Nhà vệ sinh nằm trong top 5 lý do giúp du lịch Nhật Bản thu hút khách du lịch, và bạn sẽ cảm thấy điều đó rất chuẩn khi tới đây.
WC công cộng – một lý do để thu hút khách du lịch Nhật Bản
Hầu hết những người tới Nhật đều có cảm giác hài lòng khi lần đầu vào WC ở đây. Không chỉ sạch, khu phụ này còn thể hiện rất rõ về tính cách con người Nhật: hiện đại, tỉ mỉ, không giống ai, quan tâm tới từng chi tiết nhỏ, từng con người và thể hiện rõ bình đẳng xã hội.
- Sạch: Nếu nói về độ sạch thì Nhật ngang các nước châu Âu, Mỹ. Nhưng ở nhiều nước châu Âu, bạn sẽ phải trả phí còn ở Nhật thì không. Ngoài ra, người Nhật còn kêu gọi mọi người tự giữ gìn vệ sinh. Trong nhiều WC có cả hướng dẫn (kèm nước lau) bạn cách làm sạch bồn cầu. Xà phòng, giấy lau luôn có đầy đủ.
- Ấm áp: Ở các nơi có mùa đông lạnh như Hà Nội, không chỉ trẻ con mà cả người lớn còn ngại khi phải ngồi bồn cầu lạnh ngắt. Nhưng ở Nhật thì không, bồn cầu lúc nào cũng ấm nóng. Bạn có thể điều chỉnh cả nhiệt độ nữa. Hệ thống xử lý mùi họ làm cũng rất ổn, không thấy hôi. Trong phòng WC cũng có cả máy để hong tay ấm áp.
- Rửa trước và rửa sau: Một điều gây hoang mang cho người mới lần đầu du lịch Nhật Bản là có quá nhiều nút điều khiển ở WC, đa số là tiếng Nhật kèm biểu tượng (một số nơi có chú thích tiếng Anh). Có 3 nút cơ bản là nhiệt độ, rửa trước và rửa sau, thật sạch sẽ và tiện lợi cho chị em. Bạn lưu ý là nút gạt nước thường nằm ở một vị trí riêng gần bình chứa nước, nên đừng cố tìm nút đó ở phần điều khiển.
- Quan tâm tới bà mẹ, trẻ em: Ở mọi phương tiện công cộng (tàu xe) ở Nhật, đều có những chỗ dành riêng cho các đối tượng đặc biệt. Ở WC cũng vậy, luôn có phòng dành cho các bà mẹ bế con nhỏ. Trong phòng đó có một cái ghế để mẹ đặt các bé ở đó, không cần nhờ ai giữ con hộ.
- Quan tâm tới người thiệt thòi: Ngoài các phòng khá rộng dành cho người đi xe lăn, trong rất nhiều WC đều có chữ nổi ở các bảng thông báo, phím điều khiển dành cho người mù.
Có thể nói, chỉ cần nhìn vào WC công cộng ở một nước, bạn có thể đánh giá phần nào được mức độ văn minh, tính cách của người dân nơi đó. Ví dụ:
– Đức: WC lúc nào cũng sạch như lau như li, chỉn chu, luôn có người quét dọn cẩn thận. Nhưng bạn thường sẽ phải trả phí khi đi WC công cộng như vào năm 2007 mình đi, mức giá từ 0,5 tới 1 euro (15.000 – 30.000 đồng). Nhưng giống như đi tàu điện ngầm ở Đức, bạn tự giác để tiền trên khay, không ai kiểm tra cả. Và người Đức thì đều tự giác, không ai không bỏ.
– Trung Quốc: Vẫn tồn tại cả WC truyền thống (xí xổm) – WC hiện đại. Đa số khu vệ sinh của Trung Quốc không bẩn, có nhiều cái còn xây lung linh nhưng điều bạn cần lưu ý là nhiều cái WC không có giấy và xà phòng. Khi đi vào đây, bạn rất hay bị chen ngang khi xếp hàng và đau đầu vì nhiều người nói chuyện ầm ĩ.
Theo Ngôi sao