Vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định là khu vực ngập mặn quan trọng của Việt Nam và là “sân ga” nơi nhiều loài chim quý hiếm từ khắp nơi về đây di trú. Khu vực nơi đây tuy mặn mòi vị biển nhưng cũng chất chứa nhiều điều ngọt ngào.
Vườn quốc gia Xuân Thủy – Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á
Công ước Ramsar là công ước về các vùng đất ngập nước được ký tại Ramsar, Iran năm 1971, đây là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Mục đích nhằm ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước; công nhận chức năng sinh thái học và các giá trị khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.
Đến nay, Việt Nam có 9 khu ngập nước được công nhận khu Ramsar. Năm 1989, khu bãi bồi ở phía nam cửa sông Hồng thuộc huyện Xuân Thủy, Nam Định (vườn quốc gia Xuân Thủy) được công nhận là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và là khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Với tổng diện tích lên đến 15.000m vuông, bao gồm vùng lõi 7.100ha trong đó có 3.100ha diện tích đất nổi có rừng khi triều kiệt và khoảng 4.000ha đất còn ngập nước; vùng đệm rộng 7.233ha, bao gồm 960ha phần diện tích còn lại của Cồn Ngạn, toàn bộ bãi trong với diện tích 1.997ha. Vườn quốc gia Xuân Thủy trải dài trên 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.
Đây là bãi vùng triều cửa sông điển hình nhất cho hệ sinh thái ven biển đồng bằng sông Hồng, nằm ở vị trí cửa sông, nơi đây có tốc độ bồi lắng phù sa hàng năm khoảng vài chục mét. Bãi bồi cửa sông ven biển cũng cung cấp nguồn hải sản như tôm, cua, cá, sò, vạng, rau câu và các loài khác.
Vườn quốc gia Xuân Thủy còn là “sân ga chim” quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế, có hơn 200 loài chim có mặt tại vườn quốc gia trong đó có loài cò mỏ thìa mặt đen, là loài chim đã được ghi vào sách đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng. Khu rừng sú vẹt Xuân Thủy còn là nơi cư ngụ của nhiều loài chim, mèo biển, cáo biển, rái cá… Dưới nước có các loại tôm, cá, cua, rắn, ngao, sò… là nguồn thức ăn phong phú của các loài chim.
Thời gian qua vườn quốc gia Xuân Thủy đã đưa các sinh kế mới như trồng nấm, nuôi ong, nuôi ngao… để tạo làn gió mới cho kinh tế kết hợp với bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn. Với nghề sản xuất mật ong từ rừng sú vẹt, hàng năm có khoảng từ 6000 đến 8000 đàn ong được mang vào vườn để thu hoạch mật hoa sú, vẹt. Vì thế người dân thường gọi mật ong nơi đây là “mật của biển”.
Sinh kế dựa vào vườn quốc gia vừa mang lại thu nhập cho cuộc sống của bà con vùng ven, vừa góp phần bảo vệ môi trường rừng ngập mặn, để rừng luôn là bến đỗ an toàn cho các loài chim di cư, là nơi sinh sống yêu thích của nhiều loài thực vật, động vật.
Theo iVIVU.com