Nam nằm tại số 50, đường Donfeng, quận Kaifu, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Du khách có thể đến đây bằng xe bus số 131, 112, 146, 150, 58, 113, 901, 136 và 203.
Bảo tàng Hồ Nam mở cửa từ 9 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần, trừ thứ 2 và đêm giao thừa Tết Âm lịch. Du khách có thể đặt vé tham quan miễn phí qua website hoặc cổng bán vé của bảo tàng bằng hộ chiếu. Một số triển lãm đặc biệt có chi phí khoảng 30 tệ (khoảng 100.000 đồng).
Trẻ em dưới 12 tuổi phải có bố mẹ đi kèm. Bảo tàng nghiêm cấm khách mang theo các vật, chất gây cháy, nổ, nguy hiểm và đồ ăn, uống. Ngoài ra, du khách không được quay phim, chụp ảnh, sử dụng đèn flash trong bảo tàng.